fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – MỪNG 430 NĂM SINH NHẬT THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC – 1591-12.8-2021(P10)

NGƯỜI PHỤ NỮ NÀY LÀ AI?

Các bạn thân mến,
Người phụ nữ này đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với sự trợ giúp của thánh Vinh Sơn Phaolô và bà điều hành Tu Hội này trong suốt 27 năm (1633-1660). Vào thời đó, Tu Hội này có một phong cách sống đời tu hoàn toàn mới mẻ: tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Vì họ, các chị phải “đi đi lại lại” ở ngoài đường, nên không có nội cấm, không lúp đội đầu…

Ngay từ ban đầu, cùng với thánh Vinh Sơn bà đã khắc ghi trong tâm hồn các Nữ Tử Bác Ái lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria, vì các vị đã xác tín Đức Mẹ là Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chính bà đã thân thưa với Đức Mẹ: “Con thuộc về Ngài, lạy Đức Trinh Nữ, để thuộc về Chúa một cách hoàn hảo hơn. Xin dạy cho con biết noi gương đời sống thánh thiện của Ngài, bằng cách thi thành những điều Chúa đòi hỏi nơi con. Con hết lòng khiêm nhường kêu xin Ngài giúp đỡ con[1]. Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, đã chúc lành và ban cho Tu Hội một hồng ân tuyệt vời là gửi Đức Mẹ đến thăm viếng và dạy dỗ Tu Hội, qua Sơ Catherine Labouré…        

Mừng 430 năm sinh nhật của bà Louise de Marillac, chúng ta cùng nhau khám phá hành trình thiêng liêng của bà, từ một cô bé không biết mẹ mình là ai, đã vượt lên trên số phận thành một phụ nữ trưởng thành và là một vị thánh phản chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là cho những ai nghèo khó. 

∞∞∞

Ngày thứ chín

[1]YÊU THƯƠNG,
TRƯỚC HẾT LÀ KÍNH TRỌNG

Nhân danh Chúa, các Chị thân mến, các Chị hãy niềm nở và hiền từ đối với người nghèo của các Chị; các Chị biết rằng đó là các vị Chủ của chúng ta và phải dịu dàng yêu thương họ, và hết sức tôn trọng họ. Các phương châm này chỉ nằm trong tâm trí chúng ta thì chưa đủ, mà còn phải làm chứng về điều này bằng các việc chăm sóc yêu thương và dịu dàng (LM 319).

Tôi xin cộng đoàn đổi mới lòng can đảm để phục vụ Chúa và người nghèo một cách sốt sắng, khiêm tốn và yêu thương hơn bao giờ hết (LM 597).

Chiêm niệm nhân tính thánh thiện của Đức Giêsu Kitô làm cho chúng ta nhận thấy các thái độ căn bản cần cho những ai dấn thân vào những công trình bác ái. Louise de Marillac tóm tắt chúng trong một công thức ngắn: “Hãy dịu dàng yêu thương, hãy hết sức kính trọng”. Yêu thương mà không kính trọng sẽ có nguy cơ trở nên như một thứ tình mẹ con thái quá, và thỉnh thoảng được cảm nhận rất nặng nề, còn kính trọng mà không yêu thương thì sẽ gây ra một thái độ xa cách, có thể được cảm nhận như là kiêu kỳ.

Đức ái là khả năng vô tận quan tâm đến người nghèo nhất trong xã hội. Mang danh hiệu “Nữ tử Bác ái” là một sự nhắc nhở liên tục không được làm trái với danh hiệu ấy và phải sống như một nữ tỳ:”Nhớ lại danh hiệu và tính cách nữ tỳ người nghèo của Nữ tử Bác ái rất cần thiết để giúp các Chị làm tròn bổn phận” (LM 455).

Đức ái hết sức phong phú, phức tạp đến nỗi nó có thể được diễn tả bằng nhiều từ: hiền hậu, dịu dàng, thân ái, tử tế, trìu mến, tận tâm. “Các Chị thân mến, các Chị hãy thường xuyên nghĩ rằng với tính cách nữ tỳ người nghèo, các Chị phải đối xử với họ một cách dịu dàng, nâng niu và thân ái” (LM 315). Louise không sợ nhấn mạnh: “Các Chị hãy phục vụ các vị Chủ yêu quí của chúng ta một cách hết sức dịu dàng và thân ái” (LM 420).


“Loài người … cần nhân tính. Họ cần sự quan tâm của trái tim.”

Đức Bênêđitô XVI cũng diễn tả tư tưởng ấy với từ ngữ khác: “Loài người … cần nhân tính. Họ cần sự quan tâm của trái tim. Những người hoạt động trong các tổ chức bác ái của Giáo hội phải tự phân biệt mình bằng cách không hài lòng với việc thực hiện một cách khéo léo cử chỉ thích hợp ngay lúc đó, nhưng họ phải hiến thân cho tha nhân với những mối quan tâm xuất phát từ trái tim, làm sao cho tha nhân cảm thấy được nhân tính phong phú của họ” (DA số 31a).

Louise de Marillac kết hợp sự kính trọng với lòng bác ái. Đối với ngài, hai đức tính này không thể tách rời nhau. Kính trọng ai, đó chính là nhìn nhận người ấy trong tính cá biệt, tính độc đáo của người ấy. Đón tiếp người nghèo, bị tổn thương trong nhân tính, chỉ có thể được nếu, bên kia cái bề ngoài bị biến dạng, chúng ta khám phá, nhìn nhận con người họ với tất cả tiềm năng phẩm giá của họ. Phẩm giá này thật cao cả đến nỗi Đức Kitô đã phải đến phục hồi nó. Nữ tỳ người nghèo không thể quên mầu nhiệm tình yêu này của Thiên Chúa.

Louise xin các Chị săn sóc bệnh nhân hãy có đối với họ những cử chỉ biểu lộ sự kính trọng sâu xa mà các Chị mang đến cho họ. Ngài nhấn mạnh đến việc săn sóc cơ bản về vệ sinh, tuy vậy, rất ít được triển khai vào thế kỷ XVII. Ngài không ngần ngại khuyên nhủ các Chị nên có những cử chỉ và thái độ bất thường cần thiết khi đến săn sóc trong các gia đình nghèo.

Tôi không biết các Chị có thói quen rửa tay cho người nghèo không. Nếu các Chị chưa làm điều này, thì tôi xin các Chị hãy làm (LM 329).
Các Chị có khăn lau trên giường bệnh nhân không? Các Chị có giữ chúng sạch sẻ không? (LM 181).


“Chị hãy tiếp tục phục vụ người nghèo một cách thân ái và dịu dàng, hãy rất vui lòng dạy dỗ hết sức mình những đứa bé của Chị, để các em ngợi khen và tôn vinh Chúa đời đời.”(LM 419)


Kính trọng và dịu dàng đối với tất cả những người đau khổ, cho dù ở độ tuổi nào, hoàn cảnh nào, tình trạng nghèo khổ nào. Chị Nữ tử Bác ái Jeanne Françoise, phụ trách một cô nhi viện tại Étampes, nhận được lời khuyến khích này:

Chị hãy tiếp tục phục vụ người nghèo một cách thân ái và dịu dàng, hãy rất vui lòng dạy dỗ hết sức mình những đứa bé của Chị, để các em ngợi khen và tôn vinh Chúa đời đời (LM 419).

Louise biết rõ rằng việc phục vụ các bệnh nhân đôi khi rất gay gắt, rằng nếu các Chị có những niềm vui lớn, thì các Chị cũng nghe những lời trách móc, thỉnh thoảng còn bị chửi rủa. Cho dù các Chị săn sóc ai đi nữa, trẻ em, bệnh nhân, tù khổ sai hay thương binh, các Chị không ngừng được mời gọi phát huy thái độ kính trọng đầy lòng trắc ẩn.

Tôi hết lòng ngợi khen Chúa vì sự hướng dẫn của Chúa Quan phòng trong mọi sự, nhất là về công việc Chúa nhân lành ban cho các Chị. Tôi hy vọng việc các Chị nhìn nhận điều này sẽ giúp các Chị có thiên hướng đón nhận các ân sủng mà các Chị cần đến để phục vụ các bệnh nhân nghèo đáng thương của các Chị, trong tinh thần dịu dàng và hết sức cảm thông, để noi gương Chúa Giêsu, Người đã làm như vậy đối với những kẻ quấy rầy nhất (LM 433).

Sự kính trọng liên quan tới tất cả mọi người, người giàu cũng như người nghèo.

Ơn gọi làm nữ tỳ người nghèo của chúng ta bảo chúng ta rằng… chúng ta phải kính trọng và làm vẻ vang mọi người: người nghèo, bởi vì họ là chi thể của Đức Giêsu Kitô và Chủ của chúng ta; và người giàu, để họ cho chúng ta phương tiện làm điều thiện cho người nghèo (LM 466).

Khi giải thích với chúng ta như thế, Louise de Marillac để ý đến bối cảnh kinh tế-xã hội: tiền bạc ở trong tay người giàu. Kính trọng người giàu cũng là kính trọng người nghèo, vì ai có của mới dám lấy cho những người không có gì cả. Bên kia khía cạnh rất cụ thể này, các Chị phải nhìn nhận rằng mọi Kitô hữu, cho dù hoàn cảnh như thế nào đi nữa, đều được Mối Phúc thứ nhất nhắm tới: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3). Nghèo khó nội tâm là điều kiện cần thiết để vào Nước Trời, như Chúa Giêsu nói với chúng ta.

Làm nữ tỳ người nghèo, có sự “ám ảnh của người nghèo”, của những ai không có chỗ đứng trong xã hội, đó là chấp nhận sống với họ một cuộc trao đổi thật sự để cho phép họ tự nhận ra mình như là những con người, những công dân đầy đủ. Tất cả những ai phục vụ người nghèo đều biết tầm quan trọng phải làm sống lại hằng ngày tiếng Chúa gọi phục vụ Người: “Anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa… Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương” (2Tm 1, 6-7). Đức Kitô, bị xuyên tạc, nhạo báng, ngược đãi, là hình tượng Người Nghèo, hình ảnh của mọi người nghèo mà Chúa gặp.



Chính trong cầu nguyện và chiêm niệm Đức Giêsu Kitô mà các Chị múc lấy sức mạnh và can đảm để hoàn thành sứ mạng của mình bên cạnh những kẻ túng thiếu nhất.

Chính trong cầu nguyện và chiêm niệm Đức Giêsu Kitô mà các Chị múc lấy sức mạnh và can đảm để hoàn thành sứ mạng của mình bên cạnh những kẻ túng thiếu nhất:

Thật hợp lý khi các Chị mà Chúa đã gọi đi theo Con Chúa cố gắng làm cho đời sống của mình tiếp nối đời sống của Người (LM 369).
Các Chị hãy cố gắng hết sức mình noi gương Chúa Giêsu. Người đã tiêu hao sức lực và mạng sống mình để phục vụ tha nhân (LM 539).


[1]Elisabeth Charpy, Cầu nguyện 15 ngày với thnh nữ Louise de Marillac, trang 91-98

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *