fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ HAI TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

09.8.2021 – THỨ HAI TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

Mt 17,22-27
“THẦY CÁC ÔNG KHÔNG NỘP THUẾ SAO?”(Mt 17,24)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

  • Quân ơi, lên xe đi lễ với ba này!
  • Dạ, con đợi mẹ đưa tiền đã.
  • Tiền gì vậy?
  • Dạ, tiền bỏ giỏ nhà thờ.
  • Ồ, không cần đâu.
  • Sao ba lại nói không cần? Con đã nghe các anh chị giáo lý viên giải thích rồi mà. Mình phải đóng góp vào việc bảo trì nhà thờ và các việc thờ phượng nữa chứ!

Thật vậy, ngay từ thời Cựu Ước, Đức Chúa đã phán với ông Mô-sê: “Bất cứ ai thuộc diện kiểm tra dân số, từ hai mươi tuổi trở lên, sẽ phải nộp phần dâng cúng ĐỨC CHÚA.[1] Tiền đó được dùng để phục vụ Lều Hội Ngộ và người Do Thái duy trì luật đó cho việc bảo quản đền thờ sau này. Sở dĩ các người thu thuế cho đền thờ đến gặp ông Phêrô bởi lẽ ông là sở hữu chủ căn nhà nơi Chúa Giêsu đang ở.[2]

Đứng trước câu hỏi bất ngờ của những người thu thuế “Thầy các ông không nộp thuế sao? (c.24), Phêrô đáp ngay: “Có chứ”. Đây là lời khẳng định rất mạnh mẽ và dứt khoát, bởi lẽ ông biết rõ danh phận, bản tính con người của Đức Giêsu: Người được sinh ra và lớn lên trong dòng dõi Israel, được nuôi dưỡng trong phong tục, văn hoá Do Thái. Phêrô còn biết rõ Thầy mình rất quý trọng đền thờ. Chính ông đã chứng kiến Đức Giêsu lấy dây roi mà đánh đuổi những kẻ buôn bán trong đó và đã gọi đền thờ là Nhà Cha của Người.[3]  Không những thế, ông hiểu Đức Giêsu là người rất trọng lề luật, đến độ: “Dù một chấm một phết trong Lề Luật cũng không bỏ sót”[4]. Vì vậy, Phêrô chắc chắn rằng việc Thầy mình nộp thuế là chuyện đương nhiên, là một bổn phận công bằng và đạo đức.

Khi ông Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu đón ông và giúp ông hiểu rộng, hiểu sâu hơn về bản tính Thiên Chúa của Ngài: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” (c26). Lần này, ông Phêrô cũng trả lời đúng: “Thưa, người ngoài”. Chúa Giêsu liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.” (c.26). Xét về  bản tính là Con Thiên Chúa, Người được miễn, mà đúng ra còn được nhận thuế là khác. Thế nhưng, chẳng những Người đã không nhận mà lại còn trao nộp cả sự sống của mình cho Thiên Chúa, để cứu chuộc loài người, như Người đã tiên báo trên đường đi, trước khi về tới Capharnaum (c.22-23). Sự trao nộp này lớn lao hơn bội phần so với hai quan tiền thuế.

Nhưng để không làm cớ vấp phạm cho người đời,  Đức Giêsu sai Phê-rô ra biển bắt cá, lấy tiền nộp thuế cho hai Thầy trò. Chắc chắn ông Phêrô đã rất xúc động về sự tế nhị của Thầy với mình: Thầy liên đới phận người với mình. Hơn thế nữa, ông còn ngẩn ngơ trước sự lạ này là Thầy làm chủ muôn loài muôn sự, ngay cả cá biển. Thầy biết rõ từng con cá, thế mà Thầy vẫn vâng lời luật lệ phàm nhân. Bài học khiêm nhường của vị Mục Tử nhân lành này ghi khắc sâu xa trong ông, để rồi sau này chính ông đại diện Thầy chăm sóc đoàn chiên là giáo hội sơ khai, ông “lo lắng cho họ…không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ…[5]   

Mẹ Maria đã làm bổn phận của một người công dân khi cùng Thánh Giuse đi từ Na-da-rét về Bê-lem theo chiếu chỉ kiểm tra dân số[6]. Mẹ là người giữ luật Môsê một cách nghiêm ngặt khi đã dâng Hài nhi Giêsu cho Chúa trong đền thờ vào ngày lễ thanh tẩy[7], cũng như mừng lễ Vượt qua rất đều đặn hàng năm[8]. Cũng như Đức Giêsu, Mẹ thuộc trọn về Thiên Chúa, nhưng Mẹ không bao giờ phô trương đặc ân cao quý đó. Mẹ sống đồng hàng, đơn sơ, khiêm nhường giữa mọi người.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi nghiêm túc tuân thủ chỉ thị 16 trong thời gian hiện tại, và tham dự thánh lễ trực tuyến mỗi ngày.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con sống trọn nghĩa vụ của một người công dân, đồng thời chu toàn bổn phận người con của Chúa.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/922703755259473)                                                                             

[1] Xh 30,14
[2] X. Kinh thánh Tân Ước, Lời Chúa cho mọi người, trang 105 phần chú giải.
[3] Lc 19,45
[4] Mt 5,17-18
[5] X. 1Pr 5,2
[6] Lc 2, 3
[7] Lc 2,22
[8] Lc 2,41

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *