fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 02.6.2023 – THỨ SÁU TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

02.6.2023 – THỨ SÁU TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

Mc 11,11-26

“Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc…” (Mc 11,17b)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Giáo họ kia chuẩn bị mừng lễ Bổn Mạng. Cuộc họp thật sôi nổi: các ý kiến về cỗ tiệc, khách mời, văn nghệ, làm kiệu, rước kiệu…thật rôm rả. Đến phần ý kiến về việc tĩnh tâm và xưng tội, ai nấy im re. Khi được mời đích danh để nêu ý kiến thì ai cũng bận, không tham dự được. Cuối cùng, Thánh Lễ mừng Bổn Mạng giáo họ vẫn diễn ra long trọng và tiệc mừng linh đình. Mọi người quan tâm bàn tán về món ăn ngon hay dở, ai hát hay, ai mặc đẹp, rồi khoe hình chụp, chẳng ai nói gì về vị thánh Bổn Mạng mà họ mừng kính.

Thái độ chú trọng đến hình thức mà bỏ qua cái chính yếu là đời sống cầu nguyện, là tôn thờ Thiên Chúa thật lòng, không chỉ ngày nay mới có. Thời ngôn sứ Samuel, khi dân Israel đến “Nhà Đức Chúa”[1] để tế lễ, có những tư tế chỉ quan tâm chọn lấy phần thịt ngon để thưởng thức, cả khi người ta chưa đốt mỡ con vật để làm lễ tiến dâng.[2]

Đến thời Chúa Giêsu, đền thờ Giêrusalem đã có những khu vực dành riêng cho từng giới rất quy mô, tráng lệ. Nhưng người ta đã lạm dụng nơi thánh để kinh doanhh, chứ không phải để cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa. Khi thấy cảnh mua bán, đổi chác như họp chợ diễn ra tại phần sân được dành riêng cho dân ngoại, Chúa Giêsu không khỏi đau lòng và phẫn nộ. Người đuổi những kẻ đang mua bán ra khỏi đó, lật bàn của những người đổi bạc, xô ghế của những kẻ bán bồ câu, trả lại ý nghĩa và chức năng nguyên thuỷ cho nơi thánh “là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc”, chứ không riêng của người Do thái.

Làm sao dân ngoại – những người chưa nhận biết Chúa, có thể cầu nguyện và gặp gỡ Chúa giữa cảnh mua bán, tranh tụng và cãi vã, gian lận và tính toán thiệt hơn ở sân Đền thờ? Làm sao Kitô hữu có thể gặp gỡ Chúa giữa trăm ngàn mối lo cơm-áo-gạo-tiền, nếu không biết dành riêng cho Chúa một khoảng lặng trong cõi lòng, và những giây phút trầm lắng trong mỗi ngày sống? Làm sao chúng ta có thể chăm chú cầu nguyện nơi nhà thờ, nếu lòng chúng ta không ý thức và khao khát gặp gỡ Chúa, không có sự chuẩn bị về trang phục, thời giờ và tâm tình cho xứng hợp?

Quan tâm chăm sóc ngôi thánh đường của giáo xứ, giáo họ là điều tốt, lo cho con cái lãnh nhận các Bí tích là việc cần thiết, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng là phải chăm sóc Đền thờ tâm hồn của mình và dạy con cái sống các Bí Tích đã lãnh nhận. Vào những dịp lễ lớn, thay vì chỉ lo áo quần, chụp hình kỷ niệm và tiệc tùng linh đình bên ngoài, chúng ta nên dạy con cái cầu nguyện và hy sinh, tập luyện, noi gương các nhân đức của Đức Mẹ và các thánh Bổn mạng. Thay vì bắt con cái học thuộc kinh như con vẹt, cha mẹ cần đọc kinh chung và dạy con cái cầu nguyện tự phát như cha mẹ thánh Têrêsa Hài Đồng đã dạy các con của họ.[3]

Với Đức Maria, việc Mẹ yêu quý Đền thờ Giêrusalem và các Hội đường Do thái là điều dễ hiểu. Bởi đó là nơi Mẹ đến cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa; nơi Mẹ được dâng cho Thiên Chúa và sống thời niên thiếu; nơi Mẹ dâng Con yêu dấu và làm các thủ tục để chu toàn Lề Luật; nơi mỗi năm Mẹ cùng với thánh Giuse và Chúa Giêsu đi hành hương, nơi lưu dấu kỷ niệm Mẹ lạc mất và tìm được Con giữa các thầy tư tế… Nhưng Mẹ còn có một Đền thờ khác vô cùng tráng lệ và rực rỡ là chính tâm hồn Mẹ, nơi cả Ba Ngôi Thiên Chúa hằng yêu thích ngự trị.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ, tôi chuẩn bị tâm hồn đón rước Chúa vào lòng và xa lánh dịp tội, để Chúa luôn ngự trị trong tôi.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con dọn dẹp linh hồn cho sạch mọi tội lỗi và thói quen xấu, trang điểm đền thờ tâm hồn con với các nhân đức, hy sinh, với hương thơm của lời cầu nguyện và tâm tình yêu mến mỗi ngày. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] 1Sm 1,7

[2] X. 1Sm 2,12-17

[3] Truyện Một Tâm Hồn, phần I. https://linhmucmen.com/kho-sach-quy/mot-tam-hon-thanh-nu-teresa-hai-dong-giesu-quyen-i-215.html

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *