✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 12,14-21)
“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Trong cuộc sống, chúng ta khó có thể sống vừa ý hết tất cả mọi người, vì thế dân gian có câu “ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Chúa Giêsu rất tốt lành, Ngài luôn làm điều tốt cho con người: chữa lành mọi bệnh tật, cho kẻ què đi được, người mù được thấy, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng[1] và là người được Chúa Cha yêu mến, đẹp lòng Cha mọi đàng[2]… Thế nhưng Chúa cũng không tránh khỏi sự thù ghét của phái Pharisêu.
Trong khi nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu, thì ngược lại, Ngài chỉ tìm mọi cách để cứu chữa con người, để bày tỏ cho con người lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặc dù bị con người tìm cách loại trừ, Chúa chỉ im lặng lánh đi nơi khác. Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi sự hối cải của con người, vẫn yêu thương và không ngừng chữa lành: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi”.
Đức Giêsu chính là Người tôi trung của Thiên Chúa, là “Khuôn mặt đích thực của lòng thương xót”. Lòng thương xót ấy không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một “khuôn mặt” để ta nhận biết, chiêm ngưỡng và tôn thờ. Lòng thương xót đặc biệt cần thiết cho thời đại chúng ta, để thức tỉnh và thúc đẩy chúng ta trước sự sống mới và nhìn về tương lai với niềm hy vọng, quyết tâm canh tân đời sống để trở nên dấu chỉ của Lòng Thương Xót cho con người thời nay.[3]
Đức Maria là người đã có kinh nghiệm một cách đặc biệt hơn ai hết về lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ là người đầu tiên thờ lạy Chúa Giêsu nơi lòng Mẹ. Cùng với thánh Giuse, Mẹ đã chiêm ngắm Con Thiên Chúa nhập thể, đang nằm trong máng cỏ và thờ lạy Người. Mẹ đã cảm nghiệm sâu xa lòng thương xót của Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” của Ngài cho con người. Hơn nữa, đứng trước lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, trí khôn con người không hiểu được, thái độ của Đức Maria là khiêm tốn đón nhận, và “suy đi nghĩ lại trong lòng” các mầu nhiệm của Người.
Mẹ là chứng nhân của lòng thương xót khi chính Mẹ cùng đau khổ với Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, và đặc biệt dưới chân thánh giá, Mẹ đã chứng kiến Chúa Giêsu đổ hết những giọt máu cuối cùng trong Trái Tim Ngài để tỏ bày lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại.
Năm 1830, khi hiện ra với chị Catarina Laburê lần thứ hai, Mẹ cầm trên tay một quả cầu bằng vàng, tượng trưng cho toàn thế giới và mỗi người cách riêng, để dâng lên cho Thiên Chúa. Sau đó, quả cầu biến đi, Đức Mẹ hạ nhẹ hai tay xuống, chiếu tỏa ánh sáng trên quả địa cầu dưới chân Mẹ, nơi đó đang có một con rắn rình cắn gót chân Mẹ. Con rắn này là biểu tượng của ma quỉ và sự ác đang muốn lôi kéo con người vào sự chết. Với tấm lòng của người mẹ thương con, Mẹ đã đạp dập đầu con rắn để bảo vệ, che chở các con của Mẹ. Mẹ đúng là người mẹ của Lòng Thương Xót.
Sống Tin Mừng với Mẹ:
Vì yêu thương đoàn con khốn cùng và vì là Mẹ của Lòng thương xót, Mẹ Maria không ngừng mời gọi chúng ta đến với lòng thương xót của Thiên Chúa.
Bạn hãy cảm nếm lòng thương xót của Chúa dành cho bạn, qua những biến cố trong cuộc đời bạn: dù bạn lôi thôi, bê bối…nhiều lần, Chúa vẫn tha thứ và ban ơn cho bạn.
Đến phiện bạn, hãy thể hiện lòng thương xót của bạn cho người khác, nhất là khi bị hiểu lầm, bị xúc phạm, gièm pha, bạn tức giận, đau khổ và muốn “trả thù”! Hãy thinh lặng nhớ lại Chúa đã tha thứ cho bạn.
Xin Chúa giúp bạn biết tha thứ, bỏ qua, để bày tỏ cho người khác về tình yêu thương xót của Thiên Chúa bạn nhé.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, trước những khó khăn, thử thách, yếu hèn, bất lực, chúng con tưởng mình cô đơn, lẻ loi trong hành trình đức tin. Xin Mẹ dạy chúng luôn xác tín vào lòng thương xót của Chúa mọi nơi mọi lúc, biết cậy dựa vào sức mạnh của Chúa bằng lời cầu nguyện liên lỉ, để từng hành vi cử chỉ của chúng con luôn đẹp lòng Chúa.
“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”
[1] Mt 11,5
[2] Mc 1,11; Mt 3,17
[3] Đức Giáo hoàng Phanxicô. X. Tông chiếu ấn định Năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót