fbpx

CÙNG MẸ ĐỨNG GẦN THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU

 

“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người”

Ga. 19,25

Thánh sử Gioan thuật lại cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu chịu khổ nạn chết trên thập giá và Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người”. Cao quí thay tình Mẹ!

 Chúng ta biết rằng địa điểm hành hình Chúa Giêsu là một công trường khai thác đá đã phế bỏ, nằm sát bên tường thành Giêrusalem. Chính giữa là một tảng đá cao khoảng 5 thước, hình cái sọ, được gọi là Đồi Sọ, đồi Can-vê, hay Gôn-gô-tha[1] và chính trên đó mà người ta dựng lên các thập tự giá[2].

Nếu Đức Maria hiện diện trên đồi này, dưới chân thập giá Chúa Giêsu, có nghĩa là Mẹ đã ở Giêrusalem trong những ngày này. Mẹ đã hiệp hành với Chúa Giêsu trên chặng đường lên đồi Can-vê, đã hiện diện và chứng kiến Chúa Giêsu, Con của Mẹ, sau khi đã bị kết án cách bất công, bị đánh đòn dữ dằn và muôn vàn khổ nhục khác đến kiệt sức, vẫn còn phải vác thập giá trên con đường gồ ghề sỏi đá, ngã lên ngã xuống cho tới khi leo lên tới đồi, bị đặt nằm trên thập giá và bị đóng đinh vào đó, rồi bị dựng đứng lên giữa trời, cùng với 2 tên tử tội khác!

“Nếu Chúa Giêsu đã bị cám dỗ trong sa mạc, thì Đức Maria đã bị cám dỗ cách đặc biệt dưới thập giá. Và đó là cám dỗ rất sâu xa và đớn đau, bởi lý do là chính Chúa Giêsu. Mẹ đã tin vào những lời hứa, Mẹ đã tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa; Mẹ biết rằng Chúa Giêsu có thể xin Chúa Cha sai đến cho người “hơn mười hai đạo binh các thiên thần”[3]. Nhưng Mẹ thấy rằng Chúa Giêsu đã không xin điều đó. Nếu Chúa xuống khỏi thập giá, Người cũng đã giải thoát Mẹ khỏi nỗi đau đớn khủng khiếp này, nhưng Người đã không làm gì”[4].

Là con người, Mẹ có nhiều lý do để kêu cứu với Con của Mẹ hoặc kêu lên với Thiên Chúa Cha, thậm chí chạy trốn khỏi Canvê. Thế nhưng, Mẹ chọn lựa đứng đó, trong thinh lặng, kết hợp với hy tế Con mình. Như thế, “Mẹ trở thành một vị tử đạo vì đức tin theo cách thế rất đặc biệt, một chứng tá trổi vượt về niềm tin vào Thiên Chúa, sau Con Mẹ”[5].

Khi nói “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người”, chắc chắn thánh sử Gioan không chỉ nói “gần” theo nghĩa thể lý, địa lý, nhưng còn theo nghĩa tâm linh[6]: Mẹ đã chịu đau khổ trong trái tim mình những nỗi đau mà Con của Mẹ phải chịu trong thân xác, đúng như công đồng Vaticanô II đã diễn tả:

Đức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, và Ngài đã đứng ở đó theo ý Chúa muốn. Đức Mẹ đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy lễ do lòng mình sinh ra[7].

Mặt sau của Mẫu Ảnh Phép Lạ

Khi hiện ra với Sơ Catherine Labourê (27.11.1830), Mẹ đã yêu cầu Sơ cho đúc mẫu ảnh mà ngày nay được gọi là Ảnh Phép Lạ (hay Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn), mặt sau Mẫu Ảnh là chữ M trên có hình Thánh Giá, phía dưới là hai quả tim của Chúa Giêsu và Đức Maria: trái tim của Chúa Giêsu có vòng gai chung quanh, trái tim của Đức Maria bị lưỡi đòng đâm thâu. Qua biểu tượng này, Mẹ khẳng định sự hiệp thông sâu xa của Mẹ với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Mười hai ngôi sao chung quanh tượng trưng cho các thánh Tông Đồ và trên nền tảng này Giáo Hội của Chúa Giêsu được xây dựng.

Chúng ta hãy cùng Mẹ đứng gần thập giá Chúa Giêsu…

Mẹ đứng đó, gần thập giá Chúa Giêsu và Mẹ đã nghe được tất cả những lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá. Chúng ta hãy cùng Mẹ đứng gần thập giá Chúa Giêsu, dâng lên Chúa tất cả những đau khổ của chúng ta, xin kết hiệp chúng với thập giá của Chúa và với thánh ý của Thiên Chúa Cha. Chúng ta cũng hạnh phúc được nghe và suy gẫm 7 DI NGÔN của Chúa Giêsu, cùng với niềm hy vọng chắc chắn vào sự chiến thắng của Chúa chúng ta!

[1] X. https://vi.wikipedia.org/wiki

[2] X. KTTƯ, Lời Chúa cho mọi người, trang 510, phần chú giải.

[3] Mt 26,53

[4] Lm. Raniero Cantalamessa, Lm. Phêrô Nguyễn văn Hương chuyển ngữ-Đức Maria, nữ tỳ của Chúa, trang 89

[5] Nt. Trang 90

[6] Nt.

[7] Hc. Lumen Gentium, số 58 ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *