fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – NGÀY 03 THÁNG 01

NGÀY 03 THÁNG 01

Ga 1,29-34

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian…”
(Ga 1,
29)

ĐỌC TOÀN BÀI PHÚC ÂM

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

Đối với người Do thái, chiên là một con vật nuôi rất gần gũi, thân thương nhưng cũng không kém phần quan trọng. Nó vừa là lương thực, là tài sản, đồng thời cũng là lễ vật để dâng cho Thiên Chúa trong rất nhiều nghi lễ. Đặc biệt, trong biến cố Vượt Qua, máu của con chiên “không tỳ vết” được bôi trên khung cửa nhà của người Do thái và nhờ đó, họ không bị tai ương tiêu diệt khi Đức Chúa giáng họa trên đất Ai Cập.[1]

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan Tẩy Giả nói với hai môn đệ của ông về Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian…” (c.29). Như thế, Chúa Giêsu vừa là “con chiên Vượt Qua” vừa là Thiên Chúa, chỉ Người mới có thể gánh lấy mọi tội lỗi của con người và xóa bỏ bản án chết cho con người. Thánh Gioan Tông đồ (một trong hai người môn đệ đã nghe Gioan Tẩy Giả nói về Chúa Giêsu và đi theo Người) đã xác tín rằng: “Đức Giê-su đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi,” để chúng ta được thanh sạch và trở nên con cái Thiên Chúa. Hơn nữa, “nơi Người không có tội lỗi. Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội.”[2]

Chính vì thế, chúng ta cần tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ, để được ở lại trong Chúa Giêsu. Nhưng trước khi Rước Lễ, Giáo Hội vẫn dạy chúng ta cầu xin: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con, xin ban bình an cho chúng con.” Ở lại trong Chúa Giêsu không chỉ là đi theo Chúa, mà còn như các Tông Đồ, như Gioan Tẩy Giả nói cho mọi người biết về Chúa Giêsu, để người ta nhận biết và tin theo Người. Đây là một hành trình đi từ ở lại – nhận biết – làm chứng về Người.

Vào thế kỷ 17, Thánh Vinh Sơn Phaolô đã thực sự trở nên môn đệ của Đức Giêsu, khi ngài “ở lại” với Chúa Giêsu, nghĩa là quan tâm trau dồi đời sống nội tâm. Thánh Vinh Sơn cũng dạy con cái sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, để có thể nhận ra Ngài qua những chuyện đời thường, qua những con người đơn sơ khó nghèo, nhiều khi dơ bẩn và rất đòi hỏi. Khi đã có cặp mắt đức tin này, lời cầu nguyện sẽ được thốt ra: “Lạy Chúa, nếu Chúa ở địa vị của con, Chúa sẽ an ủi những người đau bệnh về tinh thần và thể xác này như thế nào?[3] “Nhận biết” được điều Chúa muốn và làm cho người nghèo như vậy, thì đúng là đang “làm chứng” về Chúa Giêsu.

Mẹ Maria được “đẹp lòng Thiên Chúa: vì Mẹ luôn khiêm nhường tự hạ, như một “nữ tỳ hèn mọn” của Chúa. Chính nhờ gắn bó với Chúa Giêsu mà Mẹ được hưởng trước ơn cứu độ, với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chính khi cưu mang Chúa Giêsu trong lòng và trong tâm hồn, Mẹ lại hoàn toàn nương tựa vào Chúa, ở lại trong Chúa, tín thác vào quyền năng và tình thương của Chúa, nhờ đó, sự thanh sạch tinh tuyền nơi Mẹ càng được thánh thóa, tinh luyện và trở nên tuyệt hảo hơn nữa.

Qua Sơ Catherine Labouré, Mẹ dạy chúng ta “hãy đến chân bàn thờ”, nghĩa là hãy năng đến gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, để ở lại với Người và trong Người, nhờ đó ta sẽ biết cách ứng xử trong mọi tình huống khó khăn, để biết nói không với các cám dỗ và luôn sống đẹp lòng Chúa. Đặc biệt, những ai nhờ Mẹ đưa đến với Chúa Giêsu đều được Mẹ dạy sống khiêm nhường và thầm lặng, để Chúa Giêsu được bày tỏ qua cách sống và những việc làm của mình.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:

Nghe lời Mẹ dạy, tôi năng tham dự Thánh Lễ, rước Lễ và viếng Thánh Thể, để được ở lại trong Chúa và ngày càng trở nên khiêm nhường thánh thiện, giống Chúa hơn.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, năng gặp gỡ Chúa, sống âm thầm, kết hiệp với Chúa và luôn cố gắng làm đẹp lòng Người. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

 

[1] X. Xh 12,13

[2] Bài Đọc I, 1Ga 2,29-3,6

[3] SV XI, 348

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *