fbpx

ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN CỦA THÁNH VINH SƠN

Phaolô Phạm Quang Hoàng, C.M.

Nếu chỉ đọc thoáng qua các cuốn tiểu sử về thánh Vinh Sơn, hay các câu trích dẫn nổi bật của ngài, hoặc nếu chỉ chú ý đến các sáng kiến cũng như các công trình ngài đã thực hiện mà vẫn còn đƣợc tiếp nối và hoạt động phong phú cho đến ngày nay, chắc hẳn chúng ta sẽ dễ dàng có cảm giác thánh Vinh Sơn là một người duy hoạt động. Tư tưởng của thánh Vinh Sơn xem ra như chỉ bị chi phối bởi các công việc và thời giờ của ngài xem ra như chỉ được dùng để thiết lập và điều hành hết tổ chức này đến tổ chức khác, cứu trợ và giúp đỡ hết nhóm người nghèo này đến nhóm người nghèo khác, chủ trì và tham gia hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, huấn đức và giảng tĩnh tâm cho hết nhóm này đến nhóm khác, linh hướng và viết thư từ cho hết người này đến người khác, v.v. Chúng ta có cảm giác như ngài chẳng có thì giờ đâu để mà cầu nguyện. Thế nhưng, chỉ cần để ý một chút thời khóa biểu của thánh Vinh Sơn, chỉ cần đào sâu một chút nội dung các lời giảng dạy của ngài, và chỉ cần quan sát một chút cung cách hành động của thánh Vinh Sơn, chúng ta sẽ nhận thấy ngay cầu nguyện, chứ không phải hoạt động, mới là ƣu tiên hàng đầu của thánh Vinh Sơn. Nếu ngài có hành động, thì trƣớc hết và trên hết, ngài đã là một con ngƣời của cầu nguyện. Và nếu ngài có hành động, thì tất cả các hành động của ngài đều là kết quả của cầu nguyện và đƣợc bao trùm trong cầu nguyện. Để làm sáng tỏ những điều trên, chúng ta sẽ tìm hiểu xem thánh Vinh Sơn dành ƣu tiên cho việc cầu nguyện nhƣ thế nào trong cuộc sống hằng ngày của ngài; phƣơng pháp cầu nguyện của ngài ra sao; và công việc hòa lẫn trong lời cầu nguyện của ngài nhƣ thế nào.

  1. Các giờ kinh nguyện trong thời khóa biểu của thánh Vinh Sơn

Thánh Vinh Sơn cư ngụ tại nhà Saint Lazare rộng lớn – Nhà Mẹ của Tu Hội – trong 28 năm, kể từ ngày ngài sở hữu ngôi nhà này cho Tu Hội mãi cho đến khi ngài qua đời. Thời khóa biểu của nhà Saint Lazare được áp dụng cho tất cả các anh em cư ngụ tại đó, không ngoại trừ chính bản thân ngài. Trong một lá thư gửi cho thánh Jane Frances de Chantal, thánh Vinh Sơn viết: “Chúng tôi thức dậy lúc bốn giờ sáng. Chúng tôi dành ra nửa giờ để chỉnh tề tu phục và dọn dẹp giường, trước khi vào nhà thờ suy niệm trong một giờ đồng hồ. Tiếp đó, chúng tôi đọc chung với nhau giờ kinh sáng và các giờ kinh đầu ngày, rồi cử hành Thánh Lễ. Lúc mười rưỡi, chúng tôi họp nhau để mỗi người tự kiểm điểm về một nhân đức chúng tôi đã quyết tâm cùng nhau thực hiện; và rồi, chúng tôi vào nhà cơm để dùng bữa và đồng thời nghe đọc sách thiêng liêng. Kế đến, chúng tôi đi viếng Thánh Thể, đọc Kinh Truyền tin, và ngay sau đó, chúng tôi có một giờ giải trí chung. Mỗi người sau đó về phòng riêng của mình, rồi họp lại lúc hai giờ để đọc chung các giờ kinh chiều. Sau đó, chúng tôi có thêm một cuộc họp để kiểm điểm, tiếp theo sau là cơm tối và một giờ giải trí. Tiếp nữa, chúng tôi vào nhà thờ, bắt đầu bằng nghi thức thống hối chung, tiếp đến là kinh tối, và nghe những điểm gợi ý cho buổi suy gẫm sáng hôm sau. Cuối cùng, chúng tôi về phòng riêng, và nghỉ đêm lúc chín giờ…”[1]

Sử gia Abelly ghi nhận, chỉ trừ những khi đau ốm nặng, thánh Vinh Sơn không bao giờ thức dậy sau bốn giờ sáng, và vì ngài không cần đến nửa giờ để dọn dẹp phòng ốc và chuẩn bị, ngài luôn là một trong những ngƣời vào nhà thờ trƣớc tiên. Trong khi mặc tu phục và sắp xếp lại giường, tâm trí ngài luôn nghĩ đến những sự đạo đức, động tác ngài luôn bày tỏ lòng cung kính thờ phượng, và môi miệng ngài luôn khẩn cầu các thiên thần và các thánh, tạ ơn Chúa về một đêm bình an, và cầu xin ơn cho một ngày sống mới. Đặc biệt, trƣớc khi rời khỏi nhà và ngay khi trở về nhà, ngài luôn vào nhà nguyện để chào Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài cũng luôn đeo tràng chuỗi Mân Côi bên mình, và lần chuỗi mỗi ngày để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ.[2]

Như vậy, chỉ cần nhìn vào thời khóa biểu tại nhà Saint Lazare và những thực hành đạo đức riêng của thánh Vinh Sơn, chúng ta dễ dàng nhận thấy, đối với thánh Vinh Sơn, kinh nguyện luôn ở hàng đầu và là ưu tiên bận tâm hơn bất kỳ công việc nào khác. Ít nhất ba giờ đầu tiên của một ngày luôn đƣợc ngài dành ƣu tiên cho Chúa. Tất cả mọi hoạt động khác đều đến sau và hòa lẫn trong các giờ kinh nguyện chung cũng nhƣ riêng của ngài. Chắc chắn, thánh Vinh Sơn không chấp nhận bất cứ luận điểm nào cho rằng ngài xem nhẹ việc cầu nguyện. Và cũng chắc chắn, ngài không cho phép chúng ta, con cái của ngài, lấy lý do công việc để biện minh cho bất kỳ sự thờ ơ nào đối với bổn phận cầu nguyện, chung cũng như riêng.

  1. Phương pháp cầu nguyện của thánh Vinh Sơn

Trƣớc hết, chúng ta cần lưu ý, thánh Vinh Sơn là một con ngƣời thực tế. Bởi vậy, đối với ngài, cầu nguyện là để dẫn tới những quyết tâm và đưa vào đời sống thực hành. Đối với những ai chỉ dừng lại ở “những suy niệm hay ho,” hoặc chỉ say sưa với những giây phút “xuất thần,” ngài thƣờng thẳng thắn nhận xét, ngƣời ấy chỉ “phí thời gian,” cũng nhƣ chỉ thực sự tìm kiếm bản thân cũng như tính tự phụ của mình. Người ấy đang tôn thờ một ông thần ảo tưởng, chứ không phải chính Chúa.[3]

Để lời cầu nguyện dẫn tới những quyết tâm và hành động hiệu quả, thánh Vinh Sơn đặc biệt chú ý đến phương pháp cầu nguyện. Phương pháp của ngài dựa trên ba chức năng của linh hồn, đó là: lý trí, nơi phát sinh sự hiểu biết; trái tim, nơi phát sinh cảm xúc; và ý chí, nơi phát sinh ước muốn và quyết tâm.[4]

Nói một cách khác, lý trí là nơi bắt đầu, trái tim là bước trung gian, và ý chí, hay nói đúng hơn công việc đã được thực hiện, là nơi kết thúc của một lời cầu nguyện. Trƣớc hết, chúng ta dùng lý trí để suy niệm và nhận biết điều gì phù hợp hoặc không phù hợp với Lời Chúa, điều gì là đúng hoặc sai, v.v. Kết quả của những suy niệm đó đƣợc thánh Vinh Sơn gọi là các “động cơ,” và các động cơ là cần thiết vì “vô tri bất mộ,” không am hiểu sự thiện thì cũng không thể yêu mến sự thiện đƣợc. Thế nhưng, mỗi khi cầu nguyện, thánh Vinh Sơn dạy chúng ta chỉ nên dừng lại ở hai hoặc ba động cơ mà thôi. “Nhiều hơn thế,” ngài nói, “chỉ gây bối rối” cho chúng ta. Chẳng hạn, khi suy niệm về lòng mến Chúa, chúng ta chỉ cần nhớ đến những ơn lành Ngài đã và đang ban cho chúng ta; hoặc chúng ta chỉ cần nhớ đến giới răn “Thờ phượng và kính mến Chúa trên hết mọi sự,” mà chính Ngài đã dạy chúng ta. Thế là đủ cho trái tim chúng ta rạo rực lòng sốt mến. Sẽ là vô ích và phí thời gian nếu chúng ta nghĩ về Chúa là Đấng Siêu việt, rồi nặn đầu nặn óc để tìm ra cách tỏ lòng yêu mến Ngài sao cho thật cao siêu, bay bổng, v.v. Thánh Vinh Sơn đƣa ra một hình ảnh rất thú vị để minh họa sự cần thiết của chỉ hai hoặc ba động cơ nhƣ sau: Khi chúng ta muốn thắp nến, chúng ta cần hộp quẹt và que diêm. Chúng ta lấy que diêm đánh vào hộp quẹt, và khi que diêm đã bắt lửa, chúng ta liền thắp vào cây nến. Thế là xong. Khi nến đã cháy sáng rồi, chẳng có ai cứ đứng đó mà quẹt thêm que diêm. Cũng y nhƣ vậy, khi trái tim đã đƣợc bắt lửa mến rồi, thì không cần thêm một động cơ nào nữa.[5]

Trái tim đã được bắt lửa, đã rạo rực lòng sốt mến, và đã được sưởi ấm bằng những tâm tình đạo đức. Đó chính là bước thứ hai của cầu nguyện. Chúng ta đã tiến gần hơn đến mục tiêu, chứ chưa phải là đã đạt được mục tiêu của cầu nguyện. Sẽ chẳng có ích lợi gì nếu chúng ta dừng cầu nguyện ở đây. Lòng mến và tâm tình đạo đức vẫn chỉ là những cảm xúc mơ hồ. Chúng ta cần một bước nữa, đó là biến lòng sốt mến thành những quyết tâm cụ thể. Dựa trên lòng sốt mến, thánh Vinh Sơn nhấn mạnh, chúng ta hãy tiên liệu xem, đâu là những cản trở và đâu là những phương tiện trợ giúp để hiện thực hóa một hành động cụ thể. Sau khi đã cân nhắc thấu đáo, chúng ta đưa ra quyết tâm thực hiện bằng đƣợc hành động cụ thể đó, bất chấp những khó khăn cản trở đã được tiên liệu.


Cha Vinh Sơn đưa ví dụ cụ thể về sự quyết tâm cho Nữ Tử Bác Ái

Thánh Vinh Sơn đưa quyết tâm của một Nữ tử Bác ái ra làm ví dụ cụ thể như sau: “Tôi sẽ ra đi phục vụ người nghèo; tôi sẽ phục vụ bằng một thái độ vui vẻ và khiêm tốn, để an ủi và soi sáng cho họ; và tôi sẽ trò chuyện với họ trong vai trò là người chủ của tôi. Có vài người dị nghị tôi, tôi sẽ vui vẻ đón nhận điều đó. Đôi lúc, tôi gây phiền hà cho một chị em; tôi sẽ cố gắng tránh điều đó. Chị ấy cũng đôi khi làm phiền tôi vì một hành động của chị ấy; tôi sẽ vui lòng chấp nhận chị ấy. Một quý bà đã la mắng tôi; một quý bà khác đã nhỏ nhặt với tôi. Nhưng tôi sẽ không vì thế mà tỏ ra thiếu kính trọng họ, hoặc thoái thác nhiệm vụ của tôi. Khi tôi liên hệ với một người, tôi luôn cảm thấy bị tổn thương về đức trọn lành, tôi sẽ cố gắng hết sức có thể, giới hạn mối liên hệ với người ấy.”[6] Thế là, mục tiêu của cầu nguyện đã được đề ra, và quyết tâm đã có rồi. Tất cả chỉ còn chờ được thực hiện. Khi công việc được hoàn thành, lời cầu nguyện hoàn tất mục tiêu, và như thế mới được xem là kết thúc.

Tóm lại, phương pháp cầu nguyện của thánh Vinh Sơn bao gồm ba bước rất đơn sơ cụ thể, và nhắm đến một hành vi thiết thực phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, cũng như nhằm thánh hóa bản thân. Là con cái thánh Vinh Sơn, liệu chúng ta đã thấm nhuần phương pháp cầu nguyện của ngài? Liệu chúng ta có đang hoang phí thời giờ, mặc dù thời giờ đó được gọi là giờ cầu nguyện?

  1. Cầu nguyện hòa lẫn và bao trùm hoạt động

Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng quen thuộc với câu nói đã đƣợc rút gọn của thánh Vinh Sơn: “Rời Chúa vì Chúa.” Bối cảnh của câu nói này, như chúng ta biết, là khi thánh Vinh Sơn nhắc nhở các Nữ tử Bác ái về sự cần thiết phải phục vụ người nghèo. Khi người nghèo khó bệnh tật tìm đến họ, các Nữ tử Bác ái cứ việc bỏ giờ kinh nguyện mình đang thực hiện, và cứ “an tâm vì biết rằng mình rời Chúa là vì Chúa.”[7]

Qua câu nói này và dựa vào bối cảnh của câu nói này, chúng ta nhận thấy, đối với thánh Vinh Sơn, Chúa là Đấng không thể tách rời được. Nói một cách rõ ràng hơn, Chúa là một khi chúng ta cầu nguyện với Ngài trong nhà thờ, cũng nhƣ khi chúng ta phục vụ Ngài nơi những anh chị em nghèo khó. Và như vậy, không thể có sự tách biệt giữa lời cầu nguyện và hành động. Hơn thế nữa, theo nhƣ phƣơng pháp cầu nguyện của thánh Vinh Sơn mà chúng ta trình bày ở trên, hành động mới là bước quyết định của cầu nguyện. Hành động không phải là một phần tách rời của cầu nguyện, mà là một phần và là một phần thiết yếu của cầu nguyện. Bởi đó, cầu nguyện bao trùm các hoạt động, và không có chuyện hành động là bỏ Chúa. Chúng ta luôn gắn kết với Chúa và phục vụ Ngài trong mọi giây phút của cuộc sống chúng ta.

“Hãy để Thiên Chúa làm việc nơi anh (chị) em”[8] là một trong những nội dung huấn đức thánh Vinh Sơn thƣờng nhắc đi nhắc lại đối với các Nữ tử Bác ái và các thành viên Tu hội Truyền giáo. Thánh Vinh Sơn mong muốn những ai chia sẻ tinh thần với ngài phải dành trọn đời sống để liên lỉ gắn bó với Chúa, mà cụ thể là cầu nguyện để tìm kiếm thánh ý Ngài và hành động để thực thi thánh ý Ngài. Bởi vậy, ngài thẳng thắn nhận xét: “Kẻ nào lơ là cầu nguyện thì không chu toàn được bổn phận quan trọng nhất trong cuộc đời mình, đó là bổn phận nên thánh. Cầu nguyện cần thiết đến mức không ai có thể nói mình cầu nguyện bao nhiêu là đủ. Càng cầu nguyện, người ta càng muốn cầu nguyện hơn nữa để được kết hợp hơn nữa với Chúa.”[9] Rõ ràng, ở nơi thánh Vinh Sơn, chúng ta thấy sự hòa quyện không thể tách rời giữa cầu nguyện và hành động, hay nói một cách chính xác hơn, sự bao trùm của cầu nguyện trên mọi hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Cũng ở nơi thánh Vinh Sơn, chúng ta thấy một hiện thân và mẫu gƣơng sống động của điều thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Côlôxê: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3, 17).

Do đó, bao lâu chúng ta còn tách biệt giữa cầu nguyện và hành động, bao lâu hành động của chúng ta còn bất tƣơng hợp cũng nhƣ không xuất phát từ chính lời cầu nguyện, và bao lâu chúng ta chƣa biến đổi cuộc đời mình thành một lời cầu nguyện liên lỉ, thì bấy lâu chúng ta chƣa thể thấm nhuần đời sống của thánh Vinh Sơn, và không thể hiểu đƣợc tại sao các công việc của ngài luôn phong phú và tồn tại mãi với thời gian.

Kết luận


“Hãy cho tôi một người cầu nguyện, vì người đó sẽ làm được mọi sự.”

Trải qua nhiều biến động và thất bại ê chề xuất phát từ những tính toán ích kỷ thuở ban đầu, thánh Vinh Sơn cuối cùng đã tìm đƣợc điểm tựa vững chắc nơi Chúa và nơi sự hướng dẫn của Ngài. Cầu nguyện, bởi đó, đã trở thành ưu tiên số một trong mỗi ngày sống và trong suốt cuộc đời ngài. Cầu nguyện, cũng bởi đó, đã được ngài đúc kết thành một phƣơng pháp cụ thể để bao trùm tất cả những hành động thuận theo thánh ý Chúa. Cầu nguyện, cũng bởi đó, đã trở thành tiêu chuẩn hàng đầu để ngài lựa chọn những người muốn chia sẻ ơn gọi phục vụ người nghèo với ngài: “Hãy cho tôi một người cầu nguyện, vì người đó sẽ làm được mọi sự.”[10]

Tìm hiểu đời sống cầu nguyện của thánh Vinh Sơn là để chúng ta, ở tầm mức cá nhân cũng như cộng đoàn, nhìn lại đời sống cầu nguyện của mình. Chúng ta đã kế thừa và thực hành như thế nào đối với di sản quan trọng bậc nhất mà thánh Vinh Sơn đã để lại cho Tu Hội chúng ta và cho từng người chúng ta?


[1] Pierre Coste, The Life and Works of St. Vincent de Paul, Vol III, tr. 336.
[2] Ibid., 337
[3] Ibid., 358.
[4] Ibid., 356.
[5] Jacques Delarue, The Faith of St. Vincent, tr. 30
[6] Pierre Coste, The Life and Works of St. Vincent de Paul, Vol III, tr. 358.
[7] Jacques Delarue, The Faith of St. Vincent, tr. 32.
[8] Ibid., 41.
[9] Ibid., 31.
[10] Ibid., 31.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *