30.7.2021
THỨ SÁU TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
Mt 13,54-58
“…chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao?”
(Mt 13,56)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Chưa bao giờ, các mối liên hệ hằng ngày “bị thắt chặt” như hôm nay, từ “truy vết” cũng trở nên thông dụng hơn bao giờ hết. Khi một người bị nhiễm bệnh (Covid-19), người ta xét ngay đến những mối liên hệ gần nhất của người bệnh, và xác định ngay F1, F2… Chắc chắn không ai trong chúng ta mong muốn có mối liên hệ “gai góc” như thế với những người thân của mình. Trái lại, người ta thường kể tên, khoe hình chụp chung với những người nổi tiếng, để mọi người thấy “tôi” cũng quan trọng, “tôi” có liên hệ cách này cách khác với đấng này, vị kia…
Bạn thân mến,
Sau một thời gian hoạt động công khai, Chúa Giêsu đã thực sự “nổi tiếng” vì những phép lạ và cách giảng dạy đầy uy quyền của Người. Thế nhưng, khi Người trở về thăm quê nhà, thay vì vui mừng hân hoan chào đón một người con ưu tú của quê mình, dân làng lại nghi ngờ quyền năng của Người: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?…” Vì sao vậy?
Chắc chắn là vì họ không muốn bị “liên lụy” với Chúa. Bởi lẽ, khi Chúa nổi danh, thì đồng thời, Người cũng trở thành “cái gai” trong mắt các nhà lãnh đạo tôn giáo và cả phe Hêrôđê nữa. Hẳn cũng vì lẽ đó, có lần họ đã nói rằng “Người bị mất trí”,[1] để lỡ khi Người bị các nhà chức trách luận tội, thì họ cũng đỡ trách nhiệm.
Hơn nữa, suốt 30 năm sống ẩn dật, Chúa Giêsu không tỏ ra là người xuất chúng hay là một thần đồng ở giữa họ. Thế nên, chỉ sau một thời gian ngắn, họ gặp lại Người trong một sự mới mẻ không ngờ: sự mới mẻ nhờ quyền năng của Thiên Chúa ở nơi Người. Như thế, Người đã trở nên “trổi vượt” hơn những người đồng hương, và đó chính là điều mà họ không thể chấp nhận.
Chính vì thế, họ đặt lại vấn đề về gốc gác gia cảnh của Người. Họ công nhận mối liên hệ quen biết với Người qua những người thân thuộc, họ hàng của Chúa: là con bác thợ… Mẹ là bà Ma-ri-a; anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa… Và chị em của Người là bà con lối xóm với họ (cc.55-56). Tuy nhiên, họ mong muốn “kéo” Chúa trở lại bình thường như họ vẫn thấy, chứ không muốn đón nhận sự “tỏ mình” cách mới mẻ của Chúa, để được Chúa “nâng” lên trong sự nhận biết ngày càng sâu xa hơn về Người.
Dù muốn hay không, họ vẫn có một mối liên hệ là người đồng hương của Chúa. Cũng thế, trong bối cảnh cơn đại dịch hiện nay, dù muốn dù không, chúng ta phải sống mối liên hệ thân thiết với tất cả mọi người “đồng bào” (cùng một bào thai = ruột thịt) đang gặp khó khăn. Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch HĐGMVN mời gọi tất cả chúng ta “Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi.”[2]
Chúng ta cùng nhìn lên gương Mẹ Maria: Mẹ đã luôn sống liên đới với mọi người trong sự khiêm tốn, hiền hòa và hết sức quảng đại. Chỉ cần nghe tin bà chị họ mang thai con đầu lòng khi đã lớn tuổi, Mẹ đã vội vã đến với bà[3] vì biết rằng bà rất cần được giúp đỡ. Mẹ tôn trọng và gần gũi các mục đồng nghèo khó, cho họ chiêm ngưỡng Chúa Hài Nhi; Mẹ nói chuyện cách thân mật với những gia nhân trong tiệc cưới ở Cana[4]…
Trong những lần hiện ra, Mẹ thường chọn những người nghèo hèn, bé mọn để gặp gỡ và trao gửi những sứ mạng lớn lao, cụ thể nhất là Sơ Catherine Labouré, người Chị Cả của chúng ta. Thánh Vinh Sơn cũng đã dạy các Nữ Tử Bác Ái yêu mến và tôn trọng Người Nghèo vì họ là Thầy và là Chúa của mình.[5]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi sống liên đới và chia sẻ với mọi người trong mùa dịch này.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết nhận ra Chúa nơi mọi người đang đau khổ vì cơn đại dịch này, để trở nên người thân thiết của họ và của Chúa. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/916266982569817)
[1] X. Mc 3,20-21
[2] X. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-qua-sai-gon-oi-thu-keu-goi-cua-chu-tich-hoi-dong-giam-muc-gui-dong-bao-cong-giao-viet-nam-42234
[3] Lc 1,39-45
[4] Ga 2,1-12
[5] X. Coste XIII, 540