fbpx

NỀN TẢNG VIỆC TÔN KÍNH ĐỨC MARIA

Đức Maria có một vị trí nổi bật trong kế hoạch cứu độ, điều đó không thể chối cãi được. Kế hoạch này bao hàm một hoạt động của Thiên Chúa, đòi hỏi một  sự đáp trả tích cực về phía con người và đồng thời làm cho sự đáp trả này có thể thực hiện được.

Vấn đề tất nhiên được đặt ra là , trong bối cảnh chức năng đặc biệt và ngoại thường của Đức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thì ngài phải có một vị thế nào trong đời sống kitô giáo của chúng ta. Sự đáp trả của chúng ta phải mang hình thức tôn giáo đặc thù nào? Nói cách khác, chúng ta phải đáp trả thế nào trước mầu nhiệm  Đức Maria, Mẹ Đấng cứu chuộc và là Mẹ của ơn cứu chuộc?

  1. Việc tôn kính các thánh nói chung

Giáo Hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các thánh vì sự thánh thiện là nền tảng cho tính khả tín của Giáo Hội. Việc tôn kính các thánh được xem như một điều hợp pháp và hữu ích, nhưng Giáo Hội không buộc phải tôn kính riêng một vị thánh nào. Việc tôn kính các thánh phù hợp với Kinh Thánh, vì sự thánh thiện không chỉ ở nơi các chi thể của Hội Thánh, mà trước hết còn là ân sủng của Thiên Chúa được ban trong lịch sử con người và đã toàn thắng, là điều con người cần tôn vinh (x. Ep 1, 6. 12. 14). Việc tôn kính và cầu khẩn các thánh, tùy theo các ân huệ và đặc sủng các ngài đã nhận lãnh là thành phần của việc ca ngợi chính ân sủng của Thiên Chúa (xem hiến chế Phụng Vụ số 104: “Ngoài ra, Giáo Hội còn thêm vào niên kỳ những lễ kính nhớ các Thánh Tử Ðạo và các Thánh khác, là những đấng nhờ muôn vàn hình thức ơn Chúa, đã đạt tới sự trọn lành, và đã chiếm được phần rỗi đời đời (…). Giáo Hội cũng trình bày cho các tín hữu những gương mẫu của các Ngài, những gương mẫu lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô, và nhờ công nghiệp các Ngài, Giáo Hội lãnh nhận được những hồng ân của Thiên Chúa » và kinh tiền tụng lễ kính các thánh trong Sách Lễ Rôma ghi: “Chúa được tôn vinh trong cộng đoàn các thánh, và khi tuyên dương công trạng của các ngài, Chúa tuyên dương chính hồng ân của Chúa. Từ nếp sống của các ngài, Chúa ban cho chúng con gương sáng, nhờ sự hiệp thông với các ngài, Chúa cho chúng con được chung phần vinh phúc, nhờ lời các ngài chuyển cầu, Chúa ban ơn trợ giúp chúng con”).

Các thánh đã được tuyên phong là những mẫu gương độc đáo của sự thánh thiện được đề ra cho một thời kỳ nhất định nào, qua lối sống đời sống kitô hữu của các ngài, luôn mới mẻ, và qua gương sáng cụ thể của các ngài đã dạy cho kẻ khác một cách mới mẻ và sáng tạo để hiểu và sống đời sống kitô giáo.

Nếu Giáo Hội nhìn nhận tính cách gương mẫu của một vị thánh và tôn vinh ngài, việc đó được gọi là “tôn kính”.

Người ta phân biệt : “Tôn kính” khác với “Tôn thờ”.

Có sự khác biệt tự bản chất giữa tôn kính và tôn thờ.

Tôn kính dành cho các thánh, còn Tôn Thờ (hay thờ phượng) chỉ dành riêng cho Thiên Chúa (Chúa Ba Ngôi, hay từng Ngôi một: Chúa Cha, Chúa Con (Ngôi Lời nhập thể), Chúa Thánh Thần.

Bởi vì phẩm tính mà người ta nhìn nhận có nơi một vị thánh như đáng bắt chước luôn là một ân huệ của ân sủng Thiên Chúa ban, nên, xét cho cùng, việc tôn kính các thánh đồng thời cũng là ca ngợi và tôn vinh chính Thiên Chúa.

  1. Đặc tính của việc tôn kính Đức Maria
  2. Bản chất.

Đức Trinh Nữ Maria, do tư cách làm Mẹ Thiên Chúa  và vị trí độc nhất của ngài trong lịch sử cứu độ, và bởi đó gần gũi mật thiết với Thiên Chúa hơn bất cứ thụ tạo nào khác, nên ta phải tôn kính ngài cách đặc biệt. Việc tôn kính này được gọi là “biệt kính”, trổi vượt hơn việc tôn kính các thánh, tuy vẫn khác việc tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Việc tôn kính này có nền tảng trong Kinh Thánh, như chính Đức Maria đã nói tiên tri về mình: “Từ nay, hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48).

  1. Sự cần thiết.

Do vị trí của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ, việc tôn kính ngài cách minh nhiên, ở một mức độ nhiều hay ít, là một biểu hiện thiết yếu của đời sống kitô giáo. Ta không được quên rằng việc tôn sùng Đức Maria không phải là một thực hành tùy ý, nhưng là thành phần thuộc bản chất của việc phụng tự kitô giáo (x. Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn “Tôn sùng Đức Maria”, số 56 + 58).

Việc tôn kính Đức Maria không phải là một việc đạo đức  hay sùng mộ tùy nghi, như kính thánh Martinô, Antôn, Vinh Sơn…mà đứng trên bình diện khác hẳn, do vị trí đặc biệt của mẹ Thiên Chúa  trong đời sống của con người.

Sự kiện có các tín điều về Đức Maria, mà không có về bất cứ vị thánh nào, cho thấy rõ việc tôn kính đó không chỉ  khác về mức độ so với các việc sùng kính khác nhưng cao trổi hơn tận gốc rễ. Sự hiện hữu của các tín điều liên quan đến Đức Maria chỉ cho ta thấy rằng Đức Maria, xét như là một con người, một cách thiết yếu thuộc thực tại mạc khải. Tín điều là một lời kêu gọi đặc thù được Thiên Chúa gởi đến con người. Đối với chúng ta, điều có nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa được gởi đến chúng ta một cách đặc biệt, và tình yêu này, kêu gọi chúng ta và đòi hỏi về phía chúng ta một sự chú tâm và đáp trả. Như thế, dung mạo Mẹ Thiên Chúa, qua các tín điều, kêu gọi lòng sùng mộ của chúng ta, nghĩa là lời đáp trả tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa qua Đức Maria. Vì lẽ đó, việc tôn sùng Đức Maria đâm rễ vững chắc và sâu xa trong kitô giáo và coi thường việc này chắc chắn dẫn đến việc làm méo mó đời sống kitô giáo.

  1. Nền tảng.
  2. Khi tôn kính Đức Maria, chúng ta tôn vinh hồng ân của Thiên Chúa, lòng nhân từ vô biên và ưu ái tuyệt đối Người dành cho Mẹ trong số tất cả các thụ tạo. Vì vậy, xét cho cùng việc tôn sùng Đức Maria hướng về Thiên Chúa và hoàn tất trong tâm tình thờ phượng và tạ ơn đối với Đấng là nguồn mạch mọi sự trọn lành. Vì mọi danh dự và vinh quang đều qui về Thiên Chúa, nếu Đức Maria muôn đời được tuyên bố diễm phúc, đó là vì Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ những sự trọng đại. Danh Người phải được tán dương vì Mẹ và với Mẹ. Việc sùng mộ mà Giáo Hội dâng lên Đức Maria, xét cho cùng, chỉ là gắn bó với tâm tình tạ ơn và thờ phượng của chính ngài. Trong hồng ân Mẹ lãnh nhận, chính là ơn cứu độ, ân sủng, vinh quang của toàn thể nhân loại, của Giáo Hội được bao gồm trong đó.

Còn hơn là một hành vi tôn kính hình thức, tâm tình của các kitô hữu đối với các thánh là một hình thức sâu đậm hơn của lòng mến. Vị thánh chỉ là người gần gũi Thiên Chúa hơn chúng ta. Trong số đó, Đức Maria, Đấng được yêu mến hơn cả, gần gũi với Đức Kitô hơn ai hết, kết hợp với bản thân Đức Kitô và mầu nhiệm của Người, cũng như công trình cứu độ của Người một cách bất khả phân ly, nên Đức Maria chỉ có thể ở trung tâm sự hiệp thông kitô giáo.

  1. Vai trò làm Mẹ các kitô hữu. Đấng gần gũi Đức Kitô hơn hết, do đó, cũng là Đấng gần gũi các kitô hữu hơn hết. “Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng cứu thế (…) để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy trên bình diện ân sủng, ngài thật là Mẹ chúng ta” (GH 61). Đấng làm Mẹ và cộng sự viên của Thiên Chúa làm người, trở nên Mẹ của hết mọi người. Đó thật sự là bản chất đặc thù cửa việc tôn sùng Đức Maria (x. Thông điệp “Mẹ Đấng cứu chuộc” số 45 : “Đặc điểm của tình mẫu tử có tính cách liên vị. Ngay cả khi người mẹ có nhiều con, có mối liên hệ cá vị với từng người con. Mỗi người con được thương yêu, bao bọc cách duy nhất trong tình mẫu tử đó, trong lãnh vự ân sủng cũng giống như trong lãnh vực tự nhiên.” Trên đồi Golgotha, Đức Kitô đã trăn trối thân mẫu Người cho từng môn đệ. Vai trò của Đức Maria là một ân ban cho từng người. Đức Kitô trao Gioan cho Đức Maria, từ đó bắt đầu sự dâng hiến đặc biệt của loài người cho Mẹ Đức Kitô. Ga 19, 27: người môn đệ được giao cho phận vụ làm con Đức Maria, nói lên mối tương quan mật thiết giữa người con với mẹ mình. Điều đó có thể được gói ghém trong thuật ngữ “tự hiến” nghĩa là đáp trả tình yêu của người mẹ. Khi phó thác bản thân với tình con thảo cho Đức Maria, người kitô hữu tiếp rước Đức Maria vào sản nghiệp riêng của mình nghĩa là đưa Mẹ vào đời sống thiêng liêng của mình, vào chính đời sống người kitô hữu của mình. Điều đó là thành phần của lý tưởng đời sống kitô giáo và đáp lại lời mời gọi của Chúa.


“Lạy Mẹ, con thuộc về Mẹ để được thuộc về Chúa nhiều hơn.”
Thánh nữ Louise de Marillac

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *