29.02.2024 – THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY
“Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô…
nằm trước cổng ông nhà giàu…”
(Lc 16,20)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Thuở hàn vi, lão với anh Thiếu vẫn thường qua lại với nhau, thế rồi bất ngờ, lão trúng số. Có tiền, lão trở nên bận rộn: đầu tư bất động sản, mua cổ phiếu, mở nhiều chuỗi siêu thị…tiền cứ đẻ ra tiền. Rồi bạn bè tấp nập, mua sắm, du lịch…khiến lão chẳng còn giờ để nghĩ đến anh bạn thân của mình nữa. Trong khi đó, anh Thiếu chỉ toàn gặp rủi ro, đau khổ, bệnh tật…. Nhiều lúc co ro trong chiếc chăn rách, bụng đói cồn cào và toàn thân nhức nhối, anh Thiếu chỉ biết ngửi mùi thức ăn thơm ngon từ nhà hàng xóm cho đỡ thèm và thầm nghĩ – “Thôi thì tạ ơn Chúa đã cho lão được may mắn như vậy, và xin Chúa cũng thương xót thân con…”
Bạn thân mến,
Của cải, tiện nghi giàu sang sung túc tự nó không xấu, nhưng khi con người chỉ biết thu vén và hưởng thụ mà trở nên ích kỷ, nhắm mắt làm ngơ với người anh em đang đau khổ, thiếu thốn bên cạnh mình, thì đó là một trọng tội và tự chuốc lấy đau khổ cho mình. Ông phú hộ đã để tiền bạc và thú vui che mắt, nên không nhìn thấy người anh em Lazarô ngay trước cửa nhà đang cần được giúp đỡ; hay ông cố tình không thấy vì quá tự hào về bản thân, tự cho mình có lý và có quyền hưởng thụ, còn “ai chết mặc ai”!
Thế nhưng ở cõi chết, mọi sự thay đổi ngược lại. Ông phú hộ phải ở trong hỏa ngục, chỉ vì “suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi.” Tiếc thay, cái phước của ông ngắn ngủi biết bao! Ông đã không chọn cái phước mà “Mô-sê và các ngôn sứ” đã dạy, đó là thực thi bác ái và tôn trọng người nghèo. Ngược lại, Lazarô được vào thiên đàng cũng không phải vì nghèo khó, nhưng chính vì anh không có gì để bám víu ngoài Thiên Chúa, nên Thiên Chúa trở nên phần phúc của anh: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân.”[1] Giá như ông phú hộ biết sống liên đới, quan tâm chia sẻ với Lazarô những gì anh cần, thì hẳn là một chiếc cầu đã được nối kết giữa hai bên và đưa cả hai tới Nước Trời.
Thánh Vinh Sơn Phaolô «nhà thần bí của Đức Ái»[2], đã thực hành mệnh lệnh bác ái cách triệt để. Ngài nói rằng: “Làm Kitô hữu mà thấy anh em mình sầu khổ, mà không khóc với họ, không ốm đau với họ! Đấy là không có bác ái; đó là Kitô hữu bánh vẽ; đó là chẳng còn nhân tính nữa; như vậy là tệ hơn súc vật.”[3]
Ngày nay, rất nhiều người nghĩ rằng: “tôi có tiền, tôi có quyền dùng điện, dùng nước sạch tối đa”, thậm chí có những người tự tiện xả rác làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí; mở loa ca hát ồn ào làm ảnh hưởng đến thần kinh của người già yếu, bệnh tật, trẻ em đang sống xung quanh… Mùa Chay mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại cách sống tình bác ái, sự liên đới với mọi người trong từng việc làm của mình.
Đức Maria dạy ta sống tình liên đới cách tuyệt vời: Nghe biết người chị già nua có thai lần đầu và sắp đến ngày sinh, Mẹ vội vã thu xếp việc riêng và dành tất cả thời giờ để đến tận nơi, ở lại phục vụ chị. Tại tiệc cưới Cana, Mẹ thấu hiểu sự bối rối của chủ tiệc và nguy cơ tai tiếng, bất hạnh cho đôi tân hôn. Mẹ đã “gợi ý” với Đức Giêsu và rượu ngon lại tràn trề giữa tiệc cưới. Mẹ luôn thấu hiểu và cảm thông trước những nỗi đau của nhân loại để khẩn cầu Đức Giêsu Con yêu dấu của Mẹ trợ giúp chúng ta.[4]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi quan tâm an ủi, giúp đỡ mọi người xung quanh với tất cả sự thân thương và kính trọng họ.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết quan tâm đến nhu cầu của mọi người và nhạy bén với mọi nỗi đau khổ, để yêu thương phục vụ trở thành con đường đưa con đến gặp Chúa ở đời này và đời sau. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài đọc I, Gr 17,7
[2] Cha Tomaž Mavrič, CM-Thư Mùa Vọng 27/11/2016
[3] VS XII,271
[4] X. Thông Điệp Redemptoris Mater số 21.
()