13.4.2023 – THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Lc 24,35-48
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://bom.so/VGlJgF)
“Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Khi hai môn đệ từ Emmau trở về, đang say sưa kể lại việc các ông đã được gặp Chúa, thì chính Chúa hiện ra đứng giữa các ông khiến các ông hoảng sợ. Sự kiện Chúa sống lại quả thật ngoài sức tưởng tượng, ngoài sự hiểu biết của con người, làm các ông không thể tin vào cặp mắt và trí khôn của mình. Thánh sử Luca thuật chuyện một cách dí dỏm và hài hước rằng các môn đệ chưa tin “vì mừng quá” (c.41), cũng như ngài đã từng chữa lỗi cho các ông trong Vườn Dầu rằng các ông ngủ “vì buồn phiền”[1].
Chúa Giêsu Phục Sinh đã đối xử với các môn đệ “như người nựng trẻ thơ”[2]: Người chúc bình an và cho các ông xem tận mắt tay chân Người còn nguyên những vết đinh; cho sờ chạm vào Người để trấn an, dỗ dành… Người dùng tình thương và sự hiện diện để an ủi, băng bó và chữa lành những vết thương trong tâm hồn các môn đệ đang hoảng loạn vì sợ hãi: Người ăn uống cho các ông thấy Người thật sự đang sống.
Người còn “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (c.45), để hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa là “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” để cứu độ nhân loại, và sứ mạng của các ông là phải loan báo và làm chứng nhân về cái chết và sự Phục Sinh cứu độ của Chúa Giêsu cho khắp mọi nơi. Chính vì thế, sách Tông đồ Công vụ kể lại việc tông đồ Phêrô rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái rằng: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.”[3] Các ông mời gọi mọi người sám hối để được ơn tha tội.
Sám hối theo Kitô giáo không phải là chuyển từ đảng phái này sang đảng phái khác, nhưng là cải tổ bản thân con người mình. Việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội không chỉ giới hạn trong việc công bố sứ điệp của Chúa Giêsu cứu độ, mà còn là giáo dục cho con người tìm lại được chương trình của Thiên Chúa dành sẵn cho họ.[4] Như thế, việc sám hối của mỗi người chúng ta hôm nay chính là đọc lại những biến cố đời mình dưới ánh sáng cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, để biết được kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho tôi, cho bạn.
Từ sau lời trăn trối của Chúa Giêsu, tông đồ Gioan đã rước Mẹ Maria về nhà mình. Mẹ luôn ở bên Gioan và các môn đệ. Vì tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa, nên cho dù hết sức đau buồn, Mẹ vẫn không hoảng sợ trước biến cố tử nạn của Chúa Giêsu. Mẹ đã cùng chịu đau khổ, sỉ nhục và chết trong tim với Người, cùng thinh lặng trong cái chết của Người và đợi chờ Thiên Chúa thực hiện những gì Kinh Thánh đã nói, nên khi Chúa Phục Sinh, Mẹ được tràn đầy hoan hỷ.
Khi không còn hiện diện bên các môn đệ, Chúa Giêsu vẫn yên tâm vì đã có Mẹ Người luôn đồng hành với các ông. Chính nhờ được ở với Mẹ, các môn đệ dần dần được biến đổi, tin tưởng và mạnh dạn loan báo Tin Mừng. Ngày nay, Mẹ cũng luôn hiện diện bên chúng ta để nâng đỡ, an ủi và nhắc bảo, giúp ta vững tin vượt qua những hoài nghi và hoang mang trong cuộc sống. Có Mẹ, chúng ta sẽ mạnh dạn sống chứng tá của Niềm vui Tin Mừng như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Nếu chúng ta đã nhận được nơi Tình Yêu làm hồi phục ý nghĩa cho đời mình thì làm sao chúng ta lại có thể không chia sẻ một Tình Yêu như thế cho những người khác được?”[5]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ, tôi đón nhận những bất ổn của cuộc sống hiện tại trong niềm tín thác, cậy trông vào Chúa và sẵn sàng bác ái với tha nhân.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con cảm nghiệm được tình thương và kế hoạch của Chúa dành cho cuộc đời con, để con cũng vui mừng chia sẻ tình yêu thương của Chúa cho mọi người. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Lc 22,45
[2] Hs 11,4b
[3] Cv 3,15
[4] X. Lời Chúa cho mọi người, trang 1803, phần chú giải.
[5] TH. NVTM – phần 1 – số 8
()