06.6.2022 – THỨ HAI SAU LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
LỄ ĐỨC MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI
Ga 19,25-27
“Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,27)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Bà Ánh vừa chăm sóc cho con, vừa ôn lại những nỗi vui buồn suốt 28 năm qua. Lộc, đứa con trai út của bà đã 28 tuổi, nhưng vẫn phải chăm sóc như một đứa trẻ chưa đầy tháng. Ông An chồng bà bị nhiễm chất độc da cam, nên các con của bà đều bị ảnh hưởng. Riêng đứa út bị nặng nhất: từ lúc mới sinh nó đã phải sống thực vật. Bà vất vả vì nó nhiều nhất, nhưng nó cũng là đứa mà bà dồn hết tình thương và sự quan tâm của một người mẹ. Bởi bà biết rõ: nếu không có sự chăm sóc của bà, nó đã chết từ lâu rồi. Có lần bà nghẹn ngào nói: “Không biết nó có ý thức rằng tôi là mẹ của nó hay không?”
Câu chuyện hoàn toàn có thật, và tâm trạng của người mẹ trên đây, gợi cho chúng ta về một người mẹ thiêng liêng hằng quan tâm săn sóc từng người chúng ta, tuy lắm khi ta không ý thức về sự hiện diện của Người trong đời sống thiêng liêng của mình. Người đó chính là Đức Trinh Nữ Maria. Thật vậy, trong cơn đau đớn quằn quại trên thánh giá, với máu và nước từ cạnh sườn, Chúa Giêsu đã sinh ra Giáo Hội mà người môn đệ yêu dấu là đại diện. Thế rồi, Người nói với Đức Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà!” (c.26).
Mẹ Maria đã đón nhận người môn đệ ấy, cũng như toàn thể Giáo Hội. Mẹ còn giang tay đón lấy cả nhân loại bầm giập vì tội lỗi như chính thân thể tan nát của Chúa Giêsu chịu tử nạn. Từ lúc đó, cùng với Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã trao lại trên thập giá,[1] Mẹ không ngừng quan tâm chăm sóc, lo lắng cho Giáo Hội và cho tất cả nhân loại như Mẹ đã chăm sóc Chúa Giêsu suốt hơn 30 năm trời. Mẹ đồng hành với các môn đệ từ nhà tiệc ly, theo suốt hành trình lịch sử Giáo Hội và cho đến nay, tại Lavang (1798), Phố Bắc Paris (1830), Lộ Đức (1858), Fatima (1917)… và còn rất nhiều nơi trên thế giới, đâu đâu cũng có dấu ấn sự hiện diện và quan tâm của Mẹ. Mẹ quan tâm cách riêng đến những con cái tội lỗi, xa rời Thiên Chúa và Giáo Hội của người và tìm cách dẫn đưa về với suối nguồn ơn thánh.
Với Gioan, khi được Thầy trao gửi: “Đây là mẹ của anh“, thì “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” với tất cả lòng yêu mến, hiếu thảo và vui mừng. Còn gì hạnh phúc hơn là con được ở gần bên Mẹ, và lại là một Người Mẹ tuyệt vời hơn mọi người mẹ trần gian. Hẳn là thánh Gioan đã luôn hỏi ý kiến và vâng nghe sự dạy bảo, hướng dẫn của Mẹ. Phần chúng ta cũng hãy “rước Mẹ về nhà mình” trong tâm tình của người con thảo. Như tại Cana, Mẹ đã thấy trước và chuyển cầu cho đôi bạn trẻ ngày ấy, Mẹ cũng sẽ chuyển cầu cho ta bất cứ điều gì, như Mẹ đã hứa: “những ai mang Ảnh sẽ nhận được nhiều ơn ích; những ai cậy trông vào Mẹ sẽ được ban ơn dồi dào”.[2]
Mừng lễ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và Mẹ của mỗi người chúng ta, ước gì chúng ta đừng sống đời sống thiêng liêng cách “thực vật”, hay bơ vơ vất vưởng như những đứa trẻ mồ côi, nhưng ý thức được rằng chúng ta có Mẹ, để ta luôn sống trong bình an và hạnh phúc. Trong tay Mẹ có đầy đủ các ơn cần thiết để giúp ta nên thánh, giúp ta đạt đến sự sống đời đời. Chúng ta đừng để những viên ngọc ơn thánh trong tay Mẹ bị chìm vào quên lãng cách uổng phí. Mẹ nói rằng: Mẹ rất vui khi được ban các ơn ấy cho chúng ta; hãy đến với Mẹ và mẹ sẽ dạy ta sống đẹp lòng Chúa Giêsu.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ
Được làm con của Mẹ Maria, tôi thường xuyên đọc lời kinh “Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ” để tỏ lòng yêu mến và biết ơn Mẹ.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, con yêu mến Mẹ. Xin Mẹ che chở và chuyển cầu cho Giáo Hội trong giai đoạn chuẩn bị Thượng Hội Đồng giám mục thế giới này.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=127881266584672&id=103586152347517)
[1] X. Ga 19,30
[2] https://gdanhducmebanon.org/2021/05/11/thang-danh-rieng-kinh-duc-me-ban-on-ngay-11-thang-5-duc-me-hien-ra-lan-thu-hai-27-11-1830-tt/