22.01.2024 – THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN
Mc 3,22-30
“Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha,
mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3,29)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG
Tuần trước, Sách Samuel kể cho chúng ta câu chuyện vua Sa-un và Đa-vít. Vì ganh ghét, vua Sa-un luôn tìm cách hại Đa-vít, nhưng Đa-vít luôn tôn trọng vua Sa-un, vì vua là Đấng được xức dầu. Như thế, Đa-vít tỏ lòng kính trọng chính Đức Chúa, Đấng đã tuyển chọn vua Sa-un. Chính vì thế, khi Đa-vít làm vua, “Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, ở với vua”[1] và giúp vua chiến thắng các kẻ thù của Israel.
Chúa Giêsu, Đấng được gọi là “con cháu Đa-vít”, Đấng luôn có “Thần Khí Đức Chúa ngự xuống trên mình”[2] để Người làm các dấu lạ, chữa bệnh, trừ quỷ…để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối diện với những thành công của Đức Giêsu, có rất nhiều phản ứng và nhận xét khác nhau: dân chúng tin tưởng và đổ xô theo Người để được nghe giảng và được chữa bệnh[3]; nhóm Pharisêu thì cấu kết với phe Hêrôđê để hãm hại Chúa; những người thân thuộc của Chúa lại sợ bị liên lụy nên bảo rằng Người đã mất trí;[4] còn những kinh sư từ Giêrusalem xuống thì nói rằng “Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (c.22).
Đây là mức độ trầm trọng nhất trong những sự xúc phạm đối với Chúa Giêsu, và là sự xúc phạm đến chính Thần Khí Thiên Chúa (là Thánh Thần) ở nơi Người. Chính vì thế, Chúa Giêsu nói: “ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” Sự việc này không chỉ đơn giản là một lời nói, nhưng là sự cố chấp và cố tình chối từ ơn cứu độ mà Đức Giêsu đem đến cho nhân loại. Họ nhất quyết không nhìn nhận những điều tốt đẹp mà Đức Giêsu đã làm là do quyền năng của Thiên Chúa, lại còn bảo những điều đó đến từ ma quỷ. Chúa Giêsu chấp nhận cho người ta chỉ trích mình vì sự thiếu hiểu biết đường lối của Thiên Chúa. Tuy nhiên, những người cố tình không nhìn nhận những hoa trái tốt đẹp của Chúa Thánh Thần mà còn gán cho ma quỷ thì quả là cố chấp trước một sự thật hiển nhiên. Đó chính là sự nhất quyết nhắm mắt bịt tai trước sự thật và ơn cứu độ, là từ chối Thánh Thần.
Cũng thế, cố ý giải thích xấu cho các hành động tốt của người khác, của nhóm khác hay của Giáo Hội, là nói phạm đến Thánh Thần.[5] Có những khi vì ghen ghét, đố kỵ, thành kiến mà chúng ta trở nên cố chấp, không nhìn nhận điều tốt đẹp hiển nhiên, phủ nhận những cố gắng và thiện ý của người mà ta có ác cảm, hoặc dễ “chụp mũ”, nghi ngờ và quy gán tất cả những điều xấu cho người đã từng có sai phạm, cho dù không có chứng cớ… như thế là bôi nhọ, xúc phạm thanh danh người khác.
Mỗi người chúng ta đều là tội nhân, đều cần được Chúa tha thứ, cần ơn cứu độ. Chính vì thế, chúng ta rất cần đến sự trợ giúp và chuyển cầu của Mẹ Maria là Bạn thân thiết của Chúa Thánh Thần. Mẹ được Chúa Thánh Thần bao phủ và nhờ quyền năng của Người, Mẹ đã sinh ra cho nhân loại chính Đấng “đầy quyền năng Thánh Thần”. Vì thế, khi lần chuỗi Mân Côi, mỗi kinh Kính Mừng, chúng ta đều cầu xin Mẹ “cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Thánh Anselmô nói rằng: “Bất cứ ai chạy đến cùng Mẹ Maria đều không thể hư mất được.”[6] Thánh Phêrô Đamianô còn mạnh dạn quả quyết rằng: “Mẹ Maria có thể đem lại hy vọng cứu rỗi cho cả những linh hồn tuyệt vọng nhất.”[7]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ
Tin tưởng vào lòng nhân từ của Mẹ, tôi năng lần chuỗi Mân Côi, đeo Ảnh Mẹ và kêu cầu Mẹ với lời kinh: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy con biết nhìn nhận và tôn thờ Chúa Giêsu, Đấng thanh tẩy và cứu độ chúng con bằng quyền năng Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần cũng bao phủ chúng con, để chúng con luôn được sống trong ơn nghĩa Chúa. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài Đọc I, 2Sm 5,10
[2] X. Mc 1,10
[3] Mc 3,8
[4] Mc 3,21
[5] X. Lời Chúa cho mọi người, trang 1668 phần chú giải.
[6] https://ductinjesus.com/song-dao/nhung-loi-vi-nhan-ca-tung-duc-trich-sach-cuu-roi-p_1.html
[7] https://hddmvn.net/loi-cac-thanh-va-danh-nhan-ca-tung-duc-me/
()