23.3.2021 – THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY
Ga 8,21-30
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28a).
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Sách Dân Số thuật lại rằng: “Trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê” vì thiếu bánh ăn, nước uống. Sau đó, họ lại gặp nạn rắn lửa cắn chết nhiều người khiến họ sợ hãi. Khi đó, họ mới nhận biết mình đã lỗi phạm đến Chúa và xin ông Môsê khẩn cầu Chúa tha tội. Chúa đã truyền cho ông Môsê làm một con rắn bằng đồng và treo lên cao, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì khỏi phải chết.[1]
Bạn thân mến!!!
Những đau khổ mà Dân Chúa xưa phải trải qua trong sa mạc, cũng là những vấn nạn mà tất cả chúng ta hôm nay phải đối diện: đói, khát và chết chóc. Không phải cứ được Thiên Chúa dẫn dắt là thoát khỏi khổ đau, cũng không phải cứ theo đạo, trở thành Kitô hữu là được ăn sung mặc sướng. Đau khổ là quy luật của kiếp người. Chính vì thế, để cứu con người, Con Thiên Chúa đã tự nguyện trở nên một con người thực sự, và cũng đã đi qua con đường đau khổ và cái chết, để những ai tin vào Ngài, bước theo con đường của Ngài thì được cứu độ.
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh con rắn đồng được treo lên đó để nói về chính cái chết cứu độ của Người. Quả thật, không phải tự con rắn đồng có thể cứu người bị rắn cắn khỏi chết, nhưng là nhờ họ tin vào Lời Chúa bảo nhìn lên con rắn; họ đã làm theo, nên được khỏi. Hình ảnh rắn đồng được “giương cao” năm xưa dẫn chúng ta đến với Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc muôn dân. Người đã tự nguyện được “giương cao” trên thập giá để trở nên nguồn ơn cứu chuộc cho tất cả những ai tin vào danh Người. Vì là Đấng Hằng Hữu, nên Người cứu chuộc được tất cả mọi người, mọi nơi và mọi thời.
Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, Đấng Hằng có đời đời (Hằng Hữu). Nhưng mầu nhiệm Thiên Chúa của Người chỉ được mặc khải trọn vẹn qua cái chết thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi Hằng Hữu” (c.28a). Chiêm ngắm Đức Giêsu được “giương cao” để nhận thấy rằng: Đấng Hằng Hữu đã đi qua con đường đau khổ để giải thoát con người. Như thế, đau khổ trong cuộc sống hằng ngày tùy theo bổn phận và bậc sống của mỗi người, trở thành phương tiện để thanh luyện và cứu độ chúng ta, khi chúng ta biết đón nhận trong niềm tin tưởng vào quyền năng và ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Thập giá giúp ta nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa nơi sự hy sinh cao cả của Đức Giêsu, và mời gọi ta trở về nơi sâu thẳm của lòng mình để thống hối, hoán cải và canh tân đời sống mỗi ngày.
Mẹ Maria là người đầu tiên đã nhìn lên Đấng được “giương cao” để lãnh nhận ơn cứu độ cho chính Mẹ và cho toàn thể nhân loại. Giữa cảnh đau buồn cùng cực, khi chứng kiến người Con duy nhất của mình quằn quại trên thập giá, Mẹ vẫn xác tín Người là “Con Đấng Tối Cao”[2] như lời sứ thần đã nói. Mẹ trung kiên đứng dưới chân thập giá với niềm tin tưởng, cậy trông, vì biết rằng, Con của Mẹ sẽ trở nên nguồn sự sống cho muôn người. Đồng thời, Mẹ cũng cảm nghiệm sâu xa lời tiên báo của cụ già Simêon năm xưa: “Một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn bà…”[3]
Mẹ đã cùng đi với Chúa trên con đường đau khổ, nên Mẹ được cùng Người vui hưởng phúc vinh quang.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Theo bước Mẹ, tôi vui lòng đón nhận những khó khăn, bất ổn và thiếu thốn về tinh thần cũng như vật chất để kết hợp với những đau khổ của Chúa, với niềm xác tín Chúa là Đấng cứu độ tôi.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con cảm nghiệm được tình thương và ơn cứu độ Chúa dành cho con qua cái chết đau khổ của Người. Chớ gì khi chiêm ngắm Chúa trên thập giá, con được thêm xác tín vào Chúa, và nhờ đó, con được biến đổi nên giống Chúa hơn. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/838841223645727)
[1] X. Ds 21,4-9
[2] Lc 1,32
[3] Lc 2,35