fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 363 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 14

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN
Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ mười ba
LINH MỤC
PHỤC VỤ MỌI LINH MỤC

Tính chất của các linh mục là thông phần vào chức linh mục của Con Thiên Chúa, Đấng đã cho họ khả năng hiến tế chính Mình Thánh Chúa và ban cho họ Mình Thánh Chúa làm lương thực, để ai ăn thì được sống đời đời. Đây là một tính chất hoàn toàn thần linh và tuyệt hảo, một quyền năng trên Mình Thánh Chúa Kitô mà các thiên thần ngưỡng mộ, và quyền tha tội loài người, đối với họ, là một lý do lớn để kinh ngạc và biết ơn. Có gì cao cả hơn và đáng thán phục hơn không? Ôi! các Cha thân mến, một linh mục tốt là điều hết sức quan trọng! Một giáo sĩ tốt không làm được gì sao! Ngài không làm cho biết bao nhiêu người hoán cải sao!… Hạnh phúc của kitô giáo tùy thuộc các linh mục… (XI, 7)

Đoạn văn này nổi tiếng trong văn học vinh sơn. Nó dễ dàng đưa chúng ta vào đặc điểm trỗi vượt của thánh Vinh Sơn Phaolô: ngài là linh mục của Đức Giêsu Kitô và, dĩ nhiên, là linh mục trọn vẹn cho người nghèo. Hành trình linh mục của ngài là một tiếng gọi nhỏ nhưng mạnh dần lên, nếu chúng ta chấp nhận nó chỉ từng bước hòa nhập vào ơn gọi linh mục đích thực, như người ta quan niệm ở thế kỷ XVII, ngay cả khi tinh thần Công đồng Trente thức dậy.

            Ơn gọi được đề nghị với ngài. Với tính khí hoạt động và đam mê, Vinh Sơn nhận sự thách thức này; ít ra ngài cũng được “gọi”! Ngay từ năm 1613, có thể nói được rằng ngài là một linh mục tốt và một mục tử nhiệt thành. Ngài đã nội tâm hóa và cá nhân hóa ơn gọi của mình, trở thành một người cầu nguyện, một người chuyên cần đọc các tác giả thiêng liêng, một nhà thuyết giảng xuất sắc, một giáo lý viên lỗi lạc và được nhiều linh mục và giáo dân sốt sắng bao quanh. Ngài đã từ việc đón nhận một đề nghị bước sang dự định làm linh mục, từ một ý định thoáng qua bước sang một ý chí kiên vững và bền bỉ: ngài có thể cầu nguyện như sau:Ôi lạy Chúa, xin ban cho chúng con tinh thần chức linh mục của Chúa mà các tông đồ và các linh mục đầu tiên theo sau các ngài đã có ; xin ban cho chúng con tinh thần đích thực của tính thánh thiêng Chúa đã đặt vào các ngư dân nghèo, các thợ thủ công, người nghèo thời ấy, mà nhờ ơn Chúa, Chúa đã truyền đạt tinh thần cao cả và thần linh này; vì, lạy Chúa, chúng con cũng chỉ là những kẻ ốm yếu, những người cày ruộng và nông dân nghèo; và trong chúng con, những kẻ khốn khổ, có sự cân xứng nào với một chức vụ hết sức thánh thiện, hết sức lỗi lạc và hết sức thần linh như thế không!” (XI, 308). 


Nếu biết trước bậc sống giáo sĩ là gì khi táo bạo bước vào đó…
thì chẳng thà tôi đi cày ruộng
còn hơn là dấn thân vào một bậc sống đáng sợ đến thế! (TVS)

Năm 1617, người ta chỉ có thể thấy ngài chuẩn bị tốt về mặt thiêng liêng để lãnh nhận sứ mạng. Ngài biết mình có tất cả mọi sự đều là nhờ ơn Chúa, điều này được tiết lộ qua các tâm sự của ngài. Về một người bà con đang hướng tới chức linh mục, ngài viết cho người đồng hương, kinh sĩ Saint-Martin: “Đối với tôi, nếu biết trước bậc sống giáo sĩ là gì khi táo bạo bước vào đó, như tôi đã biết nó là gì kể từ khi tôi chịu chức linh mục, thì chẳng thà tôi đi cày ruộng còn hơn là dấn thân vào một bậc sống đáng sợ đến thế” (V, 568).

            Các dòng chữ này chứng tỏ ý thức nhạy bén của ngài về sự cao cả của chức linh mục. Ngài hạ mình xuống chỉ để tán dương nhiều hơn tính tuyệt hảo của chức linh mục. Và như vậy, ngài thở không khí của thời đại ngài. Tại Paris, ngài sát cánh với các người tiền phong của Trường phái linh đạo Pháp, tất cả đều qui tụ xung quanh Bérulle là người nhìn thấy linh mục như là “một Kitô khác”.

Vì thế, ngài rất quí trọng bí tích Truyền Chức thánh: “Không có gì cao cả hơn một linh mục, mà Đức Kitô ban cho mọi quyền năng trên thân thể tự nhiên và thân thể nhiệm mầu của Người, quyền tha tội, v.v… ” (XII, 85). Linh mục làm cho cả Nhiệm Thể sinh động, ngài dạy cho biết Nhiệm Thể; ngài là nhân tố hợp nhất, hòa giải và ngài cầu nguyện với những người thuộc về mình. Đường lối tuyệt hảo để trở nên thánh và đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Tư tế … Tất cả mọi người, linh mục cũng như giáo dân, đều được kêu gọi đi trên con đường ấy. Nhưng các linh mục thì một cách đặc biệt, thi hành chức vụ, như Đức Kitô, với hai nhân đức lớn:”thờ phượng Chúa Cha và yêu thương loài người” (VI, 393). Thờ phượng và truyền giáo, đó là hai chủ đề thật sự của Bérulle. Linh mục như vậy, theo thánh Vinh Sơn, cử hành thánh lễ với một lòng hết sức kính trọng: “Chúng ta cử hành thánh lễ hình thức thì chưa đủ; chúng ta còn phải dâng hy lễ này với một lòng sùng kính nhất mà chúng ta có thể có được, tùy theo thánh ý Chúa, đồng hình đồng dạng bao lâu Chúa ở trong chúng ta, nhờ ơn Chúa, với Đức Giêsu Kitô hiến dâng chính mình, khi còn ở trần gian, làm hy lễ cho Chúa Cha hằng hữu” (XI, 93). Linh mục xây dựng nhất là Nhiệm Thể Đức Kitô với công việc mục vụ của mình, bằng cách vác lấy gánh nặng khốn khổ của dân: “Vì thế, những người nghèo này giúp ích cho chúng ta; trong khi họ làm việc, đấu tranh chống các nỗi khốn khổ, thì chúng ta là những Mô Sê phải liên tục giơ tay lên trời cầu nguyện cho họ” (XI, 202).   

 
Các linh mục thi hành chức vụ, như Đức Kitô,
với hai nhân đức lớn:”thờ phượng Chúa Cha và yêu thương loài người“.

Vinh Sơn không tách rời linh đạo linh mục với linh đạo người chịu phép rửa; ngài lặp đi lặp lại rằng Tu Hội của ngài gồm có “giáo sĩ và giáo dân” cùng đi theo một con đường chung cho các kitô hữu vì các thành viên của Tu Hội đều theo “đạo Thánh Phêrô“. Ngài không tách rời một linh đạo có thể chỉ có thực chất linh mục với một linh đạo mục vụ, truyền giáo. Là anh em với nhau, theo ngài, phản chiếu phẩm giá của phép rửa và tô đẹp toàn thể Tu Hội của ngài theo chiều hướng này. Sau khi làm rõ điều ấy, thánh Vinh Sơn giữ một linh đạo linh mục, định hướng nó tới những người mà anh em ngài phải huấn luyện, như các tiến chức và các tham dự viên các cuộc Hội thảo ngày Thứ Ba. Ngài muốn họ trở thành huấn luyện viên.

            Việc đào tạo linh mục thật quan trọng! Nhu cầu mới đòi hỏi con người mới. Nhu cầu cấp bách các chủng viện là điều thiết yếu cho một linh đạo linh mục chiếu sáng. Ngay từ năm 1631, ngài lo cho các tiến chức và năm 1641, ngài mở một chủng viện đầu tiên ở Annecy. Kể từ nay, đào tạo linh mục tốt trở thành mối bận tâm lớn của ngài: “Anh em sẽ không thiếu giáo sĩ nếu anh em cố gắng nâng họ lên trong tinh thần đích thực của bậc sống của họ, gồm có cách riêng là đời sống nội tâm, cầu nguyện và việc thực hành các nhân đức… nhất là huấn luyện họ có lòng đạo đức vững vàng và sùng kính… Chúng ta phải là những bình nước đầy để có thể đổ nước ra mà không cạn kiệt, và chúng ta phải có tinh thần mà chúng ta muốn truyền đạt cho họ để họ được sinh động hóa bằng tinh thần này; vì không ai có thể cho điều mình không có” (IV, 597).

            Thực ra, đây là vấn đề phần rỗi của tất cả mọi người, nhất là những thành phần của Giáo Hội không được ai yêu thương. Đây là kiểu huấn luyện đặc thù Vinh Sơn, nhất là trong sự quan tâm có cân nhắc dành cho người nghèo: “Giáo Hội cần có những linh mục tốt, họ sửa chữa biết bao nhiêu điều ngu dốt và tệ nạn đầy dẫy trên trái đất, và họ tách Giáo Hội đáng thương này ra khỏi tình trạng tồi tệ mà vì đó các tâm hồn ngay lành phải khóc chảy nước mắt máu” (XII, 85).

Sự nhận xét này ăn khớp với hành trình thiêng liêng của Vinh Sơn, nó vừa kết hợp hành động của ngài và đóng dấu nhân cách của ngài đến mức độ bắt buộc chúng ta phải hết sức thành thật tự chất vấn: “Người nghèo không phải là chi thể đau khổ của Chúa chúng ta sao? Họ không phải là anh em chúng ta sao? Và nếu các linh mục bỏ rơi họ, thì anh em muốn ai giúp đỡ họ?” (XII, 87).

(Còn tiếp) ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *