fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – TINH THẦN TRUYỀN GIÁO CỦA THÁNH GIOAN GABRIEL PERBOYRE

TINH THẦN TRUYỀN GIÁO CỦA THÁNH GIOAN GABRIEL PERBOYRE:
MỘT MINH HOẠ QUÝ GIÁ CHO CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO VINH SƠN NGÀY NAY

Từ trái sang:
Thánh Jean Gabriel Perboyre, CM (1802-1840)
Thánh François Régis Clet, CM (1748-1820)

Vào tuần trước, chúng ta đã thấy xuất hiện một bài viết gây xôn xao giữa các thành viên thuộc các ngành trong Gia Đình Vinh Sơn. Bài viết đó trình bày về thánh Gioan Gabriel Perboyre, một vị tử đạo ở Trung Hoađã trở thành Đấng bầu cử cho các bệnh nhân của Đại dịch viruscorona, dựa theo cách thức và nơi chốn tử đạo của ngài. Hôm nay chúng tôi muốn đưa ra một vài suy ngẫm về mẫu gương sống mà ngài để lại cho mỗi nhà truyền giáo Vinh Sơn, cho dù ngài có là một Đấng bầu cử hay không.

Giới thiệu


Hai tấm bia mộ là những lời nhắc nhở còn lại
về những gì các nhà truyền giáo đã phải chịu đựng ở những vùng đất xa lạ,
 chỉ vì muốn công bố tình yêu của Thiên Chúa.

Đó là vào năm 2000, khi tôi lần đầu tiên đến thăm Vũ Hán, Trung Hoa, nơi thánh Gioan Gabriel Perboyre chịu tử vì đạo. Dưới sự phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ đang diễn ra xung quanh thành phố, chúng ta gần như không thể tìm lại và nhận ra những địa điểm quan trọng mà thánh Perboyre đã thực hiện trong những ngày cuối đời của ngài. Thật là một niềm an ủi cho tôi khi nhìn thấy tấm bia mộ của ngài và của thánh François Régis Clet được dựng lên một cách kín đáo ở phía sau của một tòa nhà Đại chủng viện (hiện đã đóng cửa) như một nỗ lực thầm lặng nhằm giữ lại ký ức về các ngài vốn dĩ đã bị xóa nhoà nơi các Kitô hữu bản xứ. Hai tấm bia mộ là những lời nhắc nhở còn lại về những gì các nhà truyền giáo đã phải chịu đựng ở những vùng đất xa lạ, chỉ vì muốn công bố tình yêu của Thiên Chúa. Bài viết ngắn này phản ánh tinh thần truyền giáo của thánh Gioan Gabriel Perboyre như là một minh hoạ giá trị cho các nhà truyền giáo Vinh Sơn trong thời buổi hiện đại.

Yếu đuối nhưng mạnh mẽ

Tình trạng sức khỏe yếu nhược của Perboyre đã không quyết áp chế được trạng thái tinh thần của ngài – bởi lẽ tinh thần ấy đã lấp đầy những thiếu sót về thể chất. Mặc dù sức khỏe yếu kém, một vài lần ngài đã xin đi truyền giáo và bị từ chối vì lý do mà ngài đã biết rõ, mãi cho đến khi bác sĩ cho phép ngài làm như vậy vào năm 1835. Ngài biết rằng thể lực là cần thiết cho sự khắc nghiệt của việc truyền giáo. Hải trình từ Pháp đến Trung Hoa thực sự cần khả năng chịu đựng về thể chất vì các con tàu bị lèn chặt rất dễ trúng các loại bệnh khác nhau. Hơn nữa, hành trình từ Macao đến các vùng nội địa của Trung Hoa đòi hỏi sự bền bỉ và sức mạnh thể chất, bởi lẽ phải mất nhiều tháng đi bộ và đi thuyền mới có thể đến đích. Những khó khăn của việc đi lại thực sự đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài. Thực ra, ngài đã bị ốm khi đến Hồ Nam, trạm truyền giáo đầu tiên của ngài. Tuy nhiên, tinh thần truyền giáo đã giúp ngài vượt qua tất cả các điều kiện khắc nghiệt của chuyến đi biển, của hành trình trên đất liền và của cuộc sống gian khổ ở các vùng truyền giáo trên lãnh thổ Trung Hoa. Ngài đã viết: “Sau những nỗ lực và khó nhọc to lớn, tôi đã leo lên đến ngọn núi cuối cùng. Nhưng ở đây tôi không thể làm gì hơn. Khi chứng kiến ngọn núi trước mặt, tôi chợt nhớ ra rằng tôi đang đeo một cây thánh giá nhỏ, một cây thánh giá đi kèm với đặc ân của Con đường Thập giá. Đây chắc chắn là một cơ hội để tôi gắng sức và đạt được nó.” Perboyre đã sống sót qua tất cả những trở ngại này bởi vì ngài có sức mạnh nội tâm bù đắp cho những thứ mà sức mạnh thể chất của ngài còn thiếu – sức mạnh tinh thần và cảm xúc. Ngày nay, một nhà truyền giáo cần nhiều sức mạnh tinh thần và cảm xúc hơn là sức mạnh thể chất, ngõ hầu chịu đựng sự căng thẳng của một người ngoại quốc cũng như những đòi hỏi cao độ của sứ vụ và áp lực từ những kỳ vọng. Một khi thiếu những sức mạnh này, người ta sẽ khó tìm thấy ý nghĩa cho những tranh đấu mà mình phải đối mặt trong công cuộc truyền giáo. Những khó khăn trong sứ vụ truyền giáo ngày nay không nảy sinh từ những điều kiện sống khắc nghiệt cho bằng từ những căng thẳng cảm xúc về nỗi cô đơn cũng như từ sự mệt mỏi tinh thần của chủ nghĩa cá nhân. Là những nhà truyền giáo Vinh Sơn, chúng ta được mời gọi trở nên mạnh mẽ như thánh Vinh Sơn Phaolô đã mô tả, khi ngài ca ngợi các nhà truyền giáo ở Madagascar vào ngày 24 tháng 7 năm 1655: “Vâng, Tu Hội Truyền Giáo có thể làm mọi sự vì chúng ta mang trong mình quyền năng vô hạn của Chúa Giêsu Kitô, và do đó, không ai có thể tha thứ về sự bất lực; chúng ta hẳn sẽ luôn có nhiều sức mạnh hơn khi cần, nhất là khi thời cơ chín muồi, bởi lẽ khi một người tìm thấy cơ hội, người đó sẽ trở thành một con người mới.”

Xa mà gần

Perboyre phải mất gần năm tháng mới có thể đặt chân đến Macao – cách Pháp khoảng tám ngàn dặm. Tuy nhiên, thách đố lại không nằm ở khoảng cách vật lý mà là ở sự khác biệt lớn về văn hóa, ngôn ngữ và lối sống. Hãy tưởng tượng làm thế nào mà một nhà truyền giáo người Pháp như Perboyre, vốn dĩ đã quen thuộc với ẩm thực và cách ăn uống của Pháp, lại có thể lần đầu tiên phải ăn cơm bằng đũa. Hãy tưởng tượng nhiều hơn nữa về sự khác biệt vô cùng của ngôn ngữ. Mặc dù Perboyre nhận thức vùng truyền giáo mới của mình cách xa nơi mà ngài đã đến, nhưng ngài vẫn cảm thấy thân thuộc bởi vì tâm hồn ngài đã sẵn sàng cho những khác biệt to lớn như vậy. Ngài mang trong mình tinh thần thích nghi – một thái độ vô giá của một nhà truyền giáo tốt lành. Ngài đã viết thư cho anh trai: “Giá mà anh có thể nhìn thấy cảnh tượng thú vị của em hiện giờ trong trang phục Trung Hoa, đầu cạo trọc, bím tóc dài, để ria mép, nói ngọng nghịu thứ ngôn ngữ mới, ăn bằng đũa thay vì dao, nĩa và thìa. Họ nói em trông rất giống người Trung Hoa. Đó là nơi chúng ta phải bắt đầu: trở nên mọi sự cho mọi người. Ước chi chúng ta có thể theo cách thức này mà quy tụ tất cả bọn họ về cho Chúa Kitô.”

Ngày nay, ngay cả các vùng truyền giáo xa xôi nhất cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa và quốc tế hóa – nơi đó, các nhà hàng hỗn hợp cùng tồn tại, tinh thần đa tạp được chấp nhận, các ngôn ngữ lộn xộn được sử dụng – tuy nhiên, người dân địa phương vẫn có một mong muốn sâu sắc là người nước ngoài hiểu biết và thích nghi với những gì người dân địa phương đề ra. Thách đố đối với các nhà truyền giáo ngày nay là làm thế nào để quen thuộc với bất cứ điều gì do môi trường mới đặt ra, chỉ khi đó, người ta mới có thể bắt đầu thấy rõ những điều phù hợp với sự hội nhập văn hoá. Thích nghi là một thái độ cần thiết cho hội nhập văn hoá, và Perboyre là một minh hoạ cho chúng ta.

Sợ hãi nhưng quyết tâm

Ngài đã nghe nói và biết rõ rằng các lãnh thổ mà ngài tình nguyện đi truyền giáo thì đầy tính thù địch. Đó là một giai đoạn nguy hiểm đối với người ngoại quốc khi ở giữa những người Trung Hoa vốn nghi ngờ về sự can thiệp và ảnh hưởng của nước ngoài. Thập giá và đức tin được cho là ngoại lai, và do đó là xấu xa. Ngài biết chắc hậu quả có thể có của công việc truyền giáo cũng như sự hiện diện của mình nếu bị bắt. Perboyre chắc chắn sợ hãi những gì ngài đã nghe được về các cuộc bách hại và những gì đã xảy ra với các nhà truyền giáo trước đó, nhưng ngài đã chọn ra đi và ở lại – không phải vì ngài liều lĩnh mà vì ngài quyết tâm.

Ngày từ đầu, việc truyền giáo nước ngoài đã luôn bị xem là không thân thiện, không phải vì môi trường bên ngoài của vùng truyền giáo mà vì những lo lắng, nghi ngờ và định kiến ​​đang vật lộn bên trong chúng ta. Những nỗi sợ hãi có thể ngăn cản quyết tâm của chúng ta, những nghi ngờ có thể làm tê liệt con tim chúng ta, sự lo âu có thể gây áp lực lên ý chí chúng ta – tất cả những điều này chỉ nhằm kiểm chứng quyết tâm của chúng ta. Tuỳ thuộc chúng ta có để cho mình bị khuất phục trước những nỗi sợ hãi và nghi ngờ này hay không thôi. Những lời của Perboyre gửi cho người cha của mình là một lời nhắc nhở tuyệt vời cho tất cả chúng ta: “Nếu chúng ta phải chịu tử đạo, thì đó sẽ là một hồng ân đến từ Thiên Chúa tốt lành; đó phải là điều đáng ao ước chứ không phải sợ hãi.”

Bị ngăn trở nhưng vẫn tự do

Trong nhiều trường hợp, Perboyre thấy mình bị ngăn trở thực hiện các công việc truyền giáo. Lúc đầu, ngài bị Bề trên ngăn cản đi Trung Hoa vì lý do sức khỏe. Sau đó, ngài bị hạn chế rất nhiều trong khi thực hiện công việc truyền giáo vì lý do an ninh. Hơn nữa, rào cản ngôn ngữ và văn hóa đã gây trở ngại một cách nào đó cho công việc của ngài. Tuy nhiên, một tinh thần truyền giáo thực sự đã làm cho ngài được tự do bởi vì không gì có thể kìm hãm tinh thần này.

Chúng ta có thể tìm thấy nhiều lý do hạn chế công việc truyền giáo nước ngoài. Những lý do có thể xuất phát từ trong cộng đoàn của chúng ta hoặc có thể đến từ môi trường truyền giáo. Các Tỉnh dòng luôn có lý do để không gửi các nhà truyền giáo ra nước ngoài vì nhu cầu tại địa phương rất cao. Các quản trị viên Tỉnh dòng có thể cân nhắc nghiêm túc việc thiếu nhân sự. Những người khác có thể lập luận rằng các công việc ở vùng truyền giáo nước ngoài không nhiều so với ở địa phương. Nhiều người khác có thể nói rằng việc học một ngôn ngữ khác là rất khó khăn. Một khi thiếu tinh thần truyền giáo nước ngoài trong mỗi Tỉnh dòng hoặc mỗi thành viên, thì người ta sẽ luôn luôn có lý do để ngăn cản. Yếu tố lớn nhất ràng buộc chúng ta là chính chúng ta.

Hơn nữa, nhà truyền giáo có thể cảm thấy bị choáng ngợp bởi những ngăn trở mà môi trường mới đặt ra trong khi thi hành sứ vụ – thiếu kỹ năng và nguồn lực, luật pháp và chính sách nghiêm ngặt, cấu trúc xã hội và văn hóa địa phương không thể chấp nhận được – đó chỉ là một vài yếu tố có thể ràng buộc nhà truyền giáo. Tuy nhiên, một khi có tinh thần truyền giáo thực sự, người ta sẽ cảm nhận được sự tự do. Ngôn ngữ không thể hạn chế chúng ta giao tiếp khi chúng ta biết sử dụng ngôn ngữ tình yêu. Thiếu kỹ năng và nguồn lực không đủ là lý do vì tinh thần truyền giáo thực sự thì sáng tạo. Rào cản pháp lý, chính trị hoặc tôn giáo không phải là trở ngại khi Chúa đứng về phía chúng ta. Thật vậy, nhà truyền giáo đích thực thì tự do mặc dù có nhiều rào cản.

Hai mươi năm trước, khi đứng trước bia mộ của thánh Gioan Gabriel Perboyre và thánh François Régis Clet, tôi đã thầm cầu xin các ngài bầu cử cho tôi biết đào sâu tinh thần truyền giáo của mình. Ít lâu sau đó, hành trình truyền giáo của tôi đã bắt đầu.

 22 Tháng Tư, 2020

Ferdinand Labitag, CM
Giám tỉnh, Tỉnh dòng Trung Hoa

Đến từ Tỉnh dòng Philippines, cha Labitag đã tham gia truyền giáo tại Tỉnh dòng Trung Hoa từ năm 2002.
Nguồn:   vinhson.net


NHỮNG BÀI LIÊN QUAN:

  1. THÁNH JEAN-GABRIEL PERBOYRE
  2. CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU VÀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA THÁNH JEAN-GABRIEL PERBOYRE
  3. LỜI KINH CỦA THÁNH JEAN-GABRIEL PERBOYRE

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *