09.05.2024 – THỨ NĂM TUẦN VI PHỤC SINH
Ga 16,16-20
“Anh em sẽ lo buồn,
nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
(Ga 16,20b)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Sách Công vụ Tông đồ thuật lại những chuyến đi truyền giáo của ông Phaolô, với rất nhiều khó khăn thử thách: vừa phải lo làm việc để nuôi thân, vừa tìm mọi cơ hội để nói về Chúa cho người khác. Bị người ta chống đối và bắt bớ ở thành này, ông đi đến thành khác và lại tiếp tục rao giảng.[1] Tất nhiên, các Tông đồ cũng lo buồn khi bị chống đối, cũng đau đớn khi bị ném đá, đánh đòn…và cũng phải tìm nơi để lánh nạn. Nhưng nhờ đó, Tin Mừng được loan truyền đến khắp mọi nơi, và “nỗi buồn” của các ngài đã “trở thành niềm vui” cho chính các ngài cũng như mọi người được đón nhận Tin Mừng.
“Cú sốc” lớn nhất đối với các môn đệ là cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu. Sau khi sống lại, Người đã hiện ra với các ông, nhưng không hiện diện thường xuyên nữa. Rồi Người lên trời, đi vào trong vinh quang với Chúa Cha, các ông không còn gặp Người cách trực tiếp như trước. Thế nhưng, “điều quan trọng không phải là cảm nhận được sự hiện diện của Người, mà là kiên trì trong đường lối của Người. Để đạt tới đức tin trưởng thành, chúng ta cần nếm qua cái chua xót thiếu vắng Người.”[2] Chính Chúa Giêsu đã trải nghiệm “đêm tối của đức tin” trên thập giá: mặc dù cảm nhận bị Cha bỏ rơi, Người vẫn kiên trung phó mình trong tay Cha. Vì thế, Cha đã cho Người được sống lại.
“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c.20). Đau khổ càng nhiều thì niềm vui càng lớn. Niềm vui và vinh quang Phục Sinh của Chúa Giêsu quả là lớn lao so với những đau đớn và tủi nhục Người đã trải nghiệm trong cuộc thương khó. Cũng thế, niềm vui của người môn đệ trung thành với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn đời mình sẽ là niềm vui không ai lấy mất được.[3]
Các thánh tử đạo và hầu hết các vị thánh trong Giáo Hội, đặc biệt thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh nữ Louise de Marillac – hai Đấng Sáng Lập của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái – cũng đều trải qua những đêm tối đức tin trước khi đón nhận luồng ánh sáng về kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.[4] Trong đêm tối, ta không thấy Chúa nên ta lo buồn, đau khổ, nghi ngờ Chúa và mất phương hướng…Nhưng chính những lúc khốn khó đó, Chúa Giêsu đang nhìn ta và cho ta cái phúc được tham dự vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người. Hơn bao giờ hết, đây là giây phút tuyệt vời nếu ta biết phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa bằng cách trung thành chu toàn bổn phận cả khi không được ai trông thấy hay nhìn nhận. Chính sự liên kết đau khổ của ta vào Thập giá của Chúa Giêsu sẽ được Người biến đổi thành niềm vui bất tận trong tâm hồn ta.
Đối với Đức Maria, kinh nghiệm lạc mất Chúa ba ngày chỉ là một trong rất nhiều đêm tối đức tin mà Mẹ đã trải qua. Những ngày lang thang không tìm được chỗ trọ để nghỉ chân và sinh con; khi phải ôm con mới sinh “vượt biên” để thoát nạn; khi thánh Giuse- trụ cột của gia đình qua đời; khi Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, bị người đời ghen tỵ, gièm pha, tìm cách hãm hại… Tăm tối nhất là nỗi đau Mẹ cùng chịu với Chúa trong cuộc khổ nạn, cho đến khi Chúa trút hơi thở cuối cùng. Trong mọi hoàn cảnh, Mẹ vẫn không nguôi tin tưởng và hy vọng “không có gì mà Chúa không làm được.”[5] Quả thật, Mẹ đã được vui mừng khi Con của Mẹ sống lại.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, khi gặp gian nan thử thách, tôi kiên tâm cầu nguyện, trung thành tham dự thánh lễ, lần chuỗi mỗi ngày và chu toàn mọi bổn phận với tinh thần trách nhiệm.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con được trưởng thành hơn trong đức tin, biết luôn xác tín vào tình thương và sự hiện diện của Chúa, để con không chới với khi gặp gian nan thử thách, và tin tưởng đợi chờ niềm vui bất diệt Chúa ban. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài Đọc I, Cv 18,1-8
[2] Lời Chúa cho mọi người, tr.1853, phần chú giải
[3] X. Ga 16,21-22.
[4] X. https://gdanhducmebanon.org/2023/05/21/gia-dinh-vinh-son-ky-niem-400-nam-bien-co-anh-sang-ngay-le-chua-thanh-than-hien-xuong-cua-thanh-nu-louise-de-marillac-2/
https://www.youtube.com/watch?v=Bz8izjK71cI
[5] Lc 1,37