23.10.2022 – CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM C
KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
Lc 18,9-14
“…người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.” (Lc 18,14)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Chọn một góc khuất bên cánh phải nhà thờ, Vinh quỳ xuống rồi cúi đầu làm dấu. Đã lâu lắm anh không ngồi ở góc khuất như thế này. Anh vẫn đi lễ mỗi ngày và ngồi ngay hàng ghế đầu hoặc ghế thứ hai, để tham dự thánh lễ cho sốt sắng. Thỉnh thoảng, anh còn dắt cả vợ con theo, cả nhà ngồi chung một chỗ tham dự thánh lễ. Thế nhưng…tối hôm qua, sự dồn nén lâu ngày trong lòng anh đã quá sức chịu đựng: áp lực của công việc, sự tranh giành, giẫm đạp của đồng nghiệp, lại thêm sự thiên vị của cha mẹ, sự hiểu lầm của anh em và những lời nói cay nghiệt…như một tia lửa châm vào ngòi nổ. Anh điên cuồng đập phá bất cứ thứ gì anh nhìn thấy trước mặt, khiến cho vợ con hoảng hốt, cầu cứu hàng xóm đến can ngăn mà cũng không được. Cho đến khi tay đẫm máu vì mảnh vỡ đâm vào, anh đuối sức mới chịu dừng để cho người ta băng bó… Giờ đây, lòng hối hận tràn trề, Vinh không dám ngước nhìn lên bàn thờ mà chỉ cúi xuống xin Chúa thứ tha…Có lẽ chưa bao giờ anh thấm thía từng lời kinh như trong thánh lễ hôm ấy: “…Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm…lỗi tại tôi mọi đàng…” Anh thấy mình như người thu thuế trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đang kể…
Chúa Giêsu kể rằng: cả hai người cùng đến đền thờ để cầu nguyện, người biệt phái tự cho mình là có nhiều công đức, và người thu thuế với đầy tội lỗi đè nặng tâm hồn. Người biệt phái thầm hãnh diện vì những cố gắng vượt bậc của ông, những tưởng Thiên Chúa sẽ hài lòng, ghi nhận và phải tưởng thưởng cho những công lao to lớn ấy… Tệ hơn nữa là ông lại “dìm hàng” kẻ khác để được “nổi cao” trước khi kể công của mình. Cuối cùng, ông đã biến giờ cầu nguyện thành giờ để tôn vinh chính mình chứ không phải là tôn vinh Chúa. Ông “tự túc tự cường” được và không cần tới Chúa!
Phía sau ông, tận cuối đền thờ, người thu thuế không dám nhìn ai, không dám sánh mình với ai, vì biết mình nhiều tội lỗi. Anh cúi xuống, nhìn vào lòng mình, chỉ thấy toàn bất xứng, nên anh trông cậy vào lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c.13). Anh đã mở lòng ra để Chúa thấy và tha thứ cho anh, và đó chính là việc tôn vinh Thiên Chúa: anh nhận biết Chúa là Đấng công chính, luôn thương xót và ban ơn cứu độ. Bởi đó, anh được Chúa làm cho “nên công chính”, để khi trở về, anh có thể sống tốt lành hơn trước, còn người biệt phái thì không.
Chính nhờ khiêm nhường và chân thành mà người thu thuế được đẹp lòng Chúa. Sự khiêm nhường cũng chính là chìa khóa mở ra những tương quan với mọi người. Khiêm nhường là nhìn nhận sự thật của mình. Đó chính là nét đẹp nội tâm, cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn con người, là nhân đức cần thiết nhất đối với Kitô hữu để làm cho thế giới nhận biết Thiên Chúa gần gũi với họ. Chớ gì mỗi Kitô hữu biết ưu tiên học sống khiêm nhường và hiền lành trước mặt Chúa và tha nhân, trước khi tìm cách trở nên xinh đẹp, giỏi giang hay giàu có giữa thế giới.
Ý thức thân phận thụ tạo của mình, Mẹ Maria đã khiêm nhường nhận mình là nữ tỳ hèn mọn, khó nghèo, tay trắng trước mặt Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, và phó mình cho lòng thương xót của Người. Chính vì thế, Thiên Chúa đã rất hài lòng với Mẹ. Người không chỉ đoái thương nhìn đến, mà còn ban cho Mẹ dư đầy mọi ơn phúc, và chọn Mẹ làm Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng công chính và thánh thiện ngàn trùng.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi ý thức sự bất toàn và nhìn nhận mình cần được Chúa thương xót, hết lòng cộng tác với ơn Chúa để thay đổi đời sống.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp con khiêm tốn nhìn nhận những tội lỗi, yếu đuối và hoán cải chân thành. Xin Chúa thứ tha và biến đổi con nên người công chính. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/iiwCh)
()