NGÀY GIỖ LẦN THỨ 362
THÁNH NỮ LOUISE DE MARILLAC
1660- 15.3 -2022
THIÊN CHỨC PHỤ NỮ NỞ HOA (Kỳ 1)
Di hài thánh nữ Louise de Marillac tại nhà mẹ Tu Hội Nữ Tử Bác Ái
Alphonse Lamartine, nhà văn hào đồng thời là nhà thơ nổi tiếng của nước Pháp đã khẳng định: “Đằng sau tất cả những công trình vĩ đại nhất của thế giới này đều có bóng dáng của người phụ nữ.”[1] Câu nói này thật quá đúng với lịch sử của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Thật vậy, cha Vinh Sơn Phaolô là Đấng Sáng Lập Tu Hội này năm 1633 và lãnh đạo Tu Hội này tới khi ngài qua đời (1660). 77 năm sau khi qua đời, cha được Giáo Hội tuyên phong hiển thánh và một thời gian sau được Đức Thánh Cha Lêô XIII đặt làm bổn mạng các tổ chức từ thiện bác ái[2].
Alphose Lamartine (1790 – 1869)
“Đằng sau tất cả những công trình vĩ đại nhất của thế giới này
đều có bóng dáng của người phụ nữ”
Thật là chính đáng khi lịch sử tỏ lòng thán phục đấng thánh cao cả của lòng bác ái, vì ngài là người tiên phong trong Giáo Hội về cách thế sống Đức Ái Kitô giáo, về một hình thức tu trì mới. Tuy nhiên, để thực hiện được những điều mới mẻ vĩ đại này, phải kể đến với hết lòng ngưỡng mộ một phụ nữ với tuổi thơ bất hạnh, tuổi thiếu niên thiệt thòi, tuổi trưởng thành đau khổ; thế nhưng đã trở thành một cộng tác viên đắc lực không thể thiếu, hết sức khiêm nhường và tín cẩn của cha Vinh Sơn: “Nếu không có Cô, các Nữ Tử Bác Ái, những người mà người ta quen gọi dưới danh hiệu nữ tử của thánh Vinh Sơn liệu có thể tồn tại được không? Không có Cô, các trẻ em bị bỏ rơi có được yêu thương, được giáo dục không? Những bệnh nhân, những người tù chèo thuyền có được những bàn tay thương cảm giúp đỡ trong cơn cùng khổ của họ không? Không có Cô, ngay cả Vinh Sơn Phaolô có thể trở thành vị thánh lừng danh nhất trong dân chúng không?”[3]
Người phụ nữ đó chính là thánh nữ Louise de Marillac[4].
Louise de Marillac thuộc gia đình MARILLAC là một dòng tộc quí phái của nước Pháp thế kỷ 16-17. Cô đã trải qua một thời thơ ấu bất ổn từ khi mở mắt chào đời, thời niên thiếu với nhiều đau khổ. Cô đã phản ứng thế nào trước những hoàn cảnh bi đát này? Ta hãy nghe chính cô tâm sự: “Chúa đã ban cho tôi biết bao nhiêu ơn khi cho tôi biết rằng thánh ý Chúa muốn cho tôi đến với Người bằng thập giá mà lòng nhân từ của Người muốn tôi phải vác ngay từ lúc mới sinh, vì Chúa để cho tôi hầu như trong mọi lứa tuổi lúc nào cũng có dịp chịu đau khổ…”[5]
Nhờ biết nương tựa vào Thiên Chúa, cô đã kín múc được sức mạnh thần thiêng để đón nhận nghịch cảnh mà không nổi loạn cũng chẳng bất mãn với số phận của mình. Lên 15 tuổi, cô được lôi cuốn tìm đến với Chúa trong đời sống tu kín khổ hạnh và cầu nguyện. Cô đã hứa với Chúa sẽ trở thành một nữ tu Capuxinô. Cô tìm đến gặp cha Bề Trên nhà dòng, nhưng bị từ chối vì lý do thiếu sức khỏe và một lý do hiểu ngầm khác là không của hồi môn, theo phong tục thời đó. Tuy nhiên, vô tình cha Bề Trên đã để lại trong tâm hồn cô một câu nói đầy ấn tượng: “Thiên Chúa có một ý định khác trên con!”[6]
Không đi tu được, cô lập gia đình với Antoine Legras, một thanh niên thuộc giới trung lưu và là thư ký của hoàng hậu. Cô chỉ được gọi là CÔ/mademoiselle, chứ không được mang danh xưng BÀ/madame như các phụ nữ quí tộc khác.
Cuộc sống gia đình hạnh phúc được một thời gian vắn vỏi, Cô lại lâm vào nhiều bế tắc khác…Đau khổ, bị dằn vặt bởi nhiều thách đố, cô nhớ tới lời cha Bề Trên và tự hỏi ơn gọi đích thực của mình là gì. Cô không cam chịu, cô tìm đến với Chúa qua cầu nguyện, dưới sự dẫn dắt của Cha linh hướng… Đi trong đêm tối mù mịt suốt 10 ngày, từ ngày lễ Chúa thăng thiên năm 1623 đến ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm đó, Cô được Chúa đưa vào miền ánh sáng và được Chúa “bật mí” ơn gọi của Cô! Đức tin của cô vững mạnh hơn, Cô bình tâm chăm sóc người chồng đau ốm cho đến khi ông ra đi bình an về nhà Cha.
Trở thành góa phụ năm 36 tuổi, Cô đành phải thay đổi chỗ ở đến một căn nhà nhỏ bình dân hơn. Gia sản duy nhất của Cô lúc này là đứa con trai chậm phát triển mà Cô hết lòng thương yêu, nhưng lại thất bại trong việc nuôi dạy con! Không đầu hàng số phận nghiệt ngã của mình, Cô đã tận dụng tất cả những gì đã lãnh nhận được, từ những chặng đường đã qua và tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới. Qua những giờ chuyện vãn với Chúa, Cô nghiệm ra giữa đám mây mù u tối, luôn xuất hiện một sợi chỉ hồng! Sợi chỉ hồng này chính là cha Vinh Sơn Phaolô mà cha linh hướng cũ đã gởi gắm Cô cho ngài khoảng thời gian trước khi chồng Cô qua đời (1623-1625).
Cha Vinh Sơn lắng nghe câu chuyện cuộc đời Cô. Cha nhận ra những tiềm năng và nghị lực của Cô, đồng thời cũng cảm nhận tính nóng vội của Cô. Cha mời gọi Cô buông bỏ tất cả, để Thiên Chúa tự do hành động. Cách duy nhất là cầu nguyện và chờ đợi những dấu chỉ của Chúa Quan Phòng. Từ từ, cha Vinh Sơn giúp Cô ra khỏi chính mình và qui hướng vào Chúa Giêsu Kitô và người khác, cách riêng những người nghèo khổ.
(Còn tiếp)
[1] Alphonse de Lamartine – Wikipedia tiếng Việt
[2] https://gdanhducmebanon.org/thanh-vinh-son
[3] Elisabeth Charpy, NTBA-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 6
[4] https://gdanhducmebanon.org/thanh-nu-lu-i-sa
[5] Elisabeth Charpy, NTBA-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 9
[6] Nt. trang 11