fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

18.8.2022 – THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Mt 22,1-1
“Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” (Mt 22,12)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Ngày 29.6.2015, một đám cưới “khủng” được diễn ra Hà nội. Chủ tiệc cưới đã chi phí một số tiền lớn để biến một bãi đất trống thành không gian tiệc cưới hoành tráng, với đầy đủ các tiêu chuẩn như điều hòa, bàn tiệc, bếp Âu – Á, có cả “tuyết rơi mùa hè”. Cô dâu chú rể dự kiến mời 2.400 khách, nhưng trên thực tế, có đến hơn 3.000 khách đến dự tiệc. Hẳn là đôi bạn đó rất vui và vinh dự vì có nhiều người đến dự tiệc cưới của mình, vì dù trời mưa nhưng bạn bè chú rể vẫn đến rất đông và không ngại đứng chờ thật lâu mới được sắp xếp bàn dự tiệc.[1]

Có thể nói rằng chủ tiệc cưới trong dụ ngôn của Chúa Giêsu kể quả là kém may mắn, vì khách được mời đều nhất loạt xin kiếu. Hơn nữa, khi chủ tiệc là một người có địa vị, thì người được mời phải cảm thấy hãnh diện và không thể chối từ. Việc từ chối lời mời hoặc không mặc trang phục xứng hợp khi đến dự tiệc sẽ bị xem là coi thường người đã mời mình. Vị vua trong dụ ngôn ấy là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đã “mở tiệc cưới cho con mình” là Chúa Kitô với toàn thể nhân loại mà Người đã cứu chuộc. Lời mời gọi đầu tiên được gửi đến với dân Do Thái khi Thiên Chúa tuyển chọn họ làm Dân Riêng, và được các ngôn sứ nhắc lại nhiều lần, mời họ đón nhận Ơn Cứu Độ, tham dự vào sự sống và hạnh phúc Nước Trời. Thế nhưng, cũng như những khách đã được mời trong dụ ngôn, họ đã coi thường lời mời của Thiên Chúa, lại còn bách hại các ngôn sứ và chính Chúa Giêsu. Chính vì thế, Thiên Chúa đã sai các tông đồ đến với các dân ngoại (ra các ngả đàng) và mời gọi họ gia nhập Giáo Hội, đón nhận Ơn Cứu Độ, không phân biệt hay loại trừ một ai.

Như vậy, bữa tiệc thiên quốc được dọn sẵn là dành cho hết mọi người, nhưng không phải cứ được rửa tội là đương nhiên được vào thiên đàng. Theo phong tục Do Thái thời đó, chủ nhà phải chuẩn bị sẵn y phục lễ cưới cho khách ở phòng tiếp tân. Nhưng một người khách không chịu mặc y phục lễ cưới mà cứ khư khư với bộ đồ của mình mà vào phòng tiệc nên đã bị tống ra ngoài. Mặc lấy y phục ấy chính là tin vào Chúa Giêsu, đón nhận giáo huấn và ơn cứu độ của Người để làm cho mình nên xứng đáng vào Nước Trời. Đó chính là để cho Thiên Chúa biểu dương quyền năng và sự thánh thiện của Người nơi chúng ta, để Người thay đổi con tim và thần trí của ta và làm cho ta được sống, như lời ngôn sứ Êdêkiel đã loan báo.[2]

Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn luôn gửi tới chúng ta những «thiệp mời» qua giáo huấn Giáo Hội, qua lời nhắc nhở chân thành của những người hữu trách… chúng ta có mau mắn đón nhận hay khó chịu, càm ràm, ca thán, chỉ trích? Nhất là khi đã mang danh Kitô hữu, nghĩa là đang có mặt trong «phòng tiệc Nước Trời», chúng ta có «mặc áo cưới» bằng việc năng lãnh nhận các Bí Tích và sống đạo với tất cả lòng tin yêu không?…

Nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria luôn sẵn sàng trong “y phục lễ cưới”. Khi Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến gặp Mẹ cách bất ngờ, Người thấy Mẹ vẫn luôn “đẹp lòng Thiên Chúa”. Mẹ mau mắn đón nhận lời mời của Chúa và tham dự vào tiệc cưới vĩ đại của Con Chiên, bằng tất cả tâm hồn, thân xác vẹn sạch trinh trong không tỳ vết. Mẹ ý thức tất cả những gì Mẹ có được là do “Chúa đã làm cho tôi”,[3] chứ không do sức riêng của mình.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi khiêm nhường cộng tác với ơn Chúa để có được “y phục lễ cưới” vào dự tiệc Nước Trời.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con luôn ý thức sự cao quý của bữa tiệc thần linh mà Chúa dọn sẵn cho con trên Nước Trời, nhất là tiệc Thánh Thể nơi mỗi thánh lễ, để con luôn dọn mình tham dự và rước Chúa Giêsu cách xứng hợp và sốt sắng. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/t4g2E)

[1] X. https://tranganpalace.vn/tin-tuc/nhung-dam-cuoi-khung-trong-2-nam-gan-day-tai-viet-nam
[2] Bài Đọc I, Ed 36,23-28
[3] Kinh Magnificat

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *