06.05.2024 – THỨ HAI TUẦN VI PHỤC SINH
Ga 15,26-16,4a
“Sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em
cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.”
(Ga 16,2)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Suốt dòng lịch sử, Giáo hội của Chúa Kitô như một con thuyền đi ngược dòng, nên luôn bị bách hại do xã hội trần thế, hoặc đôi khi lại gặp khó khăn từ nội bộ Giáo hội. Đây mới là một sự thật đau đớn mà ngay từ thuở sơ khai Giáo hội đã phải trải qua. Chính Chúa Giêsu đã bị kết án nhân danh tôn giáo. Rồi đến các tín hữu thời sơ khai cũng vậy: “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường” (16,2). Chúa Giêsu cũng giải thích lý do: “Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy” (c.3). Đời nọ tới đời kia, nhiều chứng nhân anh dũng đã ngã xuống, nhưng Giáo hội vẫn luôn kiên vững trong Đức Tin.
Saolô, một biệt phái trẻ, nhiệt thành với đạo Do Thái. Ông cho rằng những người tin theo Đức Giêsu Nazareth là sai lạc. Vì thế, ông hăng say bắt bớ họ, bắt họ phải tôn thờ Thiên Chúa theo cách của ông. “Ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục”[1]. Thật đúng như lời Chúa Giêsu đã nói trước: “sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (c.2). Nhưng khi ông bị ngã ngựa và bị mù, tai ông lại được nghe Đức Giêsu nói với ông rằng: ông đang bách hại các tín hữu là bách hại chính Người, vì Người hiện diện nơi họ. Saolô đã nhận ra sự sai lầm của mình. Ông đã trở lại trong đức tin: ông tin Chúa Giêsu – Đấng đã bị đóng đinh và đã Phục Sinh, Người chính là Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn nói lên xác tín của mình: “Tôi biết tôi đã tin vào ai.”[2] Từ đó, Phaolô đã trở nên một Tông Đồ nhiệt thành, chịu biết bao sự bách hại và đã chết vì Danh Đức Kitô.
Ngày nay, nhiều Kitô hữu vẫn đang bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới, bởi những người Hồi giáo quá khích, hoặc bởi những chế độ cai trị. Ngoài ra, mọi cám dỗ của tiện nghi vật chất và danh dự đời này cũng là một hình thức bách hại rất nhẹ nhàng và ngọt ngào khiến cho nhiều người âm thầm chối từ hoặc công khai phản bội Thiên Chúa. Có những người nhân danh sự danh giá của gia đình để giết hại những thai nhi vô tội và che giấu sự lỡ lầm, hoặc nhiều người tự cho mình là đạo đức để chê bai, coi thường người khác chỉ vì họ không tham gia nhiều hội đoàn như mình, không dâng cúng nhiều tiền của, không làm từ thiện như mình…
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có Chúa Thánh Thần – “Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (15,26). Để nhiệt thành làm chứng cho Chúa, chúng ta cần cởi mở đón nhận sự khác biệt của anh chị em, hơn là dựa vào những hình thức sống đạo bên ngoài. Chúng ta cần được Thánh Thần Tình yêu hướng dẫn để có cái nhìn và trái tim biết cảm thông với tha nhân. Nếu ta làm mọi việc trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ta sẽ không kể công, cũng không nhân danh những chuẩn mực đạo đức khô cứng mà trở nên thiếu bác ái, coi thường hoặc loại trừ, kết án người khác. Trái lại, Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta khiêm tốn, can đảm đón nhận những khó khăn trở ngại và trung thành làm chứng cho Tin Mừng.
Mẹ Maria là người đầu tiên được nhận lãnh đầy tràn Thánh Thần, Đấng đã “rợp bóng” trên Mẹ trong ngày Truyền Tin.[3] Mẹ đã không chỉ làm chứng cho Chúa Giêsu, mà còn trao tặng chính Chúa Giêsu cho chúng ta và cho toàn thế giới. Nhờ Chúa Thánh Thần, Mẹ hoàn toàn nên một với Chúa Giêsu trong mọi nỗi vui buồn, mọi khó khăn của cuộc sống trần thế, nhất là trong cuộc bách hại cuối cùng Người phải chịu, bởi chính các thượng tế Do Thái.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để luôn biết cảm thông với người khác, khoan dung, tha thứ dù phải chịu thiệt thòi.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm tốn, yêu thương, cảm thông với mọi người, và đừng bao giờ lên án bất cứ ai. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Cv 7,58; 8,1.3
[2] 2Tm 1,12
[3] Lc 1,35