26.11.2024 – THỨ BA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 21,5-11
“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ bị tàn phá hết,
không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Đế quốc Babylon hùng mạnh, giàu có và lộng lẫy nhất trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại. Năm 626 TCN, vua Na-bu-cô-đô-nô-xo xây dựng nhiều đền đài và công trình kiến trúc kỳ vĩ, có cả vườn treo Babylon nổi tiếng đã đi vào truyền thuyết của những kỳ quan thế giới. Những tưởng sự hùng mạnh và tráng lệ ấy sẽ tồn tại lâu bền mà không một thế lực nào phá hủy hoặc chiếm lĩnh được, nên các vua chúa quan quyền Babylon rất tự mãn, coi thường Thiên Chúa và các địch thủ lân bang. Nhưng chỉ sau một đêm, cả đế chế và vương quốc hùng mạnh ấy đã về tay Kyrô – vua nước Ba Tư. Ông đã chiếm được thành cách dễ dàng mà không tốn một viên đạn.[1]
Thời Chúa Giêsu, đền thờ Giêrusalem là niềm kiêu hãnh, tự hào của dân Israel; được xây dựng hết sức kiên cố trong một thời gian dài 80 năm, với kiến trúc lộng lẫy, nguy nga tráng lệ, những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng quý giá khiến nhiều người trầm trồ thán phục. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại nói: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (c.6). Đúng thế: khoảng 40 năm sau, đền thờ Giêrusalem đã bị đế quốc Rôma thiêu rụi, phá hủy tan tành.
Lý do Giêrusalem bị phá hủy không phải vì công trình bị rút ruột hay xuống cấp, nhưng chính vì sự sa sút trong lòng tin của Dân Chúa, đặc biệt là của giới lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ. Sự tệ hại ấy được diễn tả qua cảnh ô hợp của chợ búa ngay trước Đền Thờ, và Chúa Giêsu đã phải thanh tẩy để nơi thánh đừng bị biến thành hang trộm cướp.[2] Cũng có lần Chúa Giêsu khóc thương Giêrusalem, Chúa xót xa thương tiếc cho thành thánh và cho cả dân tộc Do Thái sẽ bị tàn phá, vì họ đã không nhận biết Người là chính Thiên Chúa viếng thăm họ.[3] Thị kiến đất và vườn nho dưới đất bị gặt và “đổ vào bồn đạp nho lớn, tức là cơn lôi đình của Thiên Chúa”[4] được Thánh Gioan kể lại trong Sách Khải Huyền cũng mang cùng một ý nghĩa đó.
Cuối năm phụng vụ, Lời Chúa mời gọi chúng ta suy nghĩ về ngày Cánh Chung và gần nhất là ngày Chúa đến vào giờ phút cuối của mỗi người chúng ta. Người mong muốn được thấy lại vẻ đẹp của đền thờ tâm hồn chúng ta khi ta nhận lãnh Bí tích Rửa tội. Nhưng có thể là Đền thờ linh hồn ta đã xuống cấp trầm trọng và bị biến thành nơi chợ búa, bởi những tính toán ích kỷ, tham lam, thù hận, gian dối, bất trung, bất tín, tự kiêu tự mãn và coi thường anh em… Chúng ta cần sám hối tội lỗi và “trùng tu” lại ngôi đền thờ tâm hồn mình mỗi ngày. Mỗi lời nói tốt, mỗi cử chỉ đẹp ta làm cho tha nhân chính là một viên đá sống động xây dựng đền thờ tâm hồn ta thêm đẹp đẽ, vững chắc. Mỗi hy sinh từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa, là một món quà quý giá ta dâng để tôn vinh Chúa, Đấng luôn ngự trong đền thờ linh hồn ta.
Mẹ Maria luôn được trang điểm Đền thờ tâm hồn bằng biết bao nhân đức nên Mẹ luôn “đẹp lòng Thiên Chúa”,[5] đến nỗi Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ của Con Yêu Dấu của Người. Chúa Giêsu không chỉ viếng thăm mà còn vui thích cư ngụ nơi cung lòng và tâm hồn thanh khiết của Mẹ. Mẹ vui mừng nhận biết “phận nữ tỳ hèn mọn” của mình được “Chúa đoái thương nhìn tới”,[6] Mẹ càng gìn giữ Đền thờ thân xác và tâm hồn thánh thiện, và Chúa đã đưa Mẹ về trời cả hồn lẫn xác, tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Người.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi trang điểm đền thờ tâm hồn tôi với những bông hoa: khiêm nhường, đơn sơ, bác ái…
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết trang điểm đền thờ tâm hồn con bằng những nhân đức của Mẹ, để Chúa luôn hài lòng ngự lại trong con, và cho con cũng được sống đời đời với Người. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] X. https://tramthienthu.blogspot.com/2017/12/e-quoc-babylon-huy-hoang-va-huy-diet.html
[2] X. Lc 19,45-46; Ga 2,13-16
[3] X. Lc 20,41-44
[4] Bài Đọc I, Kh 14,14-19
[5] Lc 1,30
[6] Kinh Magnificat