✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 1,1-17)
“Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.”
Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Là con người, ai cũng có cội nguồn là cha mẹ, ông bà, dòng họ nội ngoại… Khi tìm về ngọn nguồn của gia tộc, tổ tiên, chúng ta nhận ra chính Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa là nguồn gốc của mọi gia tộc. Chẳng thế mà Linh mục Ân Đức đã từng viết: “Chim có tổ, suối có nguồn. Con người cũng có tổ tiên…”[1] Con Thiên Chúa khi nhập thể làm người, Ngài cũng được sinh ra trong một gia tộc như bất cứ người nào trong mỗi chúng ta.
Thực vậy, khởi đầu cho tuần bát nhật trước đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh, Giáo hội cho chúng ta nghe bản trình thuật gia phả của Đức Giêsu. Thánh Matthêu cho chúng ta biết, Người là con cháu ông Ápraham, nghĩa là dân Do Thái, Dân được thừa hưởng lời hứa của Thiên Chúa[2]. Người cũng là con vua Đavít, tức là Đấng Mêsia, Đấng cứu độ đã được loan báo trong Cựu Ước[3]. Với bản gia phả này, chúng ta thấy được tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại, khi tặng ban Con Một của người cho chúng ta. Từ nay, Thiên Chúa mà chúng ta biết không còn là một Thiên Chúa trên cao, xa lạ với cuộc sống con người. Nhưng là một Thiên Chúa hiện diện, đồng hành, chia sẻ với cuộc sống của chúng ta.
Người thực sự thông chia cuộc sống làm người của chúng ta, khi nhận lấy cho mình một gia tộc không hoàn hảo, theo quan niệm của người Do Thái. Bởi trong gia tộc ấy không chỉ có những người nam thiếu hoàn hảo, mà còn có bốn phụ nữ thuộc thành phần lý lịch phức tạp: Nếu Tama người Canaan đã lấy bố chồng để làm cho dòng dõi ông tồn tại, thì Rakhap, một kỹ nữ người Canaan cũng đã được Thiên Chúa tuyển chọn để chuẩn bị cho dòng dõi Đấng cứu thế ra đời. Cũng vậy, bà Rút, một người ngoại gốc Moap, góa chồng và Bétsêba người Híttit cũng được chọn và ghi danh vào gia phả của Con Thiên Chúa làm người[4].
Khi gia nhập vào dòng tộc không hoàn hảo ấy, Chúa muốn cho chúng ta thấy: Ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, không phân biệt là nam hay là nữ; là người Do Thái hay là dân ngoại; kẻ tội lỗi hay bậc thánh nhân. Đồng thời, Thiên Chúa là Cha nhân lành cũng cho chúng ta hiểu rằng: qua những người nữ không hoàn hảo trong gia phả ấy, Ngài sẽ thực hiện một biến cố phi thường nơi Đức trinh nữ Maria – người nữ tuyệt hảo, người được tuyển chọn và được gìn giữ ngay từ phút đầu thai với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, để qua Mẹ, Ơn Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô đã được tặng ban cho nhân loại. Đức Giêsu chính là nguồn vui khôn tả và là Đấng cứu độ duy nhất nên hằng năm chúng ta mừng lễ sinh nhật Người hết sức long trọng, để tỏ lòng biết ơn Ngài.
Đức Maria chính là người nữ “được chúc phúc hơn hết mọi người nữ”[5] trong gia phả của Đức Giêsu và toàn thể nhân loại. “Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.” Chỉ một câu ngắn gọn và súc tích, nhưng đủ nói lên địa vị cao trọng của Mẹ trong toàn bộ gia phả: Mẹ là người duy nhất có mối liên hệ trực tiếp với Đức Giêsu Kitô.
Mẹ được trở nên Hòm Bia Thiên Chúa khi cưu mang Ngôi Lời. Mẹ đã không ngớt lời hoan ca tạ ơn Chúa đã đoái thương đến “phận nữ tỳ hèn mọn” của mình. Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn và cứu chuộc Mẹ trước nhất. Chính qua Mẹ và nhờ lời xin vâng của Mẹ, Đức Giêsu, Đấng là nguồn ơn Cứu Độ muôn dân đã được sinh ra làm người.
Mỗi người chúng ta cũng đã được yêu thương và cứu chuộc. Vậy chúng ta phải làm gì?
Sống Tin Mừng Với Mẹ:
Theo bước Mẹ, tôi:
– Sống niềm vui nội tâm vì biết mình được Chúa yêu thương.
– Vui tươi và gần gũi để mang niềm vui của Chúa đến cho mọi người.
Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, cảm nghiệm được Chúa yêu thương, Mẹ đã luôn sống một đời thánh thiện dù có bao truân chuyên, để Con Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người cách trọn vẹn. Xin cho chúng con cũng biết theo bước Mẹ, luôn hăng say trong sứ mạng truyền giáo, dù giữa những khó khăn và cản trở, với một khát mong duy nhất là làm cho mọi người tin và yêu Chúa nhiều hơn.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/524364795093373)
[1] Bài hát “Nhớ Nguồn”
[2] St 12,1
[3] 2Sm 7,13
[4] X. St 38, 15-19; Gs 2,1-24; 2Sm 11,2-5.26-27; R 4,13-22
[5] Lc 1,42