fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ BA TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 11,37-41)

“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bạn thân mến!!!

Là người Việt Nam, chúng ta thường hay có khuynh hướng “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Trong khi đó với người Do Thái, cách riêng là người Pharisêu, họ thường nhìn vào hành động bên ngoài của một người để đánh giá người đó có đạo đức hay không. Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta câu chuyện Đức Giêsu đã bị đánh giá từ một hành động bên ngoài như thế.

Trở lại với khởi điểm của bài Tin Mừng, chúng ta thấy mối tương quan giữa Đức Giêsu và ông Pharisêu này khá tốt đẹp. Chẳng thế mà ông đã đích thân mời Chúa đến nhà mình để dùng bữa, trong khi Chúa cũng sẵn sàng đáp lại mối thịnh tình của ông khi nhận lời mời đến viếng thăm và dùng bữa với gia đình ông.

Theo lẽ thường, bữa ăn là cơ hội cho những người tham dự gặp gỡ, trao đổi và trò chuyện để làm cho tình thân ngày càng trở trở nên gắn bó. Người ta chỉ dùng bữa chung với nhau khi muốn cùng nhau duy trì và phát triển một mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, khi mục đích của bữa ăn chưa được thực hiện thì sự khác biệt trong quan niệm và cách sống của ông Pharisêu và Đức Giêsu đã hiển hiện. Thánh Luca ghi lại rất rõ ràng: “Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn” (c.37b-38).

Là người nắm rõ lề luật Do Thái, chắc chắn Chúa Giêsu không thể quên việc giữ luật rửa tay trước bữa ăn. Nhưng có lẽ Ngài cố ý không thực hiện để qua đó dạy cho người Pharisêu một bài học quan trọng về cái chính và cái phụ tùy. Mà ở đây là giữa cái bên trong và cái bên ngoài.

Việc rửa tay trước khi ăn của người Do Thái không chỉ là vấn đề vệ sinh như chúng ta ngày nay. Đầu tiên là luật thanh tẩy của tư tế khi vào thánh điện[1], sau đó, họ suy luận ra việc thanh tẩy trước khi dùng bữa và biến nó trở thành một nghi thức, tuy không phải là luật buộc và cũng không được ghi chép trong sách luật, nhưng nó được coi là biểu hiện của việc giữ luật thanh sạch. Người Pharisêu rất chú trọng đến hình thức bên ngoài này và coi nó như chuẩn mực đánh giá một người có đạo đức hay không.

Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cái ý hướng bên trong mới làm cho hành động bên ngoài có ý nghĩa đích thật. Chính quan niệm này đã dẫn đưa những ai đến với Chúa sẽ sống một lối sống chân thật, không giả dối, hình thức. Một đời sống phát xuất bởi một trái tim yêu thương. Dù cho làm bất cứ điều gì, người sống với Chúa chỉ làm tất cả với tình yêu Chúa và lòng mến với tha nhân. Đó cũng chính là cách thanh tẩy đẹp lòng Chúa nhất.

Đức Maria đã được ơn thấu hiểu con đường thanh tẩy Chúa muốn Mẹ phải sống, nên suốt cuộc đời Mẹ đã luôn sống chân thật và âm thầm. Mẹ đã ầm thầm đón nhận lời mời gọi của Chúa, âm thầm đáp tiếng xin vâng. Mẹ đã âm thầm đi thăm bà Êlisabeth và phục vụ chị họ suốt ba tháng mà không cần một sự công nhận hay trông chờ một sự đền trả nào. Mẹ đã âm thầm cùng với thánh Giuse đón chào Đấng Cứu Thế hạ sinh nơi chuồng bò đơn sơ, nghèo khó với một niềm phó thác, mến yêu. Mẹ đã âm thầm ba mươi năm trường cùng Con rảo bước khắp nơi, những lúc tha hương nơi đất khách quê người cũng như khi được trở về với bản hương. Và Mẹ cũng đã âm thầm chứng kiến mầu nhiệm Vượt Qua của Con mình trong tình yêu tròn đầy với thánh ý Thiên Chúa…

Còn mỗi chúng ta, chúng ta sẽ chọn con đường nào để thanh tẩy chính mình???

Sống Tin Mừng Với Mẹ:
Theo bước Mẹ, tôi:

  • Chân thành và âm thầm trong cuộc sống thường nhật với Chúa, với tha nhân và với chính mình.
  • Nghĩ tốt và giải thích tốt cho hành động của người khác.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, suốt cuộc đời Mẹ đã sống tình yêu Chúa trong âm thầm, phó thác, cùng với lòng mến dành cho mọi người trong hy sinh và lặng lẽ. Xin dạy chúng con theo bước của Mẹ, sống một tình yêu đích thực với Chúa và tha nhân, để nơi đâu chúng con hiện diện, nơi đó chân thành được lan tỏa, yêu thương được bùng lên xua tan những phô trương và giả dối.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

[1] X. Lv 16,4

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *