11.06.2024 – THỨ BA TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Lễ Thánh Barnaba tông đồ
Mt 10,7-13
“Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.”
(Mt 10,12)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Sách Tông đồ Công Vụ kể lại hành trình truyền giáo của các tông đồ sau khi Chúa Giêsu về trời và Chúa Thánh Thần đã được gửi đến với Giáo Hội sơ khai. Tuy nhiên lúc đầu, các tông đồ chỉ loan báo Tin Mừng cho những người Do Thái. Sau khi ông Phêrô được Chúa sai đến giảng cho gia đình người sĩ quan ngoại giáo và Thánh Thần cũng ngự xuống trên họ, thì các tín hữu Do thái mới chấp nhận những tín hữu gốc dân ngoại. Sau đó, một số tín hữu phải di tản để tránh cuộc bách hại, đã đến những vùng lân cận và loan báo Tin Mừng cho cả những người không phải Do Thái, và một số đông người đã tin theo. Thế là các tông đồ cử ông Banaba đến thăm và khích lệ tinh thần các giáo đoàn non trẻ đó. Ông tên là Giuse, một giáo dân, nhưng rất có uy tín và được các tông đồ đổi tên thành Barnaba, nghĩa là “con của sự an ủi”. Chính ông đã đi tìm và mời ông Saolô (Phaolô) cộng tác với mình để phục vụ giáo đoàn tại Antiokia và trong nhiều hành trình truyền giáo khác nữa.[1] Sau này, khi vai trò của Phaolô đã nổi bật, Barnaba khiêm tốn nhường bước và đứng vào vị trí sau Phaolô.
Tinh thần khiêm tốn và yêu chuộng hòa bình của thánh Banaba tông đồ chính là kho tàng sự bình an, là niềm an ủi mà Chúa Giêsu muốn có nơi người môn đệ để chia sẻ với mọi người khi loan báo Tin Mừng: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (c.12). Chính khi biết cộng tác với nhau, không tự hào hay tự phụ về bản thân, cũng không bám víu vào của cải vật chất hay quyền lực trần thế, người môn đệ tìm được chỗ dựa an toàn đích thực nơi Đức Tin và sự phó thác vào Thiên Chúa. Kết quả là nguồn mạch bình an của Thiên Chúa tuôn tràn vào tâm hồn người môn đệ trở thành QUÀ TẶNG cho bất cứ người nào, nhà nào người môn đệ đặt chân đến hoặc gặp gỡ.
Thánh Vinh Sơn đã khám phá và trải nghiệm nguồn mạch phong phú này của Thiên Chúa. Vào thế kỷ 17, việc di chuyển đường xa rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là cho phụ nữ; thế mà Ngài đã dám sai bà Louise de Marillac đi thăm viếng các Hội Bác Ái ngoài thủ đô Paris, với hành trang thánh thiêng này: “xin lòng nhân từ của Chúa dẫn đưa cô, an ủi cô trên các nẻo đường cô đi. Người là bóng mát che ánh nắng mặt trời, là nơi trú ngụ khi mưa rơi, khi trời lạnh lẽo, là chiếc giường êm ấm khi cô mệt mỏi, là sức mạnh khi cô làm việc và sau cùng Người sẽ dẫn cô về bình an và đầy việc làm tốt.”[2]
Chúng ta cũng là những người kiến tạo bình an, khi luôn luôn xây những nhịp cầu đối thoại với người khác, chứ không là những bức tường cay đắng, nghĩa là luôn lắng nghe người khác và tìm kiếm con đường hòa giải, với lòng khiêm nhường và dịu dàng[3].
Tâm hồn trầm mặc tĩnh lặng của Mẹ Maria chỉ tha thiết kiếm tìm ý Chúa, làm vinh danh Chúa và biểu lộ tình yêu thương của Chúa cho con người. Chính vì thế, khi Mẹ vừa bước vào nhà bà Êlisabeth và cất lời chào, bà đã hoan hỉ thốt lên: “tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”[4]. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta trong việc trao tặng Bình An cho tha nhân. Từng lời nói, ý tưởng được diễn đạt theo âm giọng của Mẹ đem lại cho người nghe sự thư thái bình an và đầy tràn hoan lạc.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Mỗi ngày, tôi soi mình vào “chiếc gương Maria”, để điều chỉnh ý nghĩ, lời nói, âm thanh và nét mặt của tôi, hầu có thể đem lại sự bình an cho mọi người tôi gặp gỡ.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường, đơn sơ và bác ái như Mẹ, để tâm hồn con luôn có Chúa là nguồn bình an. Nhờ đó, con có thể gieo rắc bình an mọi nơi mọi chốn mà Chúa đưa con đến. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. Bài Đọc I, Cv 11,21b-26.
[2] Tài liệu, 26
[3] X. https://xuanbichvietnam.net/trangchu/duc-thanh-cha-phanxico-nguoi-kito-huu-phai-xay-dung-nhung-nhip-cau-noi-ket/
[4] Lc 1,44