fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 363 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 3

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN

 Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ hai

 MỘT ĐỨC TIN

ĐƯỢC UỐN NẮN LẠI

 

Tôi có quen một tiến sĩ nổi tiếng, là người đã từ lâu bảo vệ đức tin công giáo … với tư cách một nhà thần học, mà ông đã thể hiện trong một giáo phận nọ. Vì hoàng hậu Marguerite quá cố đã gọi ông đến ở bên cạnh bà do kiến thức và lòng đạo đức của ông, nên ông buộc phải rời bỏ việc làm của mình; và vì ông không còn giảng thuyết cũng không còn dạy giáo lý nữa, nên ông bị tấn công, trong hoàn cảnh này, bởi một cơn cám dỗ gay gắt chống lại đức tin…Chuyện gì xảy ra sau đó? Cuối cùng Chúa tỏ lòng thương xót ông tiến sĩ đáng thương này, khi ông lâm bệnh, trong một khoảnh khắc ông được giải thoát khỏi mọi cơn cám dỗ ấy; bổng nhiên bóng tối được lấy ra khỏi cặp mắt tâm trí ông; ông bắt đầu nhìn thấy tất cả các chân lý đức tin, mà lại hết sức rõ ràng đến nỗi có thể cảm nhận và thấy chúng tỏ tường; và cuối cùng ông qua đời, trong lúc dâng lên Chúa những lời cảm tạ thiết tha vì Chúa đã cho phép ông lâm vào các cơn cám dỗ ấy, để rồi kéo ông chỗi dậy với biết bao thuận lợi và đã ban cho ông những tình cảm hết sức lớn lao và hết sức tuyệt vời về các mầu nhiệm của tôn giáo chúng ta (XI, 32-34).

…Để tôn vinh Đức Giêsu Kitô nhiều hơn,

…ngài phải hiến thân suốt đời vì tình yêu Chúa để phục vụ người nghèo.

Ai quen thuộc với Cha Vinh Sơn cũng đều biết điều này, đó là câu chuyện ấy liên quan trực tiếp đến ngài, vì nhờ người viết tiểu sử đầu tiên của ngài, Đức Cha Abelly (1664), mà chúng ta biết được rằng người chạy tới cứu giúp nhà thần học kia chính là vị thánh của chúng ta, cho dù sự tường thuật được gán cho một người thứ ba. Cha Vinh Sơn lo cho nhà thần học ấy và tự nguyện làm nạn nhân thay cho người ấy. Nhưng Vinh Sơn, đến lượt mình, lại rơi vào tình trạng ngờ vực và xao xuyến. Ngài trải qua một đêm tối đức tin thật sự, trong sáu tháng hay bốn năm. Ngài viết Kinh Tin Kính, đặt tấm giấy trên trái tim ngài, để bàn tay lên chỗ ấy trong những cơn nguy khốn về tinh thần như thế. Ngài biết cái giá phải trả của đức tin. Dần dà, một ý tưởng được hình thành trong tâm trí ngài: đó là đi phục vụ người nghèo. Ngài đi tới bệnh viện các Sư Huynh Bác ái, các Thầy dòng thánh Gioan Thiên Chúa. Vì thế, “một hôm, ngài có một quyết tâm kiên vững và bất khả xâm phạm, đó là, để tôn vinh Đức Giêsu Kitô nhiều hơn, và để bắt chước Người cách hoàn hảo hơn bao giờ hết, ngài phải hiến thân suốt đời vì tình yêu Chúa để phục vụ người nghèo” (Abelly L.III, ch. I, 118-119). Sự cam kết này, như một lời khấn, sinh ra một hiệu quả tức khắc, đó là cơn cám dỗ biến mất ngay tức khắc. Đức tin của ngài được đổi mới sâu sắc trở nên mạnh mẽ và như được tinh luyện lại.

Nhưng đức tin ấy như thế nào mà thúc đẩy thánh Vinh Sơn đạt tới sự chín chắn như vậy?

Đó là một đức tin giản dị. Nơi ngài không có sự xuất thần cũng không có thị kiến. Hình như ngài chỉ có một thị kiến duy nhất, đó là khi thánh nữ Jeanne de Chantal trút hơi thở cuối cùng vào năm 1641: ngài chứng thực “đã thấy một quả cầu lửa nhỏ xuất hiện từ dưới đất và bay lên tới vùng cao của không khí để sáp nhập vào một quả cầu khác lớn hơn và sáng hơn, rồi hai quả cầu chỉ còn là một, bay lên cao hơn nữa, để đi vào và sáng rực lên trong một quả cầu khác vô cùng lớn hơn và sáng hơn, và có tiếng nói bên trong ngài bảo rằng quả cầu thứ nhất là linh hồn Mẹ đáng kính của chúng ta, quả cầu thứ hai là linh hồn Cha Phanxicô Salêsiô chân phúc của chúng ta, còn quả cầu kia là thần tính, rằng linh hồn Mẹ đáng kính của chúng ta đã kết hiệp với linh hồn Cha chân phúc của chúng ta, và hai linh hồn này kết hiệp với Chúa, là nguyên lý tối thượng của các ngài” (XIII, 127). Nếu ngài làm chứng như thế, chính là vì muốn trung thực về mặt trí thức và đạo đức nhưng ngài thà khẳng định mạnh mẽ sự ngờ vực của ngài đối với tất cả các trường hợp thái quá : “những cảm xúc mãnh liệt về Thiên Chúa”, “óc tưởng tượng nóng lên“. Các thái độ này thật đáng “nghi ngờ” đối với ngài. Rõ ràng là ngài muốn có một lòng đạo đức với tay áo vén lên để hành động.

Từ đó nảy sinh phương diện thứ hai được đức tin của ngài tiếp nhận: đó là đức tin biến đổi cuộc sống. Nơi ngài mọi sự đều là tính năng động, nhịp sống hằng ngày, các việc làm, các cuộc nói chuyện, thư tín của ngài; ngài sâu sắc hướng theo sự kiện. Cuộc sống làm cho trở nên hoạt động và khoẻ mạnh, tùy theo hoàn cảnh.

Có thể nói đúng là chính Chúa đã làm ra Tu hội các Chị em …

Chính Chúa chứ không phải tôi…

Ngài nói về sự ra đời của Tu Hội Truyền giáo: “Ôi! Điều ấy không phải do con người, mà là do Thiên Chúa. Làm sao anh em có thể cho là do con người điều mà ngay cả lý trí con người không hề biết trước và điều mà ngay cả ý chí con người không hề ước muốn cũng không hề tìm kiếm?” (XII, 7). Hôm khác, ngài gợi nhớ thuở ban đầu của Tu Hội Nữ tử Bác ái: “Có thể nói đúng là chính Chúa đã làm ra Tu hội các Chị em … Chính Chúa chứ không phải tôi… (IX, 208).

Nếu ngài đã từng chịu đau khổ lâu dài trong bóng tối thiêng liêng, thì giờ đây ngài biết rằng đức tin đem lại cho ngài sự bình an và niềm vui. Cơn thử thách có tính tẩy sạch nhưng cũng có tính huấn luyện; ngài đã có nhiều khả năng hơn để hiểu các tâm hồn và trở thành tông đồ của lòng trắc ẩn và thương xót. Điều này được thể hiện trong các thư ngài gởi cho Cô Louise de Marillac, vốn hay bối rối, mà ngài phải hướng dẫn tới sự thanh thản, chẳng hạn như trong đoạn huấn dụ này: “Hãy trút bỏ khỏi tâm trí Cô tất cả những gì làm cho Cô đau khổ, Chúa sẽ giúp Cô. Cô cũng đừng hấp tấp làm việc này, sợ rằng làm mất lòng Chúa (có thể nói được như vậy), bởi vì Chúa sẽ thấy Cô không đặt sự tin tưởng thánh nơi Chúa để Chúa được tôn vinh đúng mức. Cô hãy phó thác vào Chúa, tôi van Cô, và điều mà lòng Cô ước ao sẽ được thực hiện. Tôi xin nói lại một lần nữa, Cô hãy loại bỏ tất cả các ý nghĩ ngờ vực mà thỉnh thoảng Cô cho phép lọt vào tâm trí Cô. Và tại sao linh hồn Cô không tràn đầy tin tưởng trong khi linh hồn Cô là người con yêu dấu của Chúa chúng ta vì lòng thương xót Chúa?” (I, 90). Thánh Vinh Sơn dùng hết thư này đến thư khác để từ từ gieo sự tin tưởng vào lòng thánh nữ Louise, và cuối cùng hoán cải được thánh nữ đến mức độ biến đổi thánh nữ thật sự thành linh hoạt viên thiêng liêng ngang hàng với ngài.

Đức tin của ngài cuối cùng trở nên đúng đắn. Không có gì quá đáng nơi ngài. Ngài có khả năng nâng đỡ tu viện trưởng Saint-Cyran chống lại các điều độc ác cũng như tố giác mạnh mẽ các sai lầm của thuyết Jansénius. Và ngài viết cho cha quản hạt Senlis đang bị lạc giáo này cám dỗ: “Chờ cho Chúa sai một thiên sứ đến soi sáng cha nhiều hơn, thì chắc chắn Chúa sẽ không làm điều này; Chúa giao cha lại cho Giáo Hội, và Giáo Hội họp ở Trente giao cha lại cho Tòa Thánh, về vấn đề đang bàn, như nó được giải quyết trong chương cuối của công đồng này. Chờ cho thánh Augustinô trở lại khuyên nhủ mình, thì Chúa nói với chúng ta rằng: nếu người ta không tin vào Kinh Thánh, thì người ta càng ít tin vào những gì kẻ chết sống lại nói với chúng ta. Và nếu có thể vị thánh ấy trở lại, thì chính ngài sẽ phục tùng Đức Thánh Cha nữa, như trước kia ngài đã làm (VI, 268).   

Chỉ có các chân lý vĩnh cửu mới có thể đổ đầy trong lòng chúng ta

 và dẫn dắt chúng ta một cách chắc chắn

Sự nhấn mạnh của ngài vẫn còn chính đáng: phải bắt đầu với đức tin và ngài nói thêm: “Chỉ có các chân lý vĩnh cửu mới có thể đổ đầy trong lòng chúng ta và dẫn dắt chúng ta một cách chắc chắn” (Abelly, L.III,ch.II, 8-9). 

Ngài thích dùng kinh tin của một người anh em trong tu hội đang hấp hối: “Con muốn chết như một kitô hữu chân chính… Ôi lạy Chúa! Con tin tất cả các chân lý mà Chúa đã mạc khải cho Hội Thánh Chúa; con xin lặp lại tất cả các kinh tin mà con đã đọc trong cuộc đời con, và vì có lẽ chúng không có mọi điều kiện cần thiết, nên con xin lặp lại tất cả các kinh tin của các tông đồ, các thánh hiển tu và thánh tử đạo, v.v….” (II, 347). 

(Còn tiếp)

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *