21.7.2023 – THỨ SÁU TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 12,1-8
“…Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế…” (Mt 12,7)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Hồi ấy, vua Sa-un ganh ghét và muốn giết Đa-vít. Đa-vít phải đi trốn nhà vua, đem theo vài người thuộc hạ, nhưng không có lương thực. Đa-vít vào Nhà Đức Chúa xin bánh. Các tư tế chỉ có bánh trưng hiến, là bánh dành cho các tư tế chứ người ngoài không được ăn. Thế nhưng, vì nhu cầu khẩn cấp để cứu đói, tư tế đã cho Đa-vít và các thuộc hạ ăn bánh trưng hiến.[1]
Khi Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, đem theo các môn đệ. Họ đói bụng nên bứt lúa dọc đường đi để ăn, nhưng những người Pharisêu bắt lỗi. Thật ra, Luật cho phép người ta bứt lúa hay hái trái ven đường để ăn cho đỡ đói. Nhưng người Pharisêu đã “xé to” hành động “bứt lúa” thành “gặt lúa”, và “vò lúa trong tay” thành “xay lúa”, rồi bảo đó là những việc “không được phép làm trong ngày sa-bát”.
Chúa Giêsu đã trưng dẫn việc “Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến” (c.4) khi ông và thuộc hạ cần lương thực, cũng như luật cho phép “các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sa-bát mà không mắc tội”(c.5), để họ thấy rằng: Lề Luật chỉ được đặt ra nhằm mục đích đem lại sự sống và ơn cứu độ cho con người, để đưa con người đến việc nhận biết tình thương của Thiên Chúa.
Đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện, mà còn có thể miễn xá luật lệ vì con người, huống chi là chính sự hiện diện của Thiên Chúa: “Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa”. Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa đang hiện diện, và Người có quyền trên tất cả. Nhưng Chúa chỉ thi thố quyền năng để cứu độ con người, vì “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”[2].
Lề luật của Chúa không dựa trên những quy tắc, nhưng dựa trên lòng nhân từ bao dung. Lề luật được lập ra vì lợi ích của con người nên điều gì tốt và cần thiết cho con người thì được phép làm. Ngày nay, chúng ta nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật, để bồi dưỡng sức khỏe thân xác và chăm sóc đời sống thiêng liêng cho linh hồn, thờ phượng và tôn kính Thiên Chúa. Tuy nhiên, ta không nên nại vào sự nghỉ ngơi của bản thân mà bỏ qua việc giúp đỡ anh chị em mình. Có nhiều người, cách riêng những bạn trẻ Công Giáo, đã tận dụng ngày nghỉ Chúa Nhật để thăm viếng những người khuyết tật, người già neo đơn, đem thức ăn, giặt quần áo, dọn dẹp hoặc sửa lại túp lều xiêu vẹo cho họ. Đó là những việc làm rất ý nghĩa, giúp người nghèo nhận biết tình thương của Chúa.
Tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật là luật buộc, nhưng nếu phải cấp cứu bệnh nhân ngay giờ đó, hoặc vì chăm sóc bệnh nhân nằm liệt mà không có người thay thế, thì không mắc tội. Điều quan trọng là “phải nhìn ra Chúa nơi những người ấy…phải lưu ý đến tất cả những gì cần thiết đối với họ, những gì có thể làm để giúp họ”, Thánh Vinh Sơn Phaolô đã dạy các con cái của ngài như vậy.[3]
Có thể nói: mỗi ngày sống đối với Đức Maria đều là ngày Chúa Nhật, vì Mẹ luôn sống với Chúa và mọi người bằng những cử chỉ quan tâm đầy trìu mến. Bất cứ nơi nào Mẹ hiện diện, ở đó mọi người đều được tràn đầy niềm vui và bình an: tại nhà bà Êlizabeth, tiệc cưới Cana…
Trong những lần hiện ra với Chị Thánh Catherine Labouré, Mẹ đều nhắn nhủ những lời yêu thương, nâng đỡ, an ủi và khích lệ. Tuy nhiên, Mẹ cũng yêu cầu các chị em tuân giữ quy luật hơn[4]. Tuân giữ luật lệ là biểu hiện của đức tin và tình yêu mà mỗi chúng ta có đối với Thiên Chúa qua việc sống với tha nhân.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Tôi tận dụng ngày Chúa Nhật để nghỉ ngơi, chăm sóc đời sống thiêng liêng và quan tâm hơn đến những người lớn tuổi trong gia đình, trong khu xóm.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết tận dụng thời gian hiện tại, để sống gần gũi với Chúa hơn, biết thi hành luật Chúa với tâm hồn yêu mến và quan tâm chăm sóc mọi người trong gia đình, cách riêng những người già yếu… Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. 1Sm 21,2-7
[2] Hs 6,6
[3] BNC ngày 31.7.1634
[4] Thánh nữ Catherine Labouré, số 67, trang 49.
()