10.11.2021 – THỨ TƯ TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Lc 17,11-19
“Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?” (Lc 17,17)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Một cậu bé đang ngồi hàng ghế đầu trên xe buýt. Thấy một cụ già lên xe, cậu nhường ghế cho cụ.
Ông cụ ung dung ngồi xuống, không nói tiếng nào. Cậu bé hỏi :
– Thưa ông, ông vừa nói gì thế ạ?
– Tôi có nói gì đâu.
– Vậy mà cháu tưởng ông nói “cám ơn” chứ!
Bạn thân mến,
Lòng biết ơn có một giá trị cao quý đối với con người ở mọi thời đại, mọi nền văn hoá. Nó cần thiết cho mọi mối tương quan, cách riêng là tương quan giữa con người với Thiên Chúa là Đấng hằng ban ơn cho tất cả chúng ta.
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho mười người phong cùi trong một hoàn cảnh đặc biệt: Chúa không làm cho họ khỏi bệnh ngay lập tức, nhưng Người bảo họ “hãy đi trình diện với các tư tế”. Vậy mà họ đã tin, đã đi như Chúa dạy, và đang khi đi, họ được sạch.
“Một người trong nhóm thấy mình được khỏi, đã quay trở lại”, để cám ơn người vừa làm ơn cho anh, mà với cái nhìn đức tin, anh nhận ra và “thấy” được Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Anh “lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” và “sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn.” Anh ta lại là người ngoại. Việc “quay trở lại” của anh còn diễn tả sự hoán cải và nhờ đó, anh được nhận biết và gặp gỡ Thiên Chúa trong một tương quan mới và được thêm đức tin: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
Trong khi đó, chín người Do Thái dù được ơn vẫn không trở lại tạ ơn khiến Chúa Giêsu ngạc nhiên. Bởi họ đã lãnh nhận quá nhiều ơn Chúa nên “quen quá hóa nhàm”. Trong khi tạ ơn là bổn phận mà lẽ ra họ phải làm trước cả người ngoại giáo Samaria. Cũng thế, chúng ta thường xin ơn, nhận ơn nhưng lại quên người ban ơn và ít khi tạ ơn. Ta dễ phàn nàn Chúa về những ơn xin mãi mà không được, nhưng ít khi nhìn ra biết bao ơn ta không cầu xin mà Chúa vẫn ban cho như khí thở, nguồn nước, gió mát, ánh sáng và hơi ấm mặt trời…
Chúng ta cũng cần biết ơn nhau, vì mọi người xung quanh đều là quà tặng của Chúa dành cho chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khuyên các phụ huynh dạy con cái biết “Xin phép, cám ơn và xin lỗi”, vì ba từ ấy có tác dụng “duy trì cuộc sống hạnh phúc và bình an trong gia đình và trong xã hội.”[1] Chính lòng biết ơn Thiên Chúa, biết ơn cha mẹ là nền tảng cho mọi thứ biết ơn khác. Không sống lòng biết ơn, chúng ta như đứa trẻ coi mình là “cái rốn của vũ trụ”, quy tất cả về mình. Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Ý thức tha nhân là quà tặng của Chúa cho tôi, tôi sẽ trở thành một quà tặng cho người khác và sẽ biết “tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.”[2]
Chính Chúa Giêsu đã sống lòng biết ơn đối với Chúa Cha và biến cả cuộc đời mình thành bài ca tạ ơn. Trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho mọi người.[3] Trong bữa Tiệc ly, khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ.[4] Đứng trước nấm mồ Ladarô, trước khi làm cho anh ta sống lại, Chúa Giêsu đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.[5]
Cùng với Chúa Giêsu, Đức Maria cũng luôn cất cao lời tạ Thiên Chúa khi đến viếng thăm chị họ Elisabet. Mẹ tạ ơn và ngợi khen Chúa vì ơn cao trọng Ngài ban cho Mẹ cách riêng và cho toàn nhân loại, đó là ơn cứu chuộc qua mầu nhiệm nhập thể. Cũng vậy, trong mọi biến cố của cuộc đời, Mẹ luôn sống tâm tình tạ ơn và thờ lạy Chúa.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương mẹ Maria, tôi tạ ơn Chúa khi thức dậy và trước khi kết thúc một ngày sống.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết sống tâm tình tạ ơn Chúa mỗi ngày và chân thành biết ơn nhau. Xin giúp con biến cuộc sống của mình thành lời ca tụng tình thương của Chúa. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/981175809412267)
[1] X. http://tinvuixuanloc.vn/Watch_xin-phep-cam-on-va-xin-loi_5536.aspx
[2] 1 Tx 5,18
[3] Ga 6,11
[4] Lc 22,19
[5] Ga 11,41