10.7.2022 – CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Lc 10,25-37
“Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10,36)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trên đường lái xe về quê thăm mẹ, ông Trương gặp một bà lão nằm ngã ven đường. Do đường quê vắng vẻ, ông ta làm ngơ lái xe đi thẳng về nhà. Tới nhà, không thấy mẹ đâu, lại nghe hàng xóm nói bà đã ra khỏi nhà từ sáng sớm, ông bỗng cảm thấy bất an. Sau một hồi ngồi suy nghĩ, ông chợt nhớ ra bà lão nằm bên đường có vẻ giống mẹ mình. Ông lái xe quay lại chỗ bà lão gặp nạn thì choáng váng vì đó chính là mẹ ông. Nhưng đã quá muộn: bà lão đã không qua khỏi cơn nguy kịch.[1] Giả như ngay từ đầu, ông ta sẵn sàng cứu người mà không cần biết đó là ai thì đã không phải ân hận.
Quả thật, tình yêu và lòng trắc ẩn thì không chọn lựa đối tượng, bởi lẽ đó là Luật yêu thương mà Thiên Chúa đã đặt sẵn trong lòng mỗi người như Sách Đệ Nhị Luật đã nói: yêu thương là một luật không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay chúng ta. Luật đó không ở trên trời hay ở bên kia biển, nhưng luật đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.”[2] Sống theo Luật yêu thương đó, là sống đẹp lòng Chúa và chắc chắn được hưởng sự sống đời đời.
Người thông luật hôm nay muốn thử Đức Giêsu nên đã hỏi Người: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời…” (c. 25). Chúa Giêsu đã không trả lời, nhưng Người gợi cho ông nói lên điều ông đã biết: “yêu mến Đức Chúa…và yêu mến người thân cận…” (c.27). Như thế, yêu mến chính là “hành động” cần thiết để được sự sống đời đời. Thật vậy, cảm thấy xúc động trước cảnh khốn quẫn của tha nhân mà thôi thì chưa đủ. Chắc hẳn những người qua đường cũng từng xúc động trước nạn nhân, nhưng ai cũng tránh né và đi qua, vì sợ liên lụy. Hành động của đức ái quý hơn sự thánh thiện trong nghi lễ mà thầy tư tế hay thầy Lê-vi phải giữ, mà đã yêu thương, thì không còn phân biệt cận thân hay kẻ thù.
Chúa Giêsu đã phá bỏ ranh giới và tiêu chuẩn chọn lựa của người Do Thái khi Người đề cao mẫu gương bác ái của người Samari. Mặc dù người Do Thái và Samari rất khinh ghét nhau, nhưng trước cảnh nguy tử, người Samari đã động lòng trắc ẩn, tiến lại gần và hành động. Ông khẩn cấp cứu chữa nạn nhân và còn nhận trách nhiệm thanh toán những phát sinh sau đó, cứ như ông là người thân duy nhất của người bị nạn.
Xã hội hôm nay lại càng nhiều những người vô cảm: thấy người bị nạn lại quay lưng bỏ đi, cũng đừng dừng lại quay phim, chụp hình, đăng tin giật gân để câu like, câu view… những người bệnh, người khuyết tật thể lý và tinh thần… cũng là những nạn nhân bị bỏ rơi bên lề cuộc sống của nhiều gia đình. Đặc biệt trong tháng 7, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hướng về những người cao tuổi. Chúng ta cần quan tâm chăm sóc và biết ơn các ngài.
Chính khi thưa tiếng Xin Vâng để cộng tác vào kế hoạch cứu độ, Mẹ Maria đã không nghĩ đến sự yên ổn của bản thân, sẵn sàng cứu chữa nhân loại khốn khổ. Mẹ đặc biệt quan tâm đến những người già và đem Chúa đến cho họ: ông Dacaria, bà Êlisabeth, các cụ Simêon, Anna… Khi ôm lấy thân thể tan nát của Chúa Giêsu, Mẹ cũng ôm trọn cả nhân loại đang bầm giập vì tội lỗi. Khi hiện ra với thánh Catherine Labouré, Mẹ cho chị thấy: Mẹ cầm trên tay quả cầu và dâng lên Thiên Chúa. Quả cầu ấy tượng trưng cho cả thế giới và cách riêng là từng người chúng ta.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi quan tâm đến những ai đang cần sự giúp đỡ, cách riêng những người cao tuổi trong gia đình, bằng tất cả khả năng và lời cầu nguyện, sự vui vẻ và dịu dàng.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin mở rộng quả tim con, để con biết nhìn đến những người đau khổ bên cạnh con, trong gia đình con…, biết xoa dịu những nỗi đau của người khác như chính con đã được Mẹ nâng đỡ ủi an.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/Tu9wP)
[1] X. https://suckhoedoisong.vn/bo-mac-nguoi-gap-tai-nan-giao-thong-khong-ngo-nan-nhan-lai-la-me-minh-16994907.htm
[2] X. Bài Đọc I, Đnl 30,11-14