fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 04.4.2023 – THỨ BA TUẦN THÁNH

04.4.2023 – THỨ BA TUẦN THÁNH

Ga 13,21-33.36-38

“Có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (Ga 13,21c)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Thánh Jean Gabriel Perboyre (1802-1840), người Pháp, thuộc Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn, đã tình nguyện sang Trung Hoa truyền giáo năm 1835. Chỉ sau 5 năm vừa học tiếng Hoa vừa làm quen với đất nước mới lạ này, cha đã có thể nói thạo tiếng Hoa và lập tức ngài lao mình vào việc đi thăm các cộng đoàn Kitô giáo cùng với một vài cha khác. Thời đó, việc bắt đạo rất gay gắt, phải hết sức thận trọng. Một lần kia, đang dạy Giáo lý ở một vùng có nhiều rừng tre, thấy nguy hiểm cha Jean tìm cách trú ẩn vào một hang động. Thế nhưng, lính tráng đã biết được và tìm tới bắt cha, bởi họ điều tra một người tân tòng. Vì nhát sợ, người tân tòng này đã chỉ điểm chỗ trú ẩn của cha.[1] Đúng là trò đã “bán đứng thầy mình”, cũng giống như Thầy Giêsu bị Giuđa phản bội! 

Dù đã biết trước, nhưng Chúa Giêsu hết sức tế nhị khi nhắc nhở người môn đệ tín cẩn của mình đang sắp sẩy chân vào hố sâu tội lỗi: “…có một người trong anh em sẽ nộp Thầy!” Người khẳng định, nhưng không chỉ định, không chụp mũ hay dán nhãn người nào, bởi tất cả 12 người đều là đệ tử thân tín của Thầy, và Thầy không muốn bất cứ ai rơi vào cái tội phản trắc tày đình ấy!

Nhưng, người môn đệ phản bội ấy là ai? Chính Giuđa, người môn đệ được Thầy tín nhiệm giao phó túi tiền, là người thủ quỹ của nhóm, đã nhen nhúm những dự tính riêng trong lòng… “Chúa Giêsu cảm thấy tâm hồn xao xuyến” (c 21), nhưng anh thì vẫn “bình chân như vại” vì Thầy không “lột mặt nạ” của anh trước cộng đoàn, Thầy nhân từ và hay tha thứ. Cũng có thể Giuđa có những dự tính lợi lộc riêng nào đó, nên quyết tình không chung nhịp bước với các bạn, phụ tình Thầy để bán Thầy với giá một tên nô lệ! Trong khi đó, mười một môn đệ khác đều tự vấn mình trước Lời của Thầy, Phúc âm Nhất Lãm kể rằng: mỗi người đều lần lượt hỏi: “Thưa Thầy, có phải con không?”[2] Biết tự vấn lương tâm là dấu chỉ nhận biết tình thương của Thầy, ý thức mình bất xứng và mỏng giòn, rất dễ sa ngã và phản bội Thầy bất cứ lúc nào, nên các ông khiêm tốn xét mình.

Trong khi trao miếng bánh cho Giuđa, Chúa đã khéo léo nhắc ông lần thứ ba:“Anh làm gì thì làm mau đi” (c.26) mong lương tâm ông được đánh động và thức tỉnh… Thế nhưng, ông vẫn không hiểu ra ý Chúa. Hình ảnh của Giuđa và của các tông đồ hôm ấy cho chúng ta thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh của chính mình. Đã bao lần Chúa nhắc bảo để thức tỉnh chúng ta ra khỏi con đường lầm lạc nhưng ta vẫn bỏ ngoài tai… Chúa thao thức cứu ta nhưng ta cứ làm ngơ, đi tìm một con đường khác cho riêng mình. Chúng ta hãy trải lòng mình ra trước tình thương của Chúa, lắng nghe Lời Chúa đang thầm thì với mình và làm theo để được cùng chung nhịp bước với Chúa trong suốt Tuần Thánh này.

Mẹ Maria đã luôn lắng nghe và ấp ủ Lời Chúa trong lòng. Chính Lời Chúa là trung tâm cuộc đời của Mẹ. Mọi hành vi, lời nói của Mẹ đều quy chiếu về trọng tâm duy nhất ấy. Kể từ khi Ngôi Lời Thiên Chúa đến ngự trong lòng Mẹ, trái tim của Mẹ chung một nhịp đập với Con, lòng Mẹ chung một ý chí, một tình yêu với Con khi hướng về Chúa Cha và cả khi hướng về nhân loại. Mẹ hòa nhịp với Con cả khi dưới chân thánh giá, khi Con tắt thở thì tim Mẹ như cũng ngừng đập vì mũi gươm vô hình. Tình yêu trung thành đó, Mẹ đã tỏ lộ cho chúng ta qua mặt sau của Mẫu Ảnh Phép Lạ.[3]

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Theo bước Mẹ, tôi để cho trái tim chung nhịp đập với tim Chúa qua việc lắng nghe Chúa và làm theo tiếng nói của Chúa thúc giục trong tâm hồn.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin cho con một trái tim bén nhạy trước những lời nhắc nhở của Chúa, và mau mắn sám hối cách chân thành. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/M75TPl)

[1] X. Các thánh và các Chân Phước GĐVS, Tổng hợp-2021, trang 166

[2] X. Mt 26,22; Mc 14,19; Lc 22,23

[3] X. https://gdanhducmebanon.org/gioi-thieu-ve-anh-duc-me/

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *