29.6.2021 – THỨ BA – THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ
Mt 16,13-19
“Anh là Phêrô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời.” (Mt 16,19a)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Có hai người bạn một già-một trẻ, với hai tính cách khác nhau, nhưng lại kết hợp rất ăn ý với nhau để làm việc cho “Công ty Nước Trời”. Có lẽ các bạn đã đoán được rồi, đó là thánh Phêrô và thánh Phaolô mà hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng kính.
Thánh Phêrô, tên “cúng cơm” là Simon, một người ít học, lớn tuổi, đã có gia đình và nghề nghiệp chài lưới ổn định, tính tình bộc trực. Ông là một trong số những môn đệ đầu tiên đã theo Chúa Giêsu từ bờ biển hồ Galilê. Nếu chỉ nhìn vào con người và tính cách của ông, chúng ta sẽ rất khó hiểu việc Chúa chọn ông để “trao chìa khoá Nước Trời” (c.19). Tuy nhiên, Thiên Chúa không chọn người có khả năng, nhưng Chúa ban khả năng cho người Chúa chọn. Thật vậy, Chúa Cha đã tuyển chọn Phêrô khi Người mặc khải cho ông nhận biết Chúa Giêsu là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c.16), và Chúa Giêsu đã đặt ông làm thủ lãnh Giáo Hội của Người. Chính ông sẽ dẫn dắt đức tin của Giáo Hội, không phải bằng sức riêng, nhưng bằng ơn trợ giúp của Thiên Chúa.
Khác với thánh Phêrô, thánh Phaolô là một biệt phái trẻ trung và năng động. Ông không được biết Chúa Giêsu trực tiếp như Phêrô, và vì nhiệt thành với đạo Do thái, ông đã say sưa bách hại những ai tin theo Chúa Giêsu mà ông cho là “tà đạo”. Khi đó, ông vẫn mang tên là Saolô. Kỳ diệu thay tình thương và ân sủng của Chúa đã dành cho ông qua biến cố ngã ngựa, khi ông đang trên đường lùng bắt các tín hữu. Xét theo cách nhìn của người đời thì đó là một thất bại lớn lao đối với Saolô, nhưng trong kế hoạch của Thiên Chúa, thì đó lại là “cú ngã của ân sủng”, làm cho Phaolô được nhận biết Đức Giêsu, Đấng đã chết và sống lại, đang hiện diện nơi các tín hữu của Người. Từ đó, Phaolô trở nên tông đồ đầy năng động và tình yêu, giúp biết bao tâm hồn dân ngoại đón nhận Chúa là nguồn ơn Cứu độ.
Phêrô được chọn làm tông đồ cho “Dân Riêng” của Chúa, để họ nhận biết Chúa Giêsu chính là Đấng Kitô mà họ vẫn mong đợi. Ngài được Chúa trao “chìa khóa nước trời” với quyền “cầm buộc và tháo cởi”, nghĩa là thay mặt Chúa để “xác định rõ điều gì là cấm và điều gì là cho phép” theo ơn trợ giúp đặc biệt của Thiên Chúa. Sau thánh Phêrô, các giáo hoàng kế vị ngài cũng có quyền quyết định những điều buộc hay không buộc phải tin, những ai thuộc hay không thuộc thành phần của Giáo Hội.[1] Tuy là người lãnh đạo, Phêrô vẫn khiêm nhường lắng nghe Phaolô góp ý cách thẳng thắn, vì lợi ích thiêng liêng của các tín hữu.[2]
Phaolô là tông đồ dân ngoại. Với tính cách và năng lực riêng Chúa ban, ngài cũng khiêm nhường lắng nghe và học hỏi nơi các tông đồ kỳ cựu đã được theo Chúa ngay từ đầu. Ngài đã chịu đựng biết bao gian truân, nguy hiểm và quẫn bách, hiểu lầm…để rao giảng Lời Chúa.
Cả hai vị đã chịu tử đạo để minh chứng đức tin tại hai thời điểm khác nhau, nhưng Giáo Hội mừng chung một ngày vì là hai cột trụ đức tin vững chắc cho Giáo Hội. Chúng ta tuyên xưng đức tin dựa trên nền tảng đức tin mà các ngài đã rao truyền, qua những hành động cụ thể diễn tả lòng mến Chúa và yêu tha nhân.
Mẹ Maria đã để Chúa sử dụng cho kế hoạch của Ngài, Mẹ là người đồng hành và nâng đỡ đức tin cho các tông đồ trong buổi đầu non trẻ của Giáo Hội. Mẹ là mẹ của Giáo Hội, là ánh sao dẫn đường chỉ lối cho chúng ta đến với Đức Kitô-Con Thiên Chúa, Đấng mà hai thánh Phêrô và Phaolô đã rao giảng.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Dưới sự che chở của Mẹ, tôi tin tưởng cộng tác và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và cho Giáo Hội trong thời đại dịch này.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội, xin Mẹ luôn đồng hành với Đức Thánh Cha và các vị chủ chăn của chúng con trong giai đoạn khó khăn này, để Giáo Hội luôn đứng vững trong mọi hoàn cảnh.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/657512578445260)
[1] X. Lời Chúa cho mọi người, tr.1625, phần chú giải
[2] X. Gl 2,11