14.3.2022 – THỨ HAI TUẦN II MÙA CHAY
Lc 6,36-38
“Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6,38)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trong Cựu Ước, Dân Do Thái đã nhiều lần bất trung với Chúa, họ chạy theo các tà thần và tìm kiếm sự trợ giúp nơi các vua liên minh chứ không trông cậy vào Chúa. Thế rồi họ bị chính những vua ấy thôn tính, thống trị và bắt đi lưu đày. Sống trong thời bị lưu đày, nhưng nhờ trung thành tuân giữ luật Chúa, ngôn sứ Đaniel được Chúa ban ơn khôn ngoan và được vua trọng dụng. Tuy nhiên, ông vẫn ý thức thân phận lưu đày của mình, và thống hối ăn năn vì những lỗi phạm của cả dân tộc. Bài đọc I hôm nay là lời cầu nguyện tha thiết của ông dâng lên Chúa, “thú nhận tội lỗi của tôi cũng như tội lỗi của Ít-ra-en, dân tôi”[1], như một sự mở rộng “đấu lòng” của ông trước Thiên Chúa và xin được tha thứ thì Thiên Chúa sai thiên sứ Gabriel đến “đong” ngay cho ông lòng nhân từ của Ngài khi cho ông biết về thời ân xá cho Giêrusalem.
Thiên Chúa luôn tỏ lòng nhân hậu, khoan dung tha thứ cho Dân, mỗi khi dân biết ăn năn sám hối. Và Chúa cũng muốn con người chúng ta đối xử với nhau theo lòng nhân từ thương xót của Chúa dành cho chúng ta. “Đừng xét đoán, đừng lên án, hãy tha thứ, hãy cho đi…” bởi vì “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” Như thế, muốn được Thiên Chúa đối xử với mình ra sao, chúng ta hãy đối xử với tha nhân như vậy. Càng cho nhiều và tha thứ nhiều, càng bớt xét đoán hay kết án, chúng ta càng được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Càng biết nhìn nhận những lỗi lầm của chính mình để sám hối, ta càng được Chúa tha thứ và ban ơn giúp ta sửa đổi. Đồng thời, Thiên Chúa muốn thấy chúng ta khi đã có kinh nghiệm lầm lỗi của bản thân, sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ cho tha nhân khi họ lầm lỗi. Càng tha thứ, chúng ta càng được Chúa thứ tha. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy mở rộng “cái đấu” nhìn nhận lỗi lầm của mình cũng như đối với người khác, đặc biệt với người thân trong gia đình, để xin lỗi, dốc lòng chừa và hưởng được lòng nhân từ, thương xót của Thiên Chúa.
Mẹ Maria đã cảm nghiệm được lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với dân tộc và với chính bản thân Mẹ, nên Mẹ cũng sống lòng nhân từ ấy đối với mọi người. Lòng nhân từ – không xét đoán – dễ tha thứ – hay cho đi… Chắc chắn đó là những nhân đức mà Chúa Giêsu đã cùng với Mẹ thực hành trong suốt thời ẩn dật tại Nazareth. Chính vì vậy mà Chúa hiểu ý Mẹ khi thấy Mẹ muốn giúp đỡ cho đôi tân hôn tại Cana[2] khỏi bị bẽ mặt, và Mẹ cũng biết chắc rằng Chúa không từ chối khi Mẹ muốn làm điều tốt lành cho bất cứ ai. Lòng nhân từ đem lại niềm vui, sự bình an cho chính Mẹ và cho bất cứ ai tiếp xúc với Mẹ.
Chúng ta thán phục về thái độ dịu dàng nhưng biểu lộ một sức mạnh nội tâm lớn lao nơi Mẹ. Cho dù việc đón nhận và tha thứ cho người khác là điều vượt quá sức của chúng ta, vì nó đòi chúng ta phải vượt qua những giới hạn của bản thân mình, vượt qua tính hay so đo, xét nét, sự ích kỷ, hay phê phán người khác… Nhưng nếu luôn để tâm chiêm ngắm những việc Chúa đã làm cho mình trong ánh sáng của Lời Chúa, khi đó mọi tư tưởng và hành vi của chúng ta cũng sẽ dễ dàng biểu lộ sự nhân từ của Chúa như Mẹ.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi kiên nhẫn lắng nghe, cảm thông, tha thứ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết quan tâm tìm kiếm những dấu chỉ tình yêu và lòng nhân từ của Chúa dành cho con, để đến lượt mình, con cũng biết nhìn đến những nhu cầu của tha nhân mà giúp đỡ, cảm thông và tha thứ, chia sẻ. Xin cho con mỗi ngày thêm khiêm tốn, hiền hòa và nhã nhặn, để diễn tả lòng nhân từ của Chúa dành cho mọi người qua cuộc sống của con. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/1056113101918537)