fbpx

THÁNG MÂN CÔI – CÙNG MẸ CHIÊM NGẮM CÁC BIẾN CỐ CỦA CHÚA GIÊSU

Tháng 10 kính Đức Mẹ đã đến, gợi lên trong tâm hồn nhiều tín hữu công giáo, cách riêng tại Việt Nam, niềm hân hoan mong chờ họp nhau lần chuỗi Mân Côi để cùng với Đức Maria chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc loài người chúng ta. Trong các biến cố này luôn có sự liên kết của Đức Mẹ. Những buổi đọc kinh chung như thế trong suốt tháng 10 này, làm dấy lên một bầu khí đạo đức và huynh đệ trong các gia đình và toàn giáo xứ. Đây là một việc đạo đức đã được thẩm quyền tối cao của Giáo Hội, từ nhiều thế kỷ qua, luôn tán thành và cổ võ.

Thật vậy, ngoài các vị Giáo Hoàng của những thế kỷ trước đã chuẩn nhận kinh Mân Côi, cơ cấu hóa, thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi…Đến sau công đồng Vatican II Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, đã ban hành Tông Huấn Marialis Cultus dành riêng cho việc tôn sùng Đức Maria: “Mặc dù rõ ràng mang đặc tính Thánh Mẫu, kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện có tâm điểm là Chúa Kitô. Nơi những yếu tố bình dị của mình, kinh Mân Côi chất chứa tất cả những gì sâu xa của toàn thể sứ điệp Phúc Âm, có thể nói: Kinh Mân Côi là một tổng hợp Phúc Âm”[1].

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ai cũng biết lòng sùng mộ sâu xa của ngài đối với đức trinh nữ Maria và luôn khuyến khích việc đọc kinh mân Côi trong suốt 27 năm làm Giáo Hoàng. Năm 2002, ngài ban hành một tông thư dành riêng cho kinh mân côi và thêm vào 5 mầu nhiệm sự sáng, bao gồm sứ vụ công khai của chúa kitô. Ngài công bố năm mân côi từ tháng 10.2002 đến tháng 10.2003, để mòi gọi các tín hữu “chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô cùng với Đức Maria”.

Đức Bênêđictô XVI cũng ước muốn làm sinh động việc đọc kinh Mân Côi. Năm 2008, ngài nói tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả: “Kinh Mân Côi không phải là một việc đạo đức lỗi thời mà người ta tiếc nhớ. Trái lại, kinh Mân Côi đang trải nghiệm một Mùa Xuân mới. Điều đó chắc chắn là một dấu chỉ hùng hồn nhất nói lên tình yêu của các thế hệ trẻ đối với Chúa Giêsu và Đức Maria, Mẹ Người. Trong thế giới hết sức phân rẽ ngày nay, kinh nguyện này giúp chúng ta đặt Chúa Giêsu vào trung tâm”. 

Đức Thánh Cha Phanxicô, vào tháng 10 năm 2018, ngài xin các tín hữu cầu nguyện với kinh Mân Côi mỗi ngày ngõ hầu Đức Maria cứu giúp Hội Thánh trong một thời kỳ bị đánh dấu bởi những tiết lộ về những lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ, các tu sĩ và giáo dân, gây ra những chia rẽ nội bộ.  Mới đây, trong một tông thư gửi cho hết các tín hữu, được công bố ngày 25 tháng 4 năm 2020, ngài khuyến khích tái khám phá vẻ đẹp của việc đọc kinh Mân Côi tại gia, đọc chung với nhau hay đọc một mình. Ngài còn soạn hai kinh nguyện dâng lên Đức Trinh Nữ, cầu khấn Mẹ Thiên Chúa cứu giúp trước những thách thức và những hoàn cảnh khốn quẫn do đại dịch covid gây ra. Ngài bảo đảm: “Chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô với trái tim của Đức Maria, Mẹ chúng ta, sẽ làm cho chúng ta hợp nhất với nhau hơn xét như là một gia đình thiêng liêng và sẽ giúp chúng ta thắng vượt cơn thử thách”.


Kinh Mân Côi là kinh nguyện đi theo suốt đời tôi.
…Đó là kinh nguyện của tâm hồn tôi”.

Đặc biệt hơn nữa đây là 1 trong 3 mệnh lệnh của Đức Mẹ khi hiện ra ở Fatima là “Hãy Siêng Năng Lần Hạt Mân Côi”, như là một sự chuẩn nhận và thúc đẩy con cái khắp nơi thực hành việc đạo đức tốt lành này.  Thế nhưng trước hết, chúng ta cần phải xác định từ Mân Côi là gì.

  1. Kinh Mân Côi là gì?
  • Trong tiếng La tinh, Mân Côi gọi là Rosarium. Từ “Rosarium” trong tiếng la tinh ban đầu có nghĩa là vườn hoa hồng (tiếng Pháp là Rosaire), sau này chỉ cái vòng hoa hồng mà người ta kết và đặt trên đầu các tượng Đức Mẹ vào thời Trung Cổ. Những bông hoa hồng đó tượng trưng cho các kinh nguyện mà người ta dâng kính Đức Mẹ. Mỗi một hoa hồng tượng trưng cho một kinh Kính Mừng.
  • Cái mà ngày nay chúng ta gọi là xâu chuỗi hay tràng hạt xuất phát từ tiếng pháp “chapelet” có nghĩa là cái mũ nhỏ (“petit chapeau”) cũng có nghĩa là vòng hoa (couronne). Từ đó phát sinh ý tưởng dùng một xâu hạt để cầu nguyện với Đức Mẹ. Tập tục này đã thịnh hành từ thế kỷ thứ 12 và đã được thánh Bênađô (dòng Xi-tô) góp phần phổ biến. Sang thế kỷ 13 thánh Đaminh cũng làm như vậy và truyền cho các tu sĩ trong Dòng đeo một xâu chuỗi ở đai lưng.
  • Kinh Mân Côi được chia thành từng chục và bao gồm 200 kinh. Trước mỗi chục là tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu và Đức Maria, sau đó là đọc một kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và cuối cùng là một kinh Sáng Danh. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4: Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Sự Sáng, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng.
  1. Ý nghĩa và giá trị của kinh Mân Côi

           Trong tông huấn Marialis Cultus (Tôn sùng Đức Maria), Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nêu lên những giá trị của  kinh Mân Côi và sau này là Thánh Giáo Hoàng Gioan- Phaolô II đã triển khai sâu rộng hơn trong tông thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh nữ Maria). Đó là một kinh nguyện dựa trên Tin Mừng: 

  • Kinh Mân Côi nêu lên những mầu nhiệm chính rút ra từ các sách Tin Mừng và các công thức chứa đầy chất Tin Mừng.
  • Kinh Mân Côi giúp việc chiêm niệm, hỗ trợ kinh nguyện phụng vụ.
  • Kinh mân côi đi sát với cuộc đời. Khi cùng với Đức Maria chiêm ngắm cuộc sống của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ qua những chặng đường từ Narareth, Bêlem, Giêrusalem, trong những biến cố vui-sáng-thương-mừng; người tín hữu tìm thấy những bài học cho cuộc sống thường nhật của mình, cũng gồm những vui buồn, âu lo và hy vọng…
  • Vì vậy, lần chuỗi mân côi là cùng với Đức Maria chiêm ngắm Chúa Giêsu trong những biến cố VUI thời thơ ấu, những biến cố tỏa SÁNG thời rao giảng công khai, những biến cố đau THƯƠNG trong cuộc thương khó và những biến cố MỪNG cuộc phục sinh và Giáo Hội sơ khai…Chúng ta cũng đem đến những niềm vui, hạnh phúc và vô số những khó khăn, lo toan, mệt nhọc của cuộc đời mình, đặt vào trái tim giàu lòng thương xót của Chúa Kitô và Mẹ thánh Người: “Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho” (Tv 55, 23).

Sau khi tìm hiểu về kinh Mân Côi, nhất là có sự chuẩn nhận và tán thưởng cổ võ của các Đức Giáo Hoàng xuyên qua bao nhiêu thế kỷ, chúng ta không còn có thể hoài nghi gì về giá trị và sự cần thiết của kinh Mân Côi. Người tín hữu công giáo chúng ta có huấn quyền của Giáo Hội, thay mặt Chúa Kitô dẫn dắt đoàn chiên Chúa, không thể sai lầm về mặt đức tin và luân lý. Chúng ta hãy dành trọn tháng này dâng lên Mẹ tràng hoa Mân Côi, tha thiết cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 16 được bình an và đạt được những kết quả như lòng Chúa mong ước.


[1] Tông Huấn Marialis Cultus, số 153 ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *