fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – 13.9.2023 – THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

13.9.2023 – THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,20-26

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em.” (Lc 6,20)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Truyện kể một hoàng tử nọ đem lòng say mê một cô gái nghèo miền quê. Sợ rằng cô gái tránh né vì mặc cảm, chàng hóa trang thành một người nghèo, đến làm thuê cho một người trong vùng để tìm cách gần gũi cô gái. Khi đám cưới được tổ chức, cô gái nghèo kia và mọi người mới biết được thân thế thật sự của chàng. Cô gái không chỉ trở nên giàu có, mà còn được danh giá, vinh dự… Ai cũng bảo rằng cô có phúc được hoàng tử để mắt tới.

Có thể nói, cái phúc của những người nghèo, đói khát, sầu khổ… trong Tin Mừng hôm nay còn vượt xa cái phúc của cô gái quê ấy, bởi khi chịu đựng những khốn khó ấy với lòng nhẫn nại, cậy trông vào Chúa, họ được Thiên Chúa đoái thương, chúc phúc và được chính Ngài làm gia nghiệp. Chúa Giêsu không bảo rằng muốn hạnh phúc thì phải nghèo, phải khổ, phải khóc, phải đói, phải khát… Chúa biết cuộc sống con người là một chuỗi vui-buồn-sướng-khổ liên kết với nhau: muốn tồn tại phải mất đi, muốn sống phải chết, muốn hạnh phúc phải trải qua đau khổ. Đó là triết lý cho cuộc sống thường ngày, đối với Kitô hữu biết chiêm ngắm con đường Chúa đã đi qua sẽ hiểu và tập sống phản ứng đức tin trước những cảnh huống của cuộc đời.

Chúa Giêsu đã nói đến nghèo khó, hiền lành, dám chấp nhận khổ đau vì Chúa, yêu thích lối sống chính trực, xót thương đồng loại, sống trong sạch và xây dựng hòa bình. Đây là những đức tính nơi “Người Nghèo của Thiên Chúa”, là những người nhận Chúa làm gia nghiệp đời mình, hoàn toàn tin tưởng, phó thác, nương tựa vào Chúa, biết sống cho Thiên Chúa và cho đồng loại. Họ ý thức rằng họ không thể tìm được hạnh phúc đích thực khi dựa vào con người, thế lực trần gian và của cải vật chất chóng qua đời này nhưng chỉ nơi Thiên Chúa Vĩnh Cửu muôn đời.

Chúa Giêsu không chủ trương cổ võ sự bần cùng đói khát, nhưng Chúa yêu thương những người phận nhỏ, nghèo hèn, thống khổ… Chúa chúc phúc và ban Nước Trời cho họ. Một hạnh phúc tuyệt vời và lạ lùng mà sự khôn ngoan thế gian không thể nghĩ ra được. Chính Chúa Giêsu đã trải nghiệm tất cả mọi nỗi khốn khổ, buồn sầu, bị bách hại, bỏ rơi và chết bất công hơn hết mọi người, và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu là sự Phục Sinh khải hoàn. Chúng ta cần có sự “Nghèo Khó Nội Tâm” để thoát khỏi mọi ràng buộc trần gian, để hướng về Chúa và mở rộng lòng mình đón nhận nguồn hạnh phúc bất diệt là chính Thiên Chúa.

Thường khi gặp gian nan khốn khó, hiểm nguy, túng cực…, chúng ta dễ nghĩ mình đang bị Chúa bỏ rơi, rằng Chúa quên tôi rồi, tại sao chúa để tôi khổ thế này mà Chúa không thấy sao? Nhưng nếu nhìn vào Chúa Hài Nhi nơi máng cỏ, hoặc ngước nhìn lên Chúa bị đóng đinh vào thánh giá, ta sẽ thấy Chúa đang ở gần mình hơn bao giờ hết. Chúa đã trở nên giống ta và làm cho ta nên giống Chúa. Như thế, ta sẽ được an ủi và cậy trông, tín thác, đầy tin tưởng để cho Chúa dẫn dắt mình.

Đức Maria là đại diện của những tâm hồn nghèo khó luôn biết cậy dựa vào Chúa, chọn Chúa làm gia nghiệp. Mẹ ý thức sâu xa sự “đói nghèo” nội tâm của mình là “phận nữ tỳ hèn mọn” để hoàn toàn cậy dựa vào Chúa: “Xin Chúa cứ làm cho tôi…” và khi cảm nghiệm được “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu”, Mẹ đã vui mừng hát lên bài ca ngợi khen Chúa vì “Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư…[1]

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Noi gương Mẹ Maria, tôi

  • Tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh và lắng nghe điều Chúa muốn nói với tôi “tại đây, lúc này”.
  • Quan tâm và quảng đại giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật, neo đơn…

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con sống khiêm hạ và phó thác như Mẹ, không cậy dựa vào bất cứ điều gì ngoài Chúa, biết làm vơi đi gánh nặng và khổ đau của những người nghèo đói, khốn cùng chung quanh con. Amen.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] Lc 1,46. 47. 52. 53

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *