03.7.2021 – THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
LỄ THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ
Ga 20,24-29
“Tôma, vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” (Ga 20,29)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Bà Năm nhìn cái chân bó bột của con trai, xót xa xen lẫn bực bội:
- Đấy, mày thấy chưa? Mẹ nói thì không chịu nghe, ngày nào cũng say. Bây giờ Chúa nhắc đấy!
Anh con cười xòa:
- Mẹ thì cái gì cũng đổ cho Chúa. Xưa nay con vẫn uống, có sao đâu. Nay lỡ xui thì té thôi. Chúa đâu đợi để xô con té đâu mà đổ cho Chúa!
- Đúng rồi, Chúa không xô mày té, nhưng qua dịp mày té thì Chúa nhắc mày đấy! Cái thằng này! Mày cứng lòng như Tôma ấy!
Tội nghiệp cho thánh Tôma. Thật là oan cho ngài quá! Người ta chỉ nhớ đến sự cứng lòng mà quên rằng: chính nhờ việc ngài đòi kiểm chứng rõ ràng sự kiện Chúa Phục Sinh, mà chúng ta được nghe Chúa nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (c.29).
Thật vậy, sau khi Phục Sinh, lần đầu tiên Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ vào ngày thứ nhất trong tuần, Tô-ma vắng mặt, nên khi các anh em kể lại: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” ông đã không tin được. Vốn là mẫu người sống thực tiễn, việc gì cũng cần minh xác bằng lý trí, sự kiểm chứng bằng giác quan, ông muốn được thấy tận mắt, sờ tận tay (x.c.25) mới tin. Với ông, cho dù Thầy có Phục sinh, những vết thương ấy chắc chắn vẫn còn nơi thân thể của Thầy.
Như người mẹ biết rõ tính nết từng đứa con, Chúa Giêsu Phục Sinh sẵn sàng chiều ý Tôma. Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các môn đệ. Người không chỉ cho phép Tôma đặt tay vào vết thương, mà còn mời ông chiêm ngắm các thương tích trên thân thể Người để củng cố lòng tin (x.c.27). Lúc này, chỉ nghe Chúa nói như thế, Tôma không cần kiểm chứng nữa, nhưng tận đáy lòng, ông thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Tôma đã dùng tước hiệu Thiên Chúa cho Đức Giêsu: đây là trường hợp duy nhất trong các sách Tin Mừng[1]. Khi đã trực tiếp gặp Đấng Phục Sinh, Tôma được biến đổi hoàn toàn: không còn khép kín tách mình khỏi cộng đoàn nữa, nhưng cùng với các anh em nhận lấy Thánh Thần để rao giảng Tin Mừng và dùng chính cái chết của mình để minh chứng niềm tin ấy.
Khoa học thực nghiệm ngày nay cũng thúc chúng ta đặt lại vấn đề, phê bình, phân tích, thí nghiệm, kiểm chứng mọi điều trước khi chấp nhận. Người ta cũng muốn áp dụng việc kiểm nghiệm đó trong lãnh vực đức tin, đòi hỏi sự hợp lý, thực chứng… để rồi nghi ngờ và thậm chí chối bỏ những chân lý mặc khải đã được Giáo Hội minh định. Đáng tiếc thay! Đức tin thuộc phạm trù siêu nhiên, nên khác biệt với khoa học thực nghiệm.
Chính vì thế Chúa Giêsu đã dành riêng cho chúng ta lời chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin.” Khi ta khiêm tốn đón nhận Chân lý đức tin qua Thánh Kinh đã được các thánh tông đồ và Giáo Hội truyền lại, ta thật sự được chhúc phúc và được bao bọc trong tình yêu thương của Chúa.
Trong biến cố truyền tin, Mẹ Maria đã không đòi xác minh lời sứ thần nói, nhưng Mẹ đã khiêm tốn trình bày: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”[2] Khi được sứ thần giải thích, Mẹ mau mắn đón nhận và vâng theo ý Chúa. Mẹ đã tin hài nhi bé bỏng và yếu ớt mà Mẹ đã cưu mang và sinh hạ là Thiên Chúa quyền năng và là “Đấng Cứu Độ tôi”.[3] Mẹ là điểm tựa cho chúng ta khi phải đối diện với những mầu nhiệm khó tin, khó đón nhận trong cuộc sống.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi đón nhận những điều xảy đến mỗi ngày với niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa là Đấng yêu thương tôi.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, ngày nay chúng con không được tận mắt thấy Chúa như Mẹ và các tông đồ, nhưng nhờ lời dạy và đời sống chứng tá của các ngài, xin Mẹ giúp con xác tín vào Chúa và chớ gì đời sống con trở thành lời tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa của con và của tất cả mọi người. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/899425620920620)
[1] Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 2398 phần chú giải.
[2] Lc 1,34
[3] Kinh Magnificat