fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ HAI TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

30.8.2021 – THỨ HAI TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 4,16-30
“ÔNG NÀY KHÔNG PHẢI LÀ CON ÔNG GIU-SE ĐÓ SAO?(Lc 4,21)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trong bài thơ “Bài học đầu cho con”, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết về quê hương với những dòng đầy cảm xúc:

“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.”

Quả vậy, ai trong chúng ta cũng có một quê hương để thương, để nhớ, để trở về. Đức Giê-su là Thiên Chúa từ trời xuống thế mặc lấy thân phận con người cũng có một danh tính, một gia đình và một quê hương. Người đã sống hòa đồng, gần gũi với những người họ hàng, làng xóm. Vì thế, trên đường từ Giê-ru-sa-lem trở về, cha mẹ Người đã tìm kiếm Người giữa đám bà con và người quen thuộc[1]… Sau một thời gian công khai rao giảng Tin Mừng và thâu nạp các môn đệ đầu tiên, Người trở về với làng quê Na-da-rét thân yêu, về nơi Người đã sinh trưởng.

Người đọc sách và giảng dạy trong hội đường. Đoạn sách ngôn sứ Isaia mà Người vừa công bố đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi chính bản thân Người, vào đúng thời đúng lúc. Dân chúng đã lắng nghe Người cách chăm chú, say mê. Họ tán thành và thán phục những Lời quyền năng của Người (c.22). Nhưng ngay sau đó, họ bắt đầu nghi ngờ về thân thế và con người của Đức Giê-su: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” Họ đã biết quá rõ về nhân thân, lí lịch và cả nghề nghiệp của Người. Họ chưa thể tin được rằng sau một thời gian ngắn, anh thanh niên con bác thợ mộc Giu-se mà họ quen biết lại có thể thốt ra những lời hay ý đẹp như vậy. Một người đã từng sống như họ, nay lại trở nên bậc thầy thông thái giữa họ thì quả là khó chấp nhận. Hơn nữa, họ biết rõ “trình độ học vấn” của Người đâu có được đào tạo như các kinh sư và người Pharisêu. Cái nhìn sai lệch này bị dẫn dắt bởi những định kiến thông thường: “quen quá hóa nhàm”, “gần chùa gọi bụt bằng anh”.

Đức Giê-su đã không làm phép lạ để thỏa mãn trí tò mò và hiếu kỳ của họ, cho dù họ đã nghe về những việc Người làm ở nơi khác. Họ càng phẫn nộ hơn khi nghe Người nói: “Không ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”(c.24), Đức Giê-su tự đặt mình vào hàng các ngôn sứ, và Người còn hơn một ngôn sứ nữa. Điều nghịch lý mà các ngôn sứ Ê-li-a, Ê-li-sa trước kia phải đón nhận trên quê hương của họ, cũng sẽ được lặp lại nơi Đức Giêsu. Thái độ của những người đồng hương của Chúa Giêsu hôm nay “đầy giận dữ, đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, kéo Người lên tận đỉnh núi” để xô Người xuống vực (c.29) mới chỉ là bước khởi đầu. Rồi sẽ đến lúc cả dân tộc Do Thái chối bỏ và giết chết Người trên Thập giá.

Sự ghen tỵ, coi thường chỉ là những tình cảm tiêu cực ban đầu, nhưng đã được những người đồng hương của Chúa Giêsu cưu mang và phát triển nó để thành những hành động bạo hành dã man nhất. Chính vì thế, chúng ta cần loại bỏ những tư tưởng và tình cảm tiêu cực về người khác khi nó mới manh nha xuất hiện, và thay thế bằng những suy nghĩ, tình cảm tốt lành.

Đối với Đức Maria, Mẹ đã đón nhận và thờ lạy Đấng cứu thế ngay khi Người còn trong lòng Mẹ. Mẹ đón nhận lời của người con mười hai tuổi như lời của một ngôn sứ và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng. Khi Đức Giê-su chưa làm phép lạ nào, Mẹ đã tin rằng con của Mẹ có thể giải gỡ được nỗi khó khăn của gia chủ tại Cana, và Mẹ đã chuyển cầu cho họ. Khi mọi người phản đối Chúa, Mẹ vẫn không ngừng tin tưởng vào Người. Dưới chân thánh giá, lúc đau khổ ôm lấy xác Con bầm dập, Mẹ vẫn hướng về sự Phục sinh.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi luôn tìm kiếm và tôn trọng những giá trị tích cực nơi mọi người.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, giữa những khó khăn, thử thách của cơn đại dịch, xin giúp con luôn xác tín rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa, Đấng làm chủ mọi sự. Người sẽ biến đổi sự dữ thành điều lành cho chúng con, khi chúng con hết lòng tin yêu Chúa. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/935947840601731)

[1] X. Lc 2,41-52

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *