fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 28.3.2023 – THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY

28.3.2023 – THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY

Ga 8,21-30

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28a).

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Sách Dân Số thuật lại rằng: “Trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê” vì thiếu bánh ăn, thiếu nước uống. Khi bị rắn lửa cắn chết nhiều người, họ sợ hãi và biết mình đã lỗi phạm đến Chúa. Họ xin ông Môsê khẩn cầu Chúa tha tội cho họ. Chúa truyền ông Môsê làm một con rắn bằng đồng và treo lên cao, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì khỏi phải chết.[1] Tất nhiên, không phải tự con rắn đồng có thể cứu người bị rắn cắn khỏi chết, nhưng là nhờ họ tin vào Lời Chúa dạy qua ông Môsê, bảo họ nhìn lên con rắn; họ đã làm theo, nên được khỏi.

Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh con rắn đồng ấy để nói về cái chết cứu độ của Người. Cũng như con rắn đồng được “giương cao” làm dấu chỉ cho những kẻ tin được khỏi chết, Chúa Giêsu đã tự nguyện được “giương cao” trên thập giá để trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tin vào danh Người. Thập giá hoặc khổ giá vốn là một loại nhục hình, dùng để xử tử tù nhân cách đau đớn và nhục nhã. Tuy nhiên, Con Thiên Chúa đã chấp nhận hình khổ đó, để thánh hóa nó cũng như thánh hóa mọi nỗi đau khổ của kiếp người. Chính vì thế, trong số ba cây thập giá trên đòi sọ hôm ấy, chỉ có cây thập giá của Chúa Giêsu được gọi là thánh giá.

Chính vì là Con Thiên Chúa, hiện hữu từ “trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có và đời đời chẳng cùng”[2] với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nên Chúa Giêsu có thể cứu chuộc hết mọi người, mọi thời và mọi nơi. Chính khi giang tay trên thánh giá, Chúa Giêsu đã mặc khải trọn vẹn mầu nhiệm Thiên Chúa của Người: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi Hằng Hữu” (c.28a). Thập giá Đức Giêsu nói với chúng ta tình thương vô biên của Thiên Chúa: Đấng Hằng Hữu đã đi qua con đường đau khổ để giải thoát con người. Người biến đổi đau khổ thành phương tiện cứu rỗi cho tất cả chúng ta.

Đau khổ là quy luật chung của kiếp người, nhưng Thánh giá Chúa luôn cho ta sức mạnh để chịu đau khổ với Chúa và vì Chúa, để nhờ đó, ta sẽ được cứu độ và đạt tới Phục Sinh. Mỗi khi gặp đau khổ trong thân xác hay tinh thần, ta hãy nhìn lên thánh giá Chúa để chiêm ngắm, tâm sự và lắng nghe Chúa nói với ta. Mỗi gia đình Công Giáo đều có bàn thờ và không thể thiếu thánh giá (tượng chịu nạn), đó là dấu chỉ tình yêu và ơn cứu độ của Chúa luôn hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta đừng chỉ làm bàn thờ cho có lệ, đừng để thánh giá cho màn nhện giăng, nhưng đó phải là nơi ta cậy dựa mỗi khi gặp gian nan thử thách.

Dưới chân thánh giá, Mẹ Maria là người đầu tiên đã nhìn lên Đấng được “giương cao” để lãnh nhận ơn cứu độ cho chính Mẹ và cho toàn thể nhân loại. Giữa cảnh đau buồn cùng cực, chứng kiến người Con yêu dấu quằn quại trên thập giá, Mẹ vẫn xác tín Người là “Con Đấng Tối Cao[3] như lời sứ thần đã nói. Mẹ trung kiên đứng dưới chân thập giá với niềm tin tưởng, cậy trông, vì biết rằng, Con của Mẹ sẽ trở nên nguồn sự sống cho muôn người. Mẹ đã cùng đi với Chúa trên con đường đau khổ, nên ngày nay Mẹ được cùng Người vui hưởng phúc vinh quang trên thiên đàng vĩnh cửu.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Theo bước Mẹ, tôi vui lòng đón nhận những khó khăn, bất ổn, thiếu thốn về tinh thần lẫn vật chất, để kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu, trong niềm xác tín Người là Đấng cứu độ tôi.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con cảm nghiệm tình thương và ơn cứu độ Chúa dành cho con qua cái chết đau khổ của Người. Chớ gì khi chiêm ngắm Chúa trên thập giá, con được can đảm đón nhận những đau khổ đời mình, biết hoán cải để đáng được hưởng ơn Chúa cứu độ con. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/qfI0mt)

[1] X. Ds 21,4-9

[2] Kinh Sáng Danh

[3] Lc 1,32

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *