fbpx

CÙNG MẸ TÔN VINH THIÊN CHÚA -ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA

Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

“Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí,

 chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ,

 với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su…”[1]

Lời tường thuật trong sách Công Vụ Tông Đồ cho ta thấy ngay từ thuở ban đầu, Đức Maria đã hiện diện trong Giáo Hội, dưới tước hiệu “bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su”. Sau đó, trải qua dòng lịch sử, hình ảnh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, luôn có chỗ đứng trong lòng Giáo Hội, cách riêng trong lòng người tín hữu. Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, nghĩa là Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Con.

Tuy nhiên, từ niềm tin bình dân đến định tín của Giáo Hội là một tiến trình dài của suy tư và sự sống, với những bước thăng trầm… [2]Tới năm 431, công đồng Êphêsô đã tuyên bố: “Các nghị phụ không ngần ngại gọi Ðức Trinh Nữ Maria là “Mẹ Ðức Chúa Trời”. Không phải vì Mẹ đã sinh hạ thiên tính của Ngôi Lời Thiên Chúa. Mà vì nhờ Mẹ mà Ngôi Lời Thiên Chúa mang một thánh thể với một linh hồn có trí năng mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hiệp với trong một Ngôi duy nhất khi sinh hạ trong thể xác”.

Công đồng Vatican II nói về việc tôn kính Đức Maria trong Giáo Hội: “Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính”.[3]

Như vậy, Công Đồng giải thích nền tảng việc tôn kính Ðức Maria là do việc Mẹ được gắn liền với mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Kitô. Việc tôn kính này được gọi là đặc biệt (so sánh với việc tôn kính các Thánh), nhưng xét theo yếu tính thì hoàn toàn khác biệt với việc tôn thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Nói cách khác, việc tôn kính này cần được hiểu trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công của Hội Thánh, chứ không phải trong khía cạnh cứu độ học, vì chỉ duy Đức Giêsu Kitô đem lại ơn cứu độ[4].

Ngày đầu năm dương lịch, Giáo Hội chọn ngày này mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là để tôn vinh Mẹ là Nữ Vương thời gian, một thời gian mới của ân sủng. Thật vậy, qua Mẹ, Thiên Chúa đến khai mạc thời cứu rỗi như lời đã hứa sau khi nguyên tổ phạm tội. Mẹ đã cùng dân tộc Do Thái ngày đêm cầu khẩn Đấng Cứu Thế mau đến. Khi sứ thần tới “truyền tin” và Mẹ thưa “Xin Vâng”, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng Mẹ. Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa ngay từ giây phút ấy và nhân loại bắt đầu một trang sử mới. Con của Mẹ là “Hoàng Tử Hòa Bình”, chúng ta hiệp nhau cầu xin Mẹ chuyển ơn bình an của Thiên Chúa xuống cho nhân loại.

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời,

 cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử.

Mừng lễ này, chúng ta cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa, vì tình thương Ngài dành cho Mẹ, đã chọn Mẹ cộng tác vào kế hoạch cứu chuộc của Chúa; Mẹ đã đáp lời Chúa và đi đến cùng. Chúng ta hãy biết ơn Mẹ và cầu xin: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử.” Lòng biết ơn phải được cụ thể hóa qua việc noi gương Mẹ luôn thuận theo và thi hành thánh ý Chúa với lòng yêu mến. Thánh ý Chúa được thể hiện qua bổn phận hằng ngày trong vai trò của mỗi người trong gia đình, trong giáo xứ, giáo phận…Theo lộ trình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho toàn dân Chúa, năm 2024 thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo Hội [5]. Xin Mẹ ban ơn và “thúc đẩy chúng con nhiệt thành tham gia và cộng tác với các linh mục để xây dựng Giáo Hội và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa đời”[6].

Hiệp thông với Thánh nữ Louise de Marillac, đồng sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái với thánh Vinh Sơn, đã được ơn chiêm ngắm lâu giờ những mầu nhiệm cao cả nơi Mẹ, để tôn vinh Thiên Chúa và dâng lời ngợi ca Mẹ:

Lạy Mẹ Maria, con dâng lời ngợi ca:

Mẹ là con yêu dấu của Thiên Chúa Ngôi Cha,

Mẹ cũng là Thân Mẫu của Thiên Chúa Ngôi Con

Hiền Thê xứng đáng của Đức Chúa Thánh Thần[7].

[1] Cvtđ 1, 14

[2]https://vntaiwan.catholic.org.tw/maria2/methien1.htm

 

[3] LG số 66

[4] X. M. Hạnh Tử, O. Cist. Đức Maria và Niềm Hy Vọng, trang 122

[5] Đức Tgm Giuse Nguyễn Năng, Thư Mục Vụ Gửi Cộng Đồng Dân Chúa Về Giáo Hội Tham Gia, 22.9.2023

[6] Nt

[7] Sr Elisabeth Charpy, NTBA – viết theo bút tích của thánh nữ Louise de Marillac.

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *