fbpx

MẸ SẦU BI – MẸ HY VỌNG

Trên đồi Canvê,

Mẹ không chỉ là “Mẹ Sầu Bi” nhưng còn là “Mẹ Hy Vọng”[1]

Qua thánh sử Gioan, chúng ta được biết Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người[2]Vâng, chúng con cám ơn Mẹ đã quyết định đứng đó, gần thập giá Chúa Giêsu, thay vì chạy trốn đi nơi khác. Mẹ đã hiệp hành trọn con đường thập giá với Chúa Giêsu, Mẹ dâng lên Chúa tất cả những đau khổ của Mẹ và của chúng con, kết hiệp chúng với thập giá của Chúa Giêsu và với thánh ý của Thiên Chúa Cha, vì Mẹ có niềm hy vọng chắc chắn vào sự chiến thắng của Chúa Giêsu. Mẹ nhớ như in lời truyền tin của Thiên Chúa qua miệng sứ thần Gabriel: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.  Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.  Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.[3]

Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! (St 22,12)

 Chắc chắn Mẹ thuộc lòng biến cố Thiên Chúa kêu gọi Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành[4]. Ông đã ra đi như lời Đức Chúa phán với ông, khi đó ông được 75 tuổi[5]. Thời gian cùng đi theo bước chân ông, nhưng lời hứa thì mãi 25 năm sau mới le lói tia hy vọng: “Ông Áp-ra-ham được một trăm tuổi khi sinh được người con là I-xa-ác.[6]” Ấy thế mà, khi I-xa-ác vừa đến tuổi khôn thì ông lại gặp một thử thách éo le hơn là: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”[7] Trời ơi! Chính tay ông phải sát tế con trai duy nhất của ông sao? Hơn nữa, nếu mất đứa con này thì những lời hứa của Thiên Chúa sẽ như thế nào? Ông bị giằng co giữa niềm tin vào lời hứa của Chúa và sự vâng phục đối với ý muốn của Thiên Chúa lúc này đây…

I-xa-ác vai mang bó củi và cùng bước đi với ông, không thấy của lễ toàn thiêu, nên hỏi cha: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?”[8] và ông khẳng định: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ.” Rồi cả hai cùng đi.”[9] Khi tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham chuẩn bị bàn thờ, trói I-xa-ác lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi và cầm lấy dao để sát tế con mình. Thiên Chúa đã can thiệp đúng lúc: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!”  Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.  Ông Áp-ra-ham đặt tên cho nơi này là “ĐỨC CHÚA sẽ liệu.”[10]

Thánh Phaolô đã nhận xét về Áp-ra-ham: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế.”[11] Ông xác tín Thiên Chúa là Đấng trung tín và quyền năng, Ngài luôn có thể thực hiện điều đã hứa.

Ngày sứ thần truyền tin cho Đức Maria thụ thai Con Thiên Chúa, Mẹ cũng ở trong một hoàn cảnh không thể giải thích được theo cách loài người. Mẹ đã hỏi xem việc đó sẽ xảy ra cách nào. Sứ thần đã cho Mẹ biết cách hành động của Thiên Chúa không như của loài người, “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được[12]. Mẹ đã tin và thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”[13]. Giờ đây, Mẹ cũng tin rằng Thiên Chúa có quyền năng làm cho Con mình chỗi dậy từ cõi chết. Nơi Mẹ, niềm hy vọng sẽ có phục sinh sau cái chết đã vươn lên!

Công đồng vaticanô II xác nhận: “Đức Maria đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Người thật là mẹ chúng ta.[14]

Thật vậy, dưới chân thập giá, Chúa Giêsu đã trao môn đệ dấu yêu cho Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà”, nghĩa là Chúa trao tất cả chúng ta cho Mẹ mà Gioan là đại diện. Rồi Người lại ban Mẹ của Người cho chúng ta: “Đây là mẹ của con”. Lời này đem lại niềm hy vọng cho chúng con. Chúng con biết ơn Chúa và vô cùng hạnh phúc đón tiếp Mẹ Hy Vọng về nhà mình. Chúng con cám ơn Mẹ đã vui lòng nhận tất cả chúng con làm con cái yêu dấu của Mẹ. Sau khi Chúa về trời, Mẹ đã ở cùng với các Tông Đồ cầu nguyện và chờ đón Chúa Thánh Thần. Như thế, Mẹ đã hiện diện ngày khai sinh Giáo Hội và mãi mãi là Mẹ của Giáo Hội.

Trong lần hiện ra với Sơ Ca-ta-ri-na La-bu-rê chiều 27.11.1830 tại nhà nguyện Tu Hội Nữ Tử Bác Ái 140, phố bắc, Paris, nước Pháp, Mẹ cho Sơ diễm phúc: “Tôi đã thấy Đức Trinh Nữ, Mẹ cầm trên hai tay một quả cầu bằng vàng, phía trên có gắn một Thánh Giá nhỏ. Mẹ ngước mắt lên trời với dáng điệu hiến dâng. Và tôi nghe thấy tiếng phán bảo: ‘Quả cầu này tượng trưng cho toàn thế giới và mỗi người cách riêng’”[15]. Sau đó, quả cầu biến đi, Đức Mẹ hạ đôi cánh tay xuống để rọi sáng quả cầu dưới chân Người. Qua cử chỉ dâng trái đất cho Thiên Chúa và lãnh nhận hồng ân Chúa để ban xuống cho nhân loại, Mẹ nhắc lại tình thương Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài và Ngài đã dùng Thập Giá Đức Kitô mà cứu chuộc và thánh hóa chúng ta. Như thế, sứ mạng mẫu tử của Mẹ là đem niềm hy vọng đến cho toàn thể nhân loại. Mẹ luôn yêu thương, chăm sóc và tiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa. Mẹ đón nhận ơn Chúa xuống cho chúng ta qua đôi tay từ mẫu của Mẹ. Mẹ chính là máng thông ơn Thiên Chúa và là nguồn hy vọng của chúng ta.

Hơn bao giờ hết, nhiều người trong thế giới ngày nay đang sống trong thất vọng, tuyệt vọng, lo âu…vì những cuộc chiến kéo dài, những đại dịch đủ loại, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, nhiều bất trắc, trở ngại không vượt qua được, đi đến bế tắc. Con người rất cần đến niềm hy vọng, để không rơi vào thất vọng và giúp kiên nhẫn đến cùng. “Đây là ‘bổn phận’ lớn nhất mà Đức Maria đã hoàn tất, khi biết hy vọng dưới chân thập giá, và vì thế, lúc này đây Mẹ sẵn sàng để giúp đỡ chúng ta làm như vậy.”[16] Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Sầu Bi-Mẹ Hy Vọng, dâng lên Mẹ tất cả niềm vui nỗi buồn của chúng ta để Mẹ kết hiệp chúng với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Ngài sẽ tuôn tràn niềm vui cứu độ cho chúng ta qua bàn tay từ mẫu của Mẹ.

Lạy Mẹ Hy Vọng,

xin dạy chúng con biết luôn tín thác tuyệt đối vào Chúa,

 ngay cả khi có vẻ như không còn gì để hy vọng.

[1] Lm. Raniero Cantalamessa, Lm. Phêrô Nguyễn văn Hương chuyển ngữ-Đức Maria, nữ tỳ của Chúa, trang 96

[2] Ga 19,25

[3] Lc 1, 30-33

[4] St 12, 1-3

[5] X. St 12, 4

[6] St 21, 5

[7] St 22, 1

[8] St 22, 8

[9] Nt

[10] St 22, 12-14

[11] Rm 4, 12

[12] Lc 1, 37

[13] Lc 1, 38

[14] Hc Lumen Gentium số 61

[15] Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Việt Nam, Đức Mẹ và thánh Catherine Labouré, trang 29

[16] Lm. Raniero Cantalamessa, Lm. Phêrô Nguyễn văn Hương chuyển ngữ-Đức Maria, nữ tỳ của Chúa, trang 100

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *