Có mấy ai ngờ rằng trong vườn hoa của Nước Trời có một bông hoa Đức Ái đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đặt làm bổn mạng tất cả những ai làm công tác bác ái-xã hội theo tinh thần Kitô giáo, lại là một phụ nữ đã trải qua nhiều gian nan vất vả từ khi mở mắt chào đời. Nhất là bà đã phải chịu một cuộc khủng hoảng đức tin làm chao đảo linh hồn, như muốn sụp đổ tất cả, ngay cả niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thế nhưng, với ơn Chúa Thánh Thần, người phụ nữ đó đã mở lòng đón nhận Ánh Sáng soi cho biết con đường thênh thang mà Thiên Chúa muốn ngài đi đến với Thiên Chúa qua việc phục vụ các chi thể nghèo khổ. Tuy nhiên, cần chờ đợi một thời gian trong khi vẫn phải chu toàn bổn phận hiện tại cách chu đáo tận tình.
Vâng, bông hoa đó chính là thánh nữ Louise de Marillac (1591-1660) (xem thánh nữ Lu-i-xa), cùng với thánh Vinh Sơn Phaolô đã sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Sinh ra đã là một đứa bé bất hạnh không biết mẹ mình là ai và rồi cứ đau khổ nối tiếp đau khổ… Bị gia đình và những người thân ruồng bỏ, cô tìm đến với Thiên Chúa. Ngài lắng nghe cô và làm cho cô hiểu thánh ý Ngài. Sau này cô đã ghi lại: “Chúa đã ban cho tôi biết bao nhiêu ơn khi cho tôi biết rằng thánh ý Chúa muốn tôi đến với người bằng thập giá mà lòng nhân từ của Người muốn tôi phải vác ngay từ lúc mới sinh, vì Chúa để cho tôi trong mọi lứa tuổi, lúc nào cũng có dịp chịu đau khổ…”[1]
Đầu thế kỷ 17, tại Pháp, đời sống tu trì phát triển. Nhìn thấy các nữ tu đi chân không, rước kiệu ngoài đường phố Paris, có Đức Tổng Giám Mục Paris dẫn đầu, cô thiếu nữ Louise cảm thấy mình bị lôi cuốn bởi đời sống tu trì khổ hạnh và chiêm niệm này. Trong lúc nhiệt tình sốt sắng, Louise hứa với Chúa sẽ trở thành nữ tu Capuxinô một ngày nào đó. Cô phải tìm cách dàn xếp với người thân trước khi được phép đi đến gặp vị Bề Trên Dòng; nhưng đau đớn thay lời thỉnh cầu của cô bị từ chối, vì cô thiếu sức khỏe và không có của hồi môn!
Không đi tu được thì người thân của cô lo việc lập gia đình cho cô. Hai vợ chồng cô quan tâm xây dựng hạnh phúc gia đình, gặp gỡ những đôi bạn trẻ khác và nhất là cùng nhau cầu nguyện và đọc Thánh Kinh. Niềm vui gia đình được tăng lên khi cậu bé Michel chào đời, nhưng từ từ giảm xuống, vì cậu bé này chậm phát triển.
Thế rồi chẳng bao lâu, mây mù bao phủ cuộc sống gia đình: chồng cô lâm bệnh, trở nên gắt gỏng, bất thường. Cô băn khoăn tự hỏi tại sao? Tại sao lại đau khổ nữa? Liệu có phải lỗi cô không? Vì cô đã hứa với Chúa trở thành nữ tu mà? Tâm hồn cô tràn ngập áy náy, lo âu, mặc cảm tội lỗi…phong ba bão táp tâm hồn nổi lên, mọi sự sụp đổ hết: cô muốn đi trốn, bỏ người chồng bệnh hoạn và đi xa đứa con quá chậm phát triển này!!!
Đức tin của cô bị lay động dữ dội: cô nghi ngờ tất cả, nghi ngờ sự bất tử của linh hồn, nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Louise như con chim bị bão đánh, quay cuồng trong mưa gió. Cô chỉ biết gia tăng việc ăn chay, thức khuya cầu nguyện và lại thêm một lời hứa nữa là sẽ thủ tiết một khi chồng cô được Chúa gọi về.
Chính trong bối cảnh này mà “biến cố ngày lễ Hiện Xuống”, Chúa Nhật 04.6.1623, xảy đến như là một ơn soi sáng thiêng liêng: “trong chốc lát, tâm trí tôi được giải tỏa khỏi những mối hoài nghi”[2].
Louise đã viết lại biến cố cá nhân này để ghi nhớ nó. Bản viết tay, chỉ vỏn vẹn một mảnh giấy dài 28 phân, rộng 9 phân, được chia thành 10 nếp gấp, xếp nhỏ lại để trong xắc tay, để có thể đọc lại cách dễ dàng ơn soi sáng này đối lại với ba mối hoài nghi của cô:
- Cô hoài nghi về ơn gọi của mình, muốn bỏ chồng để thực hiện lời hứa đi tu và để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Thiên Chúa chỉ dạy cô là phải ở lại với chồng, thế nào cũng sẽ có ngày được sống cộng đoàn cùng với các chị em khấn hứa và phục vụ tha nhân.
- Cô hoài nghi mình quá gắn bó với cha linh hướng. Thiên Chúa dạy cứ an tâm về vị linh hướng của mình, Thiên Chúa sẽ ban cho một vị khác, nhưng chưa phải lúc này.
- Cô vô cùng khổ sở khi hoài nghi về sự bất tử của linh hồn. Nỗi khổ sở này được cất đi, khi cô cảm nhận chính Chúa đã dạy cô những điều trên. Đã có Chúa rồi thì tôi không được nghi ngờ điều gì khác nữa.
Được giải thoát khỏi các mối hoài nghi, cô hiểu rằng cô phải tiếp tục sống bên cạnh và chăm sóc chồng con. Sau hai năm, chồng cô qua đời trong bình an.
Còn lại mình cô và đứa con bệnh hoạn! Đứng trước ngã ba đường, cô cảm thấy cô đơn, bối rối và không biết rẽ vào con đường nào. Thánh Thần đang ở phía trước với ánh sáng thần linh của Ngài: vị linh hướng khác mà Thiên Chúa hứa ban cho cô, chính là Cha Vinh Sơn mà cô đã gặp một thời gian trước đây. Sau phản ứng do dự lúc ban đầu, cô tin tưởng và làm theo sự hướng dẫn của cha. Cha Vinh Sơn khám phá ra nơi cô những tiềm năng chỉ chờ được sử dụng và triển nở. Cha động viên và khuyến khích cô đi thăm viếng những Hiệp Hội Bác Ái mà cha đã thành lập để cứu giúp người nghèo.
Cuộc đời cô sang trang từ đây và tháng 5 năm 1629 cô lên đường với một “bài sai”của cha Vinh Sơn, được cảm hứng theo bản văn phụng vụ về hành trình của các giáo sĩ: “Vậy cô hãy lên đường, nhân danh Chúa chúng ta, cô hãy lên đường. Tôi xin lòng nhân từ của Chúa dẫn đưa cô, an ủi cô trên các nẻo đường cô đi. Ngài là bóng mát che ánh nắng mặt trời, là nơi trú ngụ khi mưa rơi, khi trời lạnh lẽo, là chiếc giường êm ấm khi cô mệt mỏi, là sức mạnh khi cô làm việc và sau cùng Ngài sẽ dẫn cô về bình an và đầy việc làm tốt.”[3]
Sống trong một thế giới biến chuyển liên tục và nhanh chóng như ngày nay, chúng ta không tránh khỏi những dao động, nhất là khi phải đối diện với những cơn bão táp, cuồng phong ảnh hưởng mạnh đến gốc rễ đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ kêu xin Chúa Thánh Thần, Đấng được sai đến để giải tỏa những mây mù đang vây bọc, giúp chúng ta kiên vững trong đức tin và trở thành những dụng cụ cho các công trình của Ngài như thánh nữ Louise de Marillac!
[1] Louise de Marillac, Bút tích, 707
[2] Louise de marillac, Bút tích, 3
[3] Tài liệu, 26