fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – KỶ NIỆM 400 NĂM BIẾN CỐ ÁNH SÁNG – Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của thánh nữ Louise de Marillac

KỶ NIỆM 400 NĂM BIẾN CỐ ÁNH SÁNG
Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
của thánh nữ Louise de Marillac
1623 04.62023
(Kỳ 3)

Chúa Thánh Thần, Trung Tâm Đời Sống Và Hành Động Của Louise De Marillac

Một hình thức tu trì mới đã được khai sinh trong Giáo Hội, ngày 29.11.1633, đó chính là Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn! Quả thật, lịch sử Giáo Hội cho chúng ta biết rằng đời sống tu trì Kitô giáo bắt đầu từ thế kỷ IV với nếp sống đan tu trên sa mạc[1]. Tới đầu thế kỷ XVII được đánh dấu sâu đậm bằng sự cải cách cuả công đồng Trentô và được phát triển mạnh ở nước Pháp[2]. Chính vì thế, cô thiếu nữ Louise lúc đó được thu hút vào đời sống tu kín khổ hạnh và cầu nguyện của các nữ tu dòng Capuxinô.


Nhìn ngắm các nữ tu đắm chìm trong cầu nguyện
Cô Louise được thu hút vào đời sống này.

 Thế nhưng, “Thiên Chúa có một ý định khác trên Cô”.

 Ánh Sáng I của ngày lễ Hiện Xuống năm 1623 hé mở phần nào: “Thế nào rồi cũng có ngày tôi được khấn giữ khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và sẽ có ngày tôi được sống trong một cộng đoàn nhỏ, nơi đó cũng có một số chị em khấn giữ như tôi. Tôi nghe chừng lúc đó mình sẽ ở một nơi nào đó để phục vụ tha nhân, nhưng tôi lại không thể hiểu được điều ấy bởi vì những người sống ở nơi đó phải có thể đi đi-lại lại”.  Sau nhiều năm chờ đợi “ý định khác của Thiên Chúa”, nay đã trở nên rõ ràng là sự xuất hiện của hình thức tu trì mới: cũng là những người tự nguyện hiến dâng đời sống cho Thiên Chúa nhưng không ở trong nhà kín như các đan sĩ; trái lại họ đi đi-lại lại trên các nẻo đường dẫn tới nơi ở của những người nghèo khổ, bệnh tật để phục vụ những người này như phục vụ chính Chúa Giêsu Kitô.  


Các nữ tu đi đi-lại lại trên các nẻo đường
Để phục vụ người nghèo khổ, bệnh tật.

Nhóm này chưa có những cơ cấu rõ rệt. Đó là một loại Hiệp Hội, một nhóm giáo dân qui tụ lại cho một công việc đạo đức hay bác ái. Cha Vinh Sơn và bà Louise chỉ định nó bằng những từ theo một nghĩa rất rộng: “TU HỘI” hoặc “CỘNG ĐOÀN” chỉ những người được tập hợp để cùng sống cho một mục đích chung. Cộng đoàn này thuộc về một loại rất đặc biệt, khó định nghĩa theo giáo luật thời đó, vì chưa có. Như cha Vinh Sơn giải thích cho các chị em, Tu Hội này được thành lập “một cách không tiên liệu được” và nó được hình thành dần dần. Vào thế kỷ 19, tất cả mọi đời sống tu trì đều được tái cơ cấu. Các Nữ Tử Bác Ái của thánh Vinh Sơn Phaolô trở thành một trong những “Hiệp Hội dòng tu” (Tu Hội) quan trọng nhất.


Công đồng Vaticanô II (1962-1965)

Công đồng Vaticanô II (1962-1965) mời gọi các cộng đoàn tu trì trở về nguồn (cảm hứng ban đầu). Giáo Hội nhìn nhận ơn gọi riêng của tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, khi xếp Tu Hội vào số các hiệp hội đời sống tông đồ, theo bộ Giáo Luật 1983[3]:

 Bên cạnh các tu hội thánh hiến là các tu đoàn tông đồ, mà các thành viên theo đuổi mục đích tông đồ riêng của tu đoàn, dù không có lời khấn dòng, và sống chung như anh chị em theo đuổi một lối sống riêng, để vươn tới sự hoàn hảo của đức ái qua việc tuân giữ hiến pháp. Trong số các tu đoàn ấy, có những tu đoàn mà các thành viên đảm nhận các lời khuyên Phúc Âm bằng một mối ràng buộc do hiến pháp qui định[4].

Lộ trình của Chúa Thánh Thần

Như thế là sau 10 năm biến cố Ánh Sáng lễ Hiện Xuống 1623, kể từ tháng 11.1633, bà Louise biết rõ mình đang đi trên lộ trình của Chúa Thánh Thần. Bà ngày càng thêm xác tín và cương quyết tìm cách giải mã ý định của Thiên Chúa.

Trong một bài viết, ngài đã chia sẻ: “Các tâm hồn thật sự nghèo khó và ước muốn phục vụ Chúa phải hết lòng tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần, khi đến với họ và không thấy có sự kháng cự nào sẽ đặt họ trong tư thế thích hợp để thực hiện thánh ý Chúa, đó phải là điều ước ao duy nhất của họ… [5] Biết mình được hướng dẫn, bà có thể áp đặt quan điểm của mình một cách tự tin và kiên cường, mà vẫn luôn bình tĩnh và khiêm tốn: cha Vinh Sơn, quá bận rộn với các công việc bác ái, không có thời giờ chủ trì các buổi huấn đức cho các Nữ Tử Bác Ái và phải nhiều lần cáo lỗi. Bà Louise lễ phép trách cha Vinh Sơn. Bà rất có thể một mình huấn luyện các Nữ Tử Bác Ái, nhưng như thế là đi ra ngoài Ánh Sáng lễ Hiện Xuống 1623. Vì qua Ánh Sáng này, bà Louise biết rằng cha Vinh Sơn thật sự có liên hệ với các sự kiện và các lời hứa ngày lễ Hiện Xuống 1623: các hội đoàn bác ái là công trình của cha Vinh Sơn, Marguerite Naseau là người đầu tiên vào hội đoàn bác ái. Louise cương quyết đi theo con đường Chúa Thánh Thần đã vạch ra.

Lại một biến cố bất ngờ xảy ra vào đúng ngày áp lễ Hiện Xuống năm 1642: một cái xà đổ xuống trong phòng họp của Nhà Mẹ các Nữ Tử Bác Ái, nhà này mới mua được 6 tháng, cả trần nhà lẫn sàn nhà đều xuống cấp. Các chị em ở bên ngoài nghe tiếng gỗ “răng rắc” và đã hối thúc bà ra khỏi phòng. Bà Louise vừa bước ra là căn nhà sụp xuống. Tạ ơn Chúa không một ai bị thương, nhưng một cú sốc rất lớn! Cha Vinh Sơn đã dự định có buổi huấn đức chiều hôm ấy trong phòng họp này, nhưng vì bận việc không đến được. Khi hay tin này, cha như bị sét đánh, nhận định biến cố với cặp mắt đức tin và điều này đã biến đổi cha. 

Ngay sáng hôm sau, cha viết cho bà Louise: “Trong biến cố này, Cô có thêm lý do để yêu mến Chúa hơn bao giờ hết, vì Chúa đã gìn giữ Cô như con ngươi trong mắt Chúa, trong một tai nạn mà Cô có thể bị đè bẹp dưới đống đổ nát, nếu Chúa không đổi hướng cú sốc bằng sự quan phòng khả ái của Người. Chúng tôi đã cảm tạ Chúa và tôi hy vọng nhờ ơn Chúa giúp, sẽ được vui mừng gặp Cô ở đây, nếu Cô đến hát kinh chiều, hoặc tại nhà Cô; tuy nhiên, tôi xin gửi Cô vài hàng chữ này để chào Cô trước[6].    

Biến cố này đem lại nhiều biến đổi nơi bà Louise cũng như nơi cha Vinh Sơn, từ những khủng hoảng nhỏ giữa hai người, nay đã được khắc phục và các ngài tin chắc rằng Chúa ước muốn công trình này ra đời, Chúa sẽ che chở và nâng đỡ nó. Nhất là cả hai vị đều hiểu rằng các ngài phải làm việc chung vì lợi ích người nghèo và vì vinh quang Thiên Chúa. Biến cố này là một dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa đối với Tu Hội còn non trẻ.[7]


Cả gia đình chúng ta phải hết lòng sùng kính lễ Hiện Xuống,
 và hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa Quan Phòng.

Louise rút ra từ những sự cố ấy những bài học và những kết luận. Ngài ghi nhận: “Tôi nghĩ rằng cả gia đình chúng ta phải hết lòng sùng kính lễ Hiện Xuống, và hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa Quan Phòng, nhưng một cách hết sức đặc biệt”[8].

Đối với bà Louise, hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa Quan Phòng,nhưng một cách hết sức đặc biệt, nghĩa là sao?

(Còn tiếp)


[1] X. https://catechesis.net/lich-su-cac-hinh-thuc-tu-tri-chuong-mot/

[2] X. Elisabeth Charpy-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 10

[3] X. Elisabeth Charpy-Tiểu sử thánh Louise de Marillac, trang 36-37

[4] HĐGMVN- Bộ Giáo Luật 1983, điều 731

[5] Louise de Marillac-BTTL trang 793

[6] Coste II, trang 258

[7] X. Nữ tu Alphonsa Richartz – Louise de Marillac, trang 58

[8] Louise de Marillac – BTTL, trang 760-761 ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *