fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 363 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 13

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN

 Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ mười hai

BIẾN CỐ,

NGUỒN CẢM HỨNG VÀ HÀNH ĐỘNG

Các Cha Truyền giáo của chúng ta ở đất Barbarie và các Cha ở Madagascar, họ đã làm gì? họ đã thực hiện điều gì? họ đã làm được gì? họ đã chịu đựng điều gì? Có một Cha đơn độc làm việc trên một thuyền chiến mà thỉnh thoảng có hai trăm tù khổ sai: Cha giảng dạy, giải tội chung cho người khoẻ, người bệnh, ngày và đêm, trong mười lăm ngày; rồi Cha đãi tiệc mời họ, đích thân Cha đi mua một con bò, rồi nhờ người ta làm thịt; Cha tổ chức yến tiệc đãi họ; Cha làm việc như vậy một mình! Đôi khi Cha vào các trang trại có người nô lệ làm việc, và Cha đi gặp các ông chủ để xin phép được giảng dạy các nô lệ đáng thương kia; Cha kiên nhẫn dạy cho họ biết Chúa, giúp cho họ có thể lãnh nhận các bí tích, và cuối cùng, Cha đãi tiệc nhỏ mời họ … Các Cha Truyền giáo này giảng thuyết, giải tội, dạy giáo lý liên tục từ 4 giờ sáng cho tới 10 giờ, và từ 2 giờ trưa cho tới khuya; thời giờ còn lại, là đọc kinh nhật tụng, là thăm viếng bệnh nhân. Đó là những người thợ, những nhà truyền giáo đích thực! … Nếu chúng ta không làm được gì một mình, thì chúng ta có thể làm mọi sự với Chúa. Vâng, Tu Hội Truyền giáo có thể làm mọi sự bởi vì chúng ta mang trong mình mầm mống quyền toàn năng của Đức Giêsu Kitô (XI, 203-204).

            Nếu có một sự rõ ràng nào đối với Cha Vinh Sơn, thì đó chính là: Chúa nói với chúng ta. Và Chúa nói với chúng ta bằng Lời Chúa và bằng các biến cố. Chúa luôn luôn biểu lộ với chúng ta một điều gì đó bổ ích và biểu tượng dành cho những ai mong muốn nhận sứ điệp của Người. Ngay cả hôm nay, đi theo Người, chúng ta được mời gọi sống như những quan sát viên luôn luôn cảnh giác để quan sát “các dấu chỉ của thời đại”. Việc tham chiếu Phúc Âm và Công đồng đặt chúng ta trong tình trạng báo động. 

Thánh Vinh Sơn đã xây dựng hành trình thiêng liêng và tư tưởng sâu sắc của ngài trên các biến cố. Chúng đã đánh những dấu mốc trong cuộc đời ngài, như trong đời sống Tu Hội Truyền giáo mà chúng ta vừa thấy ở đó có sự chuyển dịch từ lòng nhiệt thành của vài Cha Truyền giáo sang niềm phấn khởi tập thể.   

Chúng ta hãy gặp lại ngài vừa tới Paris năm 1608. Bị vu khống trộm cắp, ngài trải nghiệm sự bất công: biến cố này tạo thành vết nhăn sâu nơi ngài. Khi ngài làm cha xứ Clichy, năm 1611, thì biến cố này đánh thức nơi ngài khuynh hướng mục vụ nhạy cảm. Khi ngài trải qua đêm tăm tối khoảng năm 1613, thì biến cố này làm cho ngài đổi mới. Khi ngài chạy đến bên giường một người đang hấp hối, năm 1617, để nghe người ấy xưng tội lần cuối, thì biến cố này thúc đẩy ngài phải có những sự lựa chọn mục vụ; cũng vậy tại Châtillon.   

Năm 1617, lắng nghe một người đang hấp hối xưng tội lần cuối,

 Ngài được thúc đẩy phải có những lựa chọn mục vụ để cứu rỗi các linh hồn…

Một lần nữa, chúng ta hãy nhìn ngài tiếp nhận ngân quỹ gia đình Gondi để thành lập tu hội mới của ngài: biến cố này củng cố ngài trong việc làm; ngài nói chuyện ngẫu nhiên, trên chiếc xe ngựa, với Đức Giám mục Beauvais, Đức Cha Pottier, và đây là câu trả lời đầu tiên cho ứng viên các chức thánh: biến cố này đã kéo ngài ra khỏi những con đường đất nện rồi. Ngài gặp một cô quý tộc trẻ, Louise de Marillac, vừa mới ra khỏi các ngờ vực của mình và đang tìm sự thăng bằng: biến cố này quan trọng đối với tương lai các Nữ tử Bác ái. Vào một ngày khi Chị Marguerite Naseau trình diện để phục vụ người nghèo, “được thúc đẩy bởi một sự linh hứng mạnh mẽ của trời” (IX,77), thì biến cố này sáng chói và nhanh chóng mở ra con đường cho các Nữ tử Bác ái đầu tiên: “Chính Thiên Chúa đã làm tất cả“, ngài lặp lại. Cũng vậy đối với thuở ban đầu của công trình các Trẻ em bị bỏ rơi: “Ôi! các Chị mang ơn Chúa biết chừng nào vì Chúa đã ban cho các Chị nguồn cảm hứng và phương tiện đáp ứng các nhu cầu lớn lao của Chúa” (XIII, 805). Người ta còn có thể giải thích như vậy các công trình khác của thánh Vinh Sơn, đối với: người ăn xin, các tù nhân, tù khổ sai, người nô lệ, người tỵ nạn, các bệnh nhân, bệnh nhân tâm thần, trẻ mồ côi, nạn nhân lũ lụt, người lưu vong. Ngài là một người lính canh trong tư thế luôn luôn cảnh giác về tất cả mọi sự. 

Chứng kiến một gia đình nghèo đói bệnh tật sắp chết hết,

ngài kêu gọi giáo dân mở lòng ra…

Nhưng ngài không phải chỉ có tính thực dụng và cụ thể vì nguồn gốc Gascogne và nông dân của ngài. Ngài còn sống mãnh liệt trên bình diện nội tâm: các kinh nghiệm thiêng liêng khiến ngài xem các biến cố như là sứ giả mang thông điệp và nhất là như sự hiện diện hoạt động của Đức Giêsu Kitô. Ngài đích thân giải mã biến cố này hay sự kiện kia đối với hai biến cố lớn nhất, sáng lập Tu Hội Truyền giáo của ngài và sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, ngài khẳng định: “Chính Thiên Chúa chứ không phải tôi…” (IX, 208 và XII, 9) và chúng ta thấy ngài ngây ngất vì các kỳ công của Chúa: “Anh em thân mến, bấy giờ có ai nghĩ rằng Chúa đã có ý định, qua Tu Hội Truyền giáo, làm điều tốt đẹp mà, nhờ ơn Chúa, chúng ta thấy Tu Hội làm?… Bấy giờ có ai biết mình muốn phục vụ đến nỗi đi tới các nông trại ở tận cuối xứ Barbarie (Bắc Phi), tìm các kitô hữu nô lệ đáng thương, để kéo họ nếu không phải ra khỏi một hỏa ngục, thì ít nhất cũng ra khỏi một luyện ngục? Và bấy giờ có ai biết mình còn muốn phục vụ tại biết bao nhiêu chỗ khác, như chúng ta thấy Chúa làm?” (XI, 171). Chúa hoạt động, thế là đủ rồi!   

Vì thế, chúng ta thấy rõ xuất hiện hai hậu quả: biến cố vừa là chỗ hiện ra mạc khải của Chúa vừa là chỗ hành động của con người; Chúa luôn luôn hiện diện hành động và nâng đỡ mỗi người và những ai mà người nầy đảm trách. Jean Morin viết: “Cha Vinh Sơn đọc biến cố như đọc Phúc Âm, và hoàn toàn cũng nhiều như Phúc Âm, biến cố soi sáng và nuôi dưỡng đức tin của ngài” (tuyển tập Vinh Sơn, số 3, tr. 14). Nơi Thánh Vinh Sơn Phaolô dưới ảnh hưởng kitô giáo, chính Louis Déplanque nhận thấy: “Chúa thường xuyên hoạt động. Chúa hiện diện trong hàng ngàn đường quanh co của các tình huống mà Vinh Sơn đương đầu. Chúa cũng hiện diện trong bản chất hay thay đổi của đời sống và Chúa thích ứng hành động của Chúa với các quy luật của đời sống” (tr. 65).

Vinh Sơn có xu hướng tự nhiên ít hay nhiều coi trọng những biến cố bất chợt xảy đến. Một người nào đó có thể mù, người ấy cảm nhận bàn tay Chúa và rút ra mọi hiệu quả. Cũng vậy trong vụ thua kiện trang trại Orsigny. Trang trại này là một số vốn rất quan trọng cho người nghèo. Sau khi ân nhân qua đời, các người thừa kế đưa đơn kiện và thắng kiện. Lúc tình hình nóng bỏng, Vinh Sơn phản ứng trước mặt anh em tập họp lại như sau: “Lạy Chúa, chính Chúa đã tuyên án; xin Chúa làm cho bản án này không thể đổi lại; và để không hoãn lại việc thi hành án, ngay bây giờ chúng con xin hiến dâng điều này cho Chúa” (XII, 54). Và sau đó, ngài thốt lên: “Ôi! nếu đẹp lòng Chúa, xin cho sự mất mát nhất thời này được đền bù bằng một sự gia tăng lòng tin tưởng vào Chúa Quan phòng, phó thác vào sự hướng dẫn của Chúa, từ bỏ nhiều hơn các điều trần tục, cũng như từ bỏ chính mình, ôi lạy Chúa!…” (XII, 56).

            Lời kêu xin Chúa Quan phòng này là thông thường nơi Cha Vinh Sơn. Ngài biết cần sống theo nhịp độ của mình, đi theo “bước chân của mình“, đi chậm, chứ đừng “lấn bước“, sống luôn luôn sẵn sàng và tin tưởng. Phần còn lại chỉ là sự sôi sục trên bề mặt. 

 (Còn tiếp)

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *