25.4.2023 – THỨ BA TUẦN III PHỤC SINH
THÁNH MÁC-CÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG
Mc 16,15-20
“Các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông…” (Mc 16,20)
—————
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Trước khi về trời, Chúa Phục Sinh còn hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và củng cố đức tin cho các tông đồ, để các ông xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh. Người căn dặn các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (c.15). Quả thế, biến cố Chúa Phục Sinh là Tin Mừng không chỉ cho nhân loại, mà cho hết mọi tạo vật. Vâng lời Chúa, “các Tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (c.20). Nhiều người đã tin theo và gia nhập Giáo Hội, có cả Gioan (còn gọi là Mác-cô), con của một bà góa giàu có ở Giêrusalem cũng tin theo.
Căn nhà rộng rãi của Mác-cô là nơi tụ họp các Kitô hữu đầu tiên. Sau này, ông đã tổng hợp các lời giảng dạy của thánh Phêrô và hệ thống lại thành sách Tin Mừng Mác-cô thật ngắn gọn và sống động. Vốn là người chân thật, đơn sơ, Mác-cô kể cho chúng ta nghe về một Chúa Giêsu thật gần gũi: Chúa vui mừng, kinh ngạc, xúc động, đôi lúc giận dữ… Chúa có uy quyền trên các thần dữ, trên bệnh tật, Chúa đồng bàn với những người tội lỗi…
Là một giáo dân, nhưng Mác-cô cũng tham gia vào các hành trình truyền giáo với thánh Barnaba, thánh Phaolô và thánh Phêrô. Ngài đã đem muôn vàn người trở về với Chúa. Vì ghen tức, ích kỷ, mà những người chống đối đã quyết tâm hãm hại Ngài. Ngài đã bị kéo trên đường đá ghồ ghề, lởm chởm cho tới chết, ngày 25/4/67.[1] Ngài đã chết vì niềm tin vào sự Phục Sinh của Đức Giêsu.
Đa số chúng ta cũng không phải là tu sĩ, nhưng ta vẫn có bổn phận thực hiện “di chúc” của Chúa Giêsu. Giống như thánh Mác-cô, chúng ta có thể viết Tin Mừng bằng chính cách sống đạo của mình như: trao cho người khác một nụ cười và lời chúc bình an đầu ngày, nói một lời hòa nhã, tích cực và chân thành, hoặc an ủi người buồn phiền, nâng đỡ người yếu đuối, dùng lời nói và hành động để hàn gắn các mối tương quan, làm cho mọi người gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn, tích cực tham gia các công tác chung của giáo xứ, khu xóm… như thế là ta đã dọn chỗ cho Thiên Chúa đến ở giữa con người. Hơn nữa, ta đừng ngại nói với người khác về Chúa, về Tin Mừng Phục Sinh, vì khi yêu, người ta sẽ không ngần ngại “khoe” với người khác về người yêu của mình.
Không chỉ làm cho mọi người nhận biết, thờ phượng, yêu mến Chúa và sống liên đới với nhau, nhưng chúng ta còn phải loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, bằng việc chăm sóc và bảo vệ môi trường thiên nhiên: trồng nhiều cây xanh, xử lý rác đúng cách, hạn chế sử dụng túi nilon, ngưng tiêu thụ các mặt hàng thời trang nhanh, tiết kiệm điện, nước… Những việc làm đó không những làm cho bộ mặt thế giới này thêm tươi đẹp, mà còn tăng thêm phẩm giá của con người, và đó chính là loan báo Tin Mừng Phục Sinh cách âm thầm và cụ thể.
Khi hiện ra năm 1830 tại Paris, nước Pháp, Mẹ Maria đã cho thánh nữ Catherine Labouré nhìn thấy: Mẹ nâng niu quả địa cầu tượng trưng cho cả thế giới trên tay Mẹ. Mẹ đã yêu quý và chăm sóc thế giới này, trái đất này, vì chính Máu cực thánh của Chúa Giêsu – con của Mẹ – đã đổ ra và thấm trên đất. Cũng thế, Mẹ yêu thương và chăm sóc từng người chúng ta, vì mỗi người chúng ta đã được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giêsu.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ, tôi
- Tận dụng mọi dịp gặp gỡ để chia sẻ những điều tích cực và nhất là nói về Chúa, về Tin Mừng Hy Vọng cho mọi người.
- Giữ môi trường sống sạch đẹp.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết sống Tin Mừng Phục Sinh như Mẹ, biết cảm thông chia sẻ vui buồn với mọi người, để ai nấy nhận biết họ được Chúa yêu thương, và để họ được vui mừng đáp lại tình yêu của Chúa. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://gxdaminh.net/ngay-25-4-2020-thanh-mac-co-tong-do-cua-chua-giesu/
()