fbpx

ĐỨC MẸ DÂNG CHÚA GIÊ SU TRONG ĐỀN THÁNH

Lễ kính hằng năm: 02.02

Đây là lễ kính nhớ việc Đức Maria và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ Giêrusalem, theo trình thuật của Tin Mừng thánh Luca chương 2, 22-38: “Khi đã đến ngày lễ Thanh Tẩy của các ngài, theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa…” Lễ này còn được gọi là Cuộc Gặp Gỡ Thánh, được liên kết với việc Thanh Tẩy của Đức Trinh Nữ Maria, là một lễ kitô giáo, chung cho Giáo Hội Công giáo và Chính thống, được cử hành ngày 02 tháng 02, bốn mươi ngày sau lễ Giáng Sinh. Lễ này còn được gọi là lễ Ánh Sáng vì được chiếu sáng bởi câu Tin Mừng của thánh Luca được đọc trong thánh lễ thuật lại lời ông Simêon tiên báo Chúa Giêsu là “Ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (c. 32).

  1. LỊCH SỬ CỦA LỄ

Lễ dâng Chúa trong Đền thánh đã được mừng kính tại Giêrusalem ngay từ thế kỷ thứ 4 sau công nguyên và lan rộng đến khắp Phương Đông kitô giáo. Sau khi đã được mừng kính 40 ngày sau lễ Hiển Linh của Chính Thống Giáo (ngày 6 tháng giêng), cuối cùng hoàng đế Giustinianô (482-565) đưa lại về ngày 2 tháng 2 và được mừng kính tại Constantinôpôli, thủ đô mới của đế quốc Rôma (ngày nay là Istanbul, thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ). Bên Chính Thống giáo, lễ này vẫn luôn thuộc về 12 lễ lớn trong Năm Phụng Vụ.

Lễ này diễn đạt những chủ đề về việc thanh tẩy người mẹ, việc dâng con trong Đền thờ Giêrusalem và lễ vật để chuộc lại người con trai đầu lòng, theo sách Dân số 18, 16. Lễ được cử hành  40 ngày sau lễ Giáng Sinh, tức là ngày 2 tháng 2, vì theo sách Lêvi chương 12, các bà mẹ Do thái phải đến làm lễ thanh tẩy 40 ngày sau khi sinh nở con trai, tức là 33 ngày sau lễ cắt bì (Lc 2, 21). (Nghi lễ cắt bì hết sức thánh thiêng đến độ có thể cử hành cả vào ngày Sa-bát – ngày lễ nghỉ, thứ bảy- trong khi Luật cấm hầu hết mọi hành vi không tuyệt đối thiết yếu). Cũng vào ngày này người ta đặt tên cho con trẻ. (Nếu sinh con gái thì sau 80 ngày mới làm lễ thanh tẩy). Trong thời gian ô uế, người phụ sản có thể ra vào làm các việc nội trợ hằng ngày, nhưng không được vào Đền thờ và tham dự và bất cứ nghi lễ tôn giáo nào.

Bên Tây Phương, vào cuối thế kỷ  thứ 5, Đức Giáo Hoàng Gelasio I thiết lập lễ này tại Roma, để thay thế một ngày lễ ngoại giáo. ĐGH Sergio I vào thế kỷ thứ 7 thiết lập một cuộc rước kiệu thống hối, bắt đầu từ rạng đông và tay cầm nến sáng, vì thế lễ này được gọi là lễ Ánh sáng (latinh: Festa candelarum; pháp: Fête de la Chandeleur). Ngoài ra, cuộc rước này còn tượng trưng cho cuộc  hành trình thánh Giu se, Đức Maria, và Hài nhi Giê su đi từ Nazaret lên Đền thờ Giêrusalem.

Sang thế kỷ thứ 7, lễ này còn mang một ý nghĩa  qui về Đức Maria và mang tên là lễ Thanh Tẩy của Đức Trinh Nữ Maria Đây là một trong những lễ cổ xưa nhất liên quan đến Mẹ Thiên Chúa. Từ thế kỷ thứ 10, cách riêng vào dịp mừng lễ này, người tiến hành việc làm phép nến.

Từ năm 1997, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II quyết định lấy ngày Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh làm ngày quốc tế của Đời sống thánh hiến.

  1. GIẢI THÍCH

Lễ chuộc lại Con đầu lòng

Thánh Giuse và Đức Maria “chuộc lại” Đức Giêsu là người con đầu lòng của các ngài. Nghi thức này nhắc nhớ việc Thiên Chúa đã tha chết cho các con đầu lòng của người Hip ri khi Người đã giáng 10 tai ương xuống trên người Ai Cập, cách riêng tai ương thứ 10, khiến các con đầu lòng và cả con vật đầu lòng của người Ai Cập đều phải chết (Xem Xuất hành ch. 12-13). Đứa con phải được thánh hiến để phục vụ trong Đền thờ, nếu không chuộc lại (nazir), hoặc được chuộc lại với một món tiền tượng trưng (Xh 13, 2).


Đức Maria và thánh Giuse đã dâng Chúa Giêsu vào đền thánh
với “lễ vật của người nghèo”

Vậy, hết  thời gian thanh tẩy, người phụ nữ mới sinh con đầu lòng  phải đem đến Đền thờ một con chiên để dâng “lễ toàn thiêu” và một bồ câu non để làm lễ xá tội (Lêvi 12, 2-7). Như vậy hy lễ khá tốn kém; vì thế, Luật tiên liệu nếu người phụ nữ đó không có khả năng dâng một con chiên thì có thể dâng thêm một con bồ câu thứ hai (Lv 12, 8) (một cặp bồ câu hay cặp chim gáy). Việc dâng một cặp bồ câu thay vì một con chiên được gọi là “Lễ vật của người nghèo”. Vậy Đức Maria đã dâng của lễ của người nghèo. Chúng ta lại thấy Đức Giêsu đã sinh ra trong một gia đình nghèo, trong đó không có gì xa xỉ, trong đó người ta phải tính từng đồng trước khi chi tiêu, một gia đình trong đó mọi người đều trải nghiệm những khó khăn trong việc kiếm kế sinh nhai và những bất ổn của cuộc sống.

Được tiền định và thánh hóa và đầy tràn ân sủng ngay từ giây phút thành thai trong lòng bà Anna, được ơn trinh khiết trọn vẹn, trước, trong và sau khi sinh, như giáo huấn của Giáo Hội luôn khẳng định, hẳn Đức Maria không cần phải được thanh tẩy, nhưng vì lòng khiêm nhường thẳm sâu và  tinh thần luôn trung thành tuân giữ Luật Chúa, Đức Maria đã sẵn sàng vâng theo lệnh truyền của Lề Luật.

Ba nghi lễ kể trên xem ra khá xa lạ đối với chúng ta nhưng cả ba một cách mặc nhiên dựa trên xác tín rằng mỗi người con là một hồng ân của Thiên Chúa. Những người theo trường phái khắc kỷ xưa (Stoa – Stoic) thường nói rằng một người con không phải được ban cho cha mẹ mà chỉ là cho mượn. Về tất cả các ân huệ của Thiên Chúa, không có ơn nào chúng ta sẽ phải trả lẽ cho bằng hồng ân nhận được một người con. Điều này nhắc nhớ những người muốn bỏ con ý thức trách nhiệm và tội trạng nặng nề của họ trước mặt Chúa.

Ông Simêon và bà Anna


Được Thánh Thần thúc đẩy
Hai cụ Anna và Simêon đã hiện diện đúng lúc Chúa Giêsu ở trong đền thờ. 

Việc dâng Chúa vào Đền thánh Giêrusalem có kèm theo sự hiện diện của hai người cao niên, ông Simêon và bà Anna. Cụ Simeon là một người công chính và đạo đức giống hình ảnh thánh Giuse. Được Thánh Thần linh báo cho biết sự hiện diện của Đấng Messia Cứu thế tại Đền thờ, ông ẵm lấy hài nhi trên tay và công bố Đức Giêsu là ánh sáng thế gian và đồng thời Người cũng là “dấu hiệu cho người đời chống báng” ( Lc 2, 34). Ông còn loan báo cho Đức Maria, mẹ Người, rằng: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (c. 35). Còn bà Anna là một góa phụ đã 84 tuổi, được gọi là “nữ ngôn sứ” nghĩa là người nói lời Thiên Chúa, tận tụy phục vụ nhà Chúa và sớm hôm phụng thờ Chúa. Bà sẽ loan báo mình đã gặp Đấng Messia cho những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Israel (c. 38).

Hầu hết người Do thái đều tin dân tộc họ lạ là dân được tuyển chọn. Tuy nhiên họ cũng biết quá rõ với sức lực riêng họ không bao giờ có thể đạt được sự hùng cường làm chủ thế giới mà họ xác tín đó là vận mệnh của dân tộc họ. Song đa phần người Do thái tin rằng một ngày kia họ sẽ làm bá chủ thế giới và thống trị hết các dân tộc. Để cho ngày đó xảy đến, một số tin rằng sẽ xuất hiện một vị vua khác trong dòng tộc Đavit và tất cả vinh quang xưa kia sẽ được phục hưng; một số người khác thì nghĩ rằng chính Thiên Chúa sẽ đích thân nhập cuộc bằng Người với phương thế siêu nhiên nào đó.

Nhưng, tương phản với tất cả những tham vọng và ước mơ trần thế đó, có một số ít người, quen được gọi là những con người thầm lặng trong xứ (the Quiet in the Land), không có tham vọng dùng bạo động, quyền lực  hay quân đội. Họ tin vào một đời sống cầu nguyện liên lỉ và thanh thản chú tâm kiên nhẫn trông chờ Chúa đến. Ông Simeon và bà Anna là những con người như thế: trong cầu nguyện, thờ phượng và trung kiên chờ đợi ngày Thiên Chúa đến an ủi dân Người.

III. BÀI HỌC

  • Cụ ông Simeon và cụ bà Anna là gương mẫu cho chúng ta về cách sống hy vọng và trung thành. Sự trung thành của họ đã được ban thưởng. Mỗi khi chúng ta rước lễ, chúng ta cũng nhận được ân huệ ấy, là đón nhận Chúa vào trong tâm hồn mình. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị với tất cả lòng tin và thái độ chờ đợi trung thành, nhận Thánh Thể với tâm tình cảm tạ.
  • Theo chân hai cụ già Simeon và Anna, chúng ta được mời gọi để Chúa Thánh Thần soi sáng và tiếp nhận Chúa Kitô trong đời sống chúng ta. Sống lễ Đèn theo tinh thần kitô giáo là đặt Chúa Kitô vào trung tâm của mọi bận tâm của mình.
  • Cụ ông Simeon tìm được chính mình trong cuộc gặp gỡ chân thật và đầy lòng tin tưởng với Thiên Chúa là Đấng đem bình an đến cho ông và ông biết mình được yêu thương. Phụng vụ ngày lễ hôm nay đi theo đường lối này, nghĩa là đến gặp gỡ Chúa Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu, vào lúc lìa bỏ cuộc đời này, chúng ta có thể nói như cụ ông Simeon:


“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được ra đi bình an”
(Lc 2, 29) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *