fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

02.9.2022 – THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Lc 5,33-39
“Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” (Lc 5,35)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Một chị đến khấn trước đài Đức Mẹ chia sẻ với tôi về ý nguyện của chị, và cả việc “ăn chay” mà chị đang thực hành.

  • Thế à? Chị “ăn chay” như thế nào?
  • Dạ, con chủ yếu ăn rau, nấm,…con không ăn cá thịt, các con vật…
  • À, đó là cách “ăn chay” của những người thuộc các tôn giáo khác. Còn Chúa Giêsu dạy chúng ta một cách ăn chay khác.
  • Vậy hả Sơ? Con không biết điều đó. Sơ nói cho con nghe đi Sơ.

Vào thời Chúa Giêsu, những người Do Thái đạo đức thường ăn chay với vẻ mặt buồn rầu và cầu nguyện lâu giờ cho người ta thấy,[1] nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu thì trái lại, luôn sống vui tươi và thường ăn uống cả với những người bị cho là tội lỗi. Do đó, những người kia thắc mắc với Chúa Giêsu và được Chúa trả lời: các môn đệ của Chúa đang “dự tiệc cưới” nên không thể ăn chay. “Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay” (c.35).

Khi Chúa Giêsu hiện diện ở trần gian, thì thời đại mới được khai mở, tiệc cưới Nước Trời đã bắt đầu: Chúa Giêsu chính là “Chàng Rể” đến hội ngộ với “Tân Nương” là Dân của Người, như các ngôn sứ đã loan báo.[2] Nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện với mình, nên các môn đệ và những người tin theo Chúa sống trong niềm vui chứ không sầu buồn như người ăn chay hay đưa đám.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn dạy các môn đệ “sống chay tịnh”, sống kỷ luật bản thân bằng cách hy sinh đón nhận những khác biệt của anh chị em, là khiêm nhường phục vụ lẫn nhau, là tha thứ cho nhau và chia sẻ bác ái với mọi người… Đó là những việc làm mà theo tính tự nhiên chúng ta không ai muốn thực hiện. Chính vì thế, tinh thần chay tịnh của Chúa Giêsu dạy chúng ta biết sống tiết độ, làm chủ bản thân với mọi suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình, hạn chế những thói quen không tốt và tập luyện những nhân đức tốt lành.

Ngày nay, chúng ta không nhìn thấy con người Chúa Giêsu nhưng Người vẫn hiện diện ở trần gian như Người đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.[3] Chính vì thế, Kitô hữu sống vui tươi, đồng thời cũng luôn tiết độ và tỉnh thức để chờ ngày Chúa trở lại. Tuy Giáo Hội chỉ buộc giữ chay và kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ sáu Tuần Thánh, nhưng chúng ta vẫn được mời gọi sống khổ chế để làm chủ bản thân, không thỏa mãn cái bụng, để cái đói thể lý nhắc nhở ta sự đói khát thiêng liêng: chúng ta cần đến ơn Chúa để sống tốt và để nên thánh. Khi bớt nói những điều vô ích gây bất hòa, ta tập nói những lời hòa nhã, lịch sự; biết dùng thời giờ để làm những việc bác ái, phục vụ mọi người. Việc hạn chế trong ăn uống cũng giúp ta tiết kiệm hơn, để có thêm điều kiện giúp đỡ những người thiếu thốn…Đó là việc chay tịnh Chúa muốn ta thực hiện trong khi chờ Chúa trở lại.

Sống trong bầu khí trông đợi Đấng Cứu Thế như mọi người Do Thái khác, chắc chắn Đức Maria đã thực hành chay tịnh, khổ chế rất nhiều, nhưng Mẹ cũng sẵn sàng mở lòng đón nhận Tin Mừng Cứu Độ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.”[4] Sự chay tịnh của Mẹ không mang hình thức buồn sầu thảm não, nhưng là sống vui tươi, bác ái với tất cả mọi người. Nhất là Mẹ mau mắn hy sinh ý riêng, hy sinh hạnh phúc riêng để làm theo ý Chúa, và phục vụ ơn cứu độ cho toàn nhân loại.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi thực hành chay tịnh bằng cách từ bỏ ý riêng, biết dùng thời giờ để làm những việc có ích, sống vui tươi, bác ái với mọi người.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin dạy con sống tinh thần chay tịnh như Mẹ, biết rèn luyện và làm chủ bản thân thay vì thỏa mãn các giác quan, để nhờ đó, tinh thần và tâm trí con được tự do làm theo ý Chúa. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.


(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/9akys)

[1] X. Mt 6,5

[2] X. Is 62,4; Tv 85,11

[3] Mt 28,20

[4] Kinh Magnificat.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *