CHẦU THÁNH THỂ – SAY MÊ CHÚA GIÊSU
Cha Tomaž Mavrič, CM
Vài hàng về tác giả:
Cha Tomaž Mavrič, CM sinh ngày 09.5.1959 tại Buenos Aires, Argentine (Á Căn Đình). Là một thành viên của Tu Hội Truyền Giáo. Từ ngày 05.7.2016, cha được Tổng Đại Hội của Tu Hội Truyền Giáo bầu làm Bề Trên Tổng Quyền, đồng thời cũng trở thành Bề Trên Tổng Quyền của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Sau nhiệm kỳ 6 năm, ngài được tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, năm 2022. Ngài cũng trách nhiệm tổng quát về Gia Đình Vinh Sơn. Hằng năm, ngài thường viết thư vào Mùa Chay, Mùa Vọng, lễ thánh Tổ Phụ Vinh Sơn gửi tất cả các thành viên của hai Tu Hội, các Hiệp Hội của Gia Đình Vinh Sơn và tất cả những ai sống Linh Đạo và Đoàn Sủng Vinh Sơn.
÷÷÷
TU HỘI TRUYỀN GIÁO
NHÀ TỔNG QUẢN
Via dei Capasso, 30 – 00164 ROMA
Tel: +39 06 661 30 61 – Fax: +39 06 661 30 661 – Email: segreteria@cmcuria.org
BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN
Roma, ngày 18.02.2024 – Chúa nhật I Mùa Chay
Gửi tất cả các thành viên của Hoạt Động Gia Đình Vinh Sơn
CHẦU THÁNH THỂ – SAY MÊ ĐỨC GIÊSU
Anh chị em thân mến trong thánh Vinh Sơn,
Ân sủng và bình an của Đức Giêsu Kitô ở cùng chúng ta luôn mãi !
Trong thư ngày 27/11/2016, tôi đã khuyến khích chúng ta suy tư về thánh Vinh Sơn Phaolô với tư cách là « nhà thần bí của Đức Ái ». Từ thư này, khi dựa vào Qui Luật chung và Hiến Pháp của Tu Hội Truyền Giáo, chúng ta đã suy niệm về những gì đã biến ngài thành một nhà thần bí về Đức Ái.
Tại chương 10 của Qui Luật chung, liên quan đến những nền tảng của linh đạo chúng ta, thánh Vinh Sơn gợi ý rằng trong Thánh Thể, anh chị em tìm thấy mọi sự.
Trong Thánh Lễ, Đức Giêsu luôn luôn tự hiến ở đâu đó trên thế giới. Sự hiện diện của Đức Giêsu dưới hình bánh và rượu không bị giới hạn vào thời gian Thánh lễ nhưng được trao ban cho chúng ta qua một món quà vô giá phụ thêm, hiện diện 24g trên 24 trong các Nhà Tạm trên thế giới. Đây không phải là một sự hiện diện nửa giờ, cũng không phải một giờ, nhưng là 24g mỗi ngày, ngày và đêm. Khi đi qua trước một nhà thờ, một nhà nguyện, một nơi chốn có một Nhà Tạm mà Đức Giêsu ở đó, chúng ta có thể hoàn toàn không ý thức, không lưu ý hoặc không nhớ đến Đấng đang hiện diện ở đó, dưới hình bánh, đôi khi chỉ cách vài cây sổ, hoặc ngay tầm tay. Những nhắc nhở hữu hình có thể giúp chúng ta : « Đối với điều thuộc về ngọn đèn trước Thánh Thể, Đức Giêsu, Thiên Chúa của tôi ! chắc chắn cần phải giữ ngọn đèn cháy sáng »,[1] nhưng còn cần giữ lại điều đó chăng.
Trong lịch sử Giáo Hội, từ Thánh lễ đầu tiên, khi Đức Giêsu tự hiến tại nhà Tiệc Ly dưới hình bánh và rượu, có nhiều thí dụ về phép lạ thánh thể xác nhận sự hiện diện thực sự của Giêsu trong Thánh Thể ; có nhiều trường hợp về những người không cần thức ăn nào khác ngoài Thánh Thể để sống ; có vô số cuộc hoán cải vì sự hiện diện thường xuyên của Giêsu trong các Nhà Tạm trên thế giới. Vô số người đã trải qua và trải qua hàng giờ trước Nhà Tạm hoặc khi đặt Mình Thánh Chúa trong mặt nhật, thường không nói gì, không đến với một danh sách thỉnh cầu mà họ có ý định xin Đức Giêsu, nhưng chỉ ở đó với Ngài, trong thinh lặng, cho Đức Giêsu có cơ hội nói khi Ngài muốn và nói điều Ngài nghĩ là thích hợp và cần thiết cho họ.
« Khi chị em đi qua vài làng, chị em chào thiên thần hộ thủ ở nơi đó, và khi xe ngựa đến, chị em hỏi thăm nhà thờ ở đâu, nếu không quá xa. Trong khi một chị dừng lại quán trọ để xem có phòng hay không, các chị khác sẽ đi chầu Thánh Thể»[2].
Một số giáo xứ, nhà nguyện và cộng đoàn tu trì thực hành việc chầu Thánh Thể 24 giờ trên 24. Đôi khi, một nhóm, hoặc thậm chí một người duy nhất, chú ý để Đức Giêsu không bao giờ ở một mình. Đối với một số người, cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu diễn ra giữa đêm, trong khi phần đông ngủ. Đối với nhiều người trong chúng ta, vấn đề có thể đặt ra : làm thế nào những người này có thể ở lại, không phải vài phút, nhưng là hàng giờ trước Nhà Tạm hoặc khi đặt Mình Thánh trong mặt nhật ? Làm thế nào họ có thể làm điều đó ?
Hai câu trả lời đến trong tâm trí tôi :
1) NHỮNG NGƯỜI NÀY TIN VÀO SỰ HIỆN DIỆN THỰC SỰ CỦA ĐỨC GIÊSU DƯỚI HÌNH BÁNH VÀ RƯỢU.
2) HỌ SAY MÊ ĐỨC GIÊSU.
Học giáo lý, tham dự Thánh Lễ hằng ngày hoặc tất cả các Chúa nhật, dự các buổi nói chuyện về đề tài Thánh Thể hoặc đọc các sách về đề tài này, v.v… không đủ để dẫn chúng ta đến việc tin vào sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu dưới hình bánh và rượu và việc say mê Đức Giêsu. Chỉ có nhờ ân sủng, lòng thương xót và tình yêu vô điều kiện của Đức Giêsu. Ngài chờ đợi 24g trên 24, ước mong chúng ta đến viếng thăm Ngài trong thinh lặng nội tâm, chúng ta cởi mở tâm hồn và chúng ta chờ đợi thời điểm mà Ngài xét là thích hợp để bày tỏ cho chúng ta điều Ngài muốn.
Mỗi người chúng ta được mời gọi suy tư cá nhân : đối với hai điểm được nêu ra trên đây, tôi đã thực hiện đến đâu rồi ?
Trong cuộc hành hương đức tin, không phải đáng sợ, nản lòng hoặc thậm chí không thích hợp khi nhận thức rằng tôi chưa ở trong tình trạng mà tôi muốn. Tôi không được lung lay vì những nghi ngờ mà tôi mang trong mình từ nhiều năm. Điều quan trọng nhất không phải là điều tôi nghĩ về chính mình, nhưng là điều Đức Giêsu nghĩ về tôi !
Đức Giêsu chờ đợi chúng ta 24g trên 24, vào mọi lúc, dù chúng ta đang ở trong tình trạng nào, với những nghi ngờ, niềm vui hoặc nỗi buồn mà chúng ta đem đến với Ngài. Thánh Vinh Sơn khuyên : « sau khi chầu Thánh Thể và sau khi dâng cho Ngài công việc mà các chị sẽ làm, các chị sẽ xin Ngài ân huệ nói với những bệnh nhân nghèo điều Ngài ao ước bày tỏ cho họ nhân danh Ngài vì ơn cứu độ của họ»[3].
Cùng với những cuộc viếng thăm đều đặn Đức Giêsu trong Nhà Tạm, với việc chầu Thánh Thể đều đặn của chúng ta, Đức Giêsu bắt đầu phá đổ những bức tường và những trở ngại, và bắt đầu đổ tràn đầy chúng ta sự bình an nội tâm của Ngài, mở tâm trí chúng ta để bước đến thời điểm mà chúng ta sẽ có thể, không do dự, đáp lại Ngài cách tích cực. Thánh Vinh Sơn đưa ra một thí dụ rất cụ thể về điều đó : « khi người ta nói điều gì bất lịch sự mà chúng ta khó chịu đựng, thì không phải trả lời, nhưng nâng lòng lên Thiên Chúa để xin Ngài ơn chịu đựng điều đó vì tình yêu Ngài,và đi đến trước Thánh Thể, nói với Chúa chúng ta nỗi đau buồn của mình»[4].
Khi viết những dòng này, tôi nhận ra khoảng cách phân chia tôi với hai điểm nêu ra trên đây. Tôi tin chắc rằng, đối với tất cả chúng ta, một câu trả lời tích cực là điều kiện cơ bản của một cuộc hoán cải bền vững, kéo theo mọi phương thế thiêng liêng khác trợ lực chúng ta trong cuộc hành hương của chúng ta.
Tôi muốn trình bày gương mẫu của một giáo dân mà tôi đã gặp cách đây vài năm ở Roma. Chứng từ đời sống của ông phản ảnh cách lạ lùng hai điểm nêu ra trên đây.
Ông tên là Arnoldo, ông đã lập gia đình và có ba con. Ông rất nổi tiếng ở Ý và xa hơn. Ông xuất thân từ một gia đình người Ý có uy tín. Với tư cách là triết gia, nhà văn, thi sĩ và thầu khoán, tương lai của ông đầy hứa hẹn. Tuy vậy, ông đã từ bỏ mọi sự để chuyên tâm vào một tổ chức gọi là « Ngôi nhà tâm trí và nghệ thuật ». Người vợ và ba người con, 14, 12 và 9 tuổi, nghe ông nói điều này : « Rất tiếc, tôi phải đi nói chuyện với Đức Giêsu ». Đây là vài suy nghĩ của ông về Đức Giêsu, Thánh Thể và tình yêu Thiên Chúa [5]:
Theo dòng năm tháng, luôn luôn và mỗi ngày, hoặc ít ra vô số lần, có tương quan này với Đức Kitô, hiện diện trong Thánh Thể… Ngài thực sự hiện diện trên thế giới. Ngài biểu lộ trên thế giới. Từ mỗi Nhà Tạm.
Tôi tin rằng chính tình yêu Thiên Chúa chạm đến tôi. Và điều đó luôn luôn làm tôi ngạc nhiên. Khi tôi ít chờ đợi nhất điều đó, khi tôi cảm thấy ít xứng đáng nhất với tình yêu của Ngài, Ngài chạm đến tôi, đưa bàn tay ra cho tôi, làm cho tôi nhận thấy Ngài yêu mến tôi biết bao. Luôn luôn chính Ngài đưa bàn tay ra cho chúng ta… Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa là một người yêu « luôn luôn đứng ở cửa nhà chúng ta », chờ đợi chúng ta hé mở cửa cho Ngài.
Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô để lại dấu ấn trong chúng ta mãi mãi. Cũng giống như một vết thương mở. Khi Đức Kitô tác động đến chúng ta, làm tổn thương chúng ta, con người bắt đầu chết vì tình yêu, bị tiêu hao vì tình yêu… Tôi chỉ chắc chắn say mê Ngài, vì Ngài đã chạm đến tôi, vì tôi cảm thấy rằng « vết thương mở » này đem lại một ý nghĩa cho đời sống, vì không bao giờ có ai đã chạm đến tôi sâu xa như Ngài, không ai đã đi đến nơi sâu thẳm nhất của tâm trí tôi, khi vuốt ve nó, như Đức Kitô đã làm.
Ngài, trong Nhà Tạm, Ngài, hiện diện trong Thánh Thể, ngự xuống nơi sâu thẳm của tâm hồn để làm thỏa lòng ước nguyện của nó… Nói như vậy, Thánh Thể truyền thể chất và tinh thần của một thứ nhựa sống âm thầm, Thánh Thể thúc đẩy một sự lưu thông thứ hai trong đó một dòng máu huyền nhiệm, một dòng máu yêu thương đang tuần hoàn.
Đức Kitô trong Thánh Thể luôn luôn ở trên thập giá và đồng thời sống lại : Ngài tiếp tục tận hiến, cho đến tận cùng thời gian, để cứu thoát mỗi người… Thập giá và Thánh Thể là hai « cớ vấp phạm » phi lý đối với não trạng thế gian vì hai việc này mặc khải tuyệt đỉnh của tình yêu… Thánh Thể tác động trên lương tâm nhân loại và biến đổi nó thành tình yêu.
Việc rước lễ trước tiên là một cảm nghiệm, không phải là một nghi thức, và một cảm nghiệm giả thiết phải có một tương quan, một ý muốn, một sự hiểu biết và một con tim đối diện với sự hiện diện của Thiên Chúa, mà người ta tin là Thiên Chúa nhờ đức tin.
Nếu tôi không rước lễ trong vài ngày, tôi nhớ Thánh Thể. Thánh Thể là một nhu cầu, người ta không thể chống lại. Hãy lấy đi mọi sự của tôi, nhưng đừng lấy đi Thánh Thể. Bất cứ cám dỗ nào, bất cứ tội lỗi nào cũng không thể làm cho tôi từ bỏ Thánh Thể.
Chầu Thánh Thể, thăm viếng Đức Giêsu tại Nhà Tạm
Được gợi ý nhờ nhiều gương mẫu của những người mà chứng từ giúp chúng ta đào sâu đức tin cá nhân nơi sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu trong Thánh Thể và lòng yêu mến Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi sử dụng thời gian đặc biệt này của năm phụng vụ, Mùa Chay, như một thời gian hồng ân đặc biệt chuẩn bị Năm Thánh kỷ niệm 400 năm thành lập Tu Hội Truyền Giáo và Năm Thánh của toàn thể Giáo Hội, để chọn những biện pháp cụ thể về phương diện này. Ước gì Thánh Thể luôn luôn trở nên trung tâm và sự gợi ý về điều chúng ta là, đối với toàn thể Hoạt Động của Gia Đình Vinh Sơn, mỗi tu hội, mỗi hiệp hội giáo dân, cũng như đối với tất cả những ai sống linh đạo và đoàn sủng vinh sơn mà không thuộc về bất cứ ngành nào của Gia Đình.
Tôi muốn cám ơn tất cả các cộng đoàn, những nhóm và những con người cá nhân đã tổ chức đều đặn việc chầu Thánh Thể cách cộng đoàn, cũng như những việc viếng cách cá nhân Đức Giêsu hiện diện tại Nhà Tạm. Đối với những cộng đoàn không thực hành việc chầu Thánh Thể hàng tuần, tôi muốn khuyến khích họ bắt đầu làm điều đó vào Mùa Chay này và biến nó thành một thực hành cầu nguyện đều đặn. Những nhóm giáo dân có thể tổ chức chầu Thánh Thể tùy theo khả năng của mình trong các giáo xứ hoặc nhà nguyện nơi mà họ hội họp. Những người khác không thuộc về một ngành đặc biệt có thể xem nơi họ có thể tham gia chầu Thánh Thể. Ngoài việc chầu Thánh Thể, Đức Giêsu chờ đợi chúng ta trong Nhà Tạm 24g trên 24 mỗi ngày. Vì mỗi tu hội và hiệp hội giáo dân của Gia Đình có một ước muốn như vậy là các thành viên của mình gia tăng về số lượng và trong sự thánh thiện, chắc chắn Đức Giêsu sẽ không dửng dưng với lời cầu xin của chúng ta.
Nguyện xin Đức Mẹ Ảnh Ban Phép Lạ, thánh Vinh Sơn Phaolô, và toàn thể các Thánh, Chân Phước và Tôi Tớ Thiên Chúa thuộc Hoạt Động của Gia Đình Vinh Sơn chuyển cầu cho chúng ta !
Người anh em trong Thánh Vinh Sơn,
Tomaž Mavrič, CM
Bề Trên Tổng Quyền
[1] Coste II, 604-605 ; thư 817 gửi Claude Dufour ở Saintes, 04/07/1646.
[2] Coste X, 554-555 ; BNC 100, Gửi bốn chị được sai đi Calais, 04/08/1658.
[3] Coste XIII, 766 ; tài liệu 186, Về việc chuẩn bị những bệnh nhân ở Hôtel-Dieu cho việc xưng tội chung (1636).
[4] Coste X, 185 ; BNC 74, Về lòng yêu mến đau khổ thể lý và tinh thần (Qui luật chung, chương 6), 23/07/1656.
[5] Những tư tưởng này được rút ra từ sách, Arnoldo Mosca Mondadori và Monica Mondo, Il farmaco dell’Immortalità, Dialogo sulla vita e l’Eucaristia [Người thầy thuốc của sự bất tử, Đối thoại về sự sống và Thánh Thể], Scholé, Editrice Morcelliana, Brescia, 2019. Đây là cuộc nói chuyện với Monica Mondo do Arnoldo Mondadori thực hiện.
()