fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ BẢY TUẦN VII PHỤC SINH

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 21, 20-25)

“Đức Giê-su đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.””


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Thánh Vinh Sơn đã nói: “Tình yêu thì sáng tạo không ngừng.”

Gioan –người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến và là người dựa vào ngực Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, là người môn đệ đứng dưới chân Thánh giá và đã được Chúa Giêsu trối Mẹ Maria, và ông đã rước Đức Mẹ về nhà mình. Ông là vị Tông đồ và là thánh sử nổi tiếng viết về “Tình Yêu Thiên Chúa”. Ông đã viết Phúc âm bằng chính cảm nghiệm của mình.

Bài Phúc âm hôm nay cho ta thấy tình yêu vô điều kiện mà Chúa Giêsu dành riêng môn đệ Gioan. Tại sao Chúa Giêsu lại thiên vị khi yêu thương Gioan hơn những Tông đồ khác? Thực ra, Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta một cách đặc biệt và cá vị, không phải do chúng ta đáng yêu hay do công trạng riêng mình. Nhưng đôi khi, chúng ta cũng khá giống Phêrô khi ganh tỵ và so sánh với người khác.

Yêu thương thì không ganh tỵ, nhưng là bỏ mình đi, mở lòng ra để đón nhận cái hay cái dở của người khác, dù nó có ngược với sở thích và ước muốn của ta, đón nhận những phiền toái họ gây nên và sẵn sàng tha thứ, dù phải tha thứ nhiều lần. Chính trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống mà ta học biết yêu thương và làm cho tình thương triển nở lớn mạnh. “Yêu bằng tình yêu của Chúa”, yêu thương từng người trong gia đình, người ở sát cạnh mình, rồi lan rộng đến mọi người.

Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” Chúa cũng nhắc nhở chúng ta về thái độ phải có khi làm việc Tông đồ: chúng ta có tài sản, thời giờ, khả năng thì hãy đóng góp hết sức mình vì lòng yêu mến Chúa, không cần ngó trước nhìn sau để so bì với người khác, như lời Chúa nói “phần con, con hãy theo Thầy”.

Gioan là một tông đồ trẻ nhất, không lập gia đình. Có lẽ nhờ thế nên ông dành cho Chúa trọn vẹn tình yêu của mình. Tình yêu của Gioan đối với Thầy là một tình yêu trung tín đến cùng, dành trọn trái tim, cả con người cho Chúa không tính toán hơn thiệt nhưng một lòng tín thác. Ông luôn nhạy bén trước những đòi hỏi của Chúa. Tình yêu Gioan đã dành cho Chúa còn được lưu truyền mãi qua Phúc âm của ngài. Gioan đã “ở lại trong tình yêu của Chúa” và luôn cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong ông.

Ngày nay, phần đông trong chúng ta thường làm mất nhiều thời giờ cho các kỹ thuật thông tin đến độ không còn một khe hở nào để cho Chúa. Khi đã không có Chúa, chúng ta dễ rơi vào tình trạng trạng cô đơn, lẻ loi khi đương đầu với những khó khăn mà quên mất sự hiện diện âm thầm của Chúa trong sâu thẳm tâm hồn ta. Ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình bị mọi người quên lãng, bỏ rơi thì Chúa vẫn hiện diện, ở trong ta khi ta đón rước Chúa, qua Lời Hằng Sống Ngài.

Cũng như Gioan và hơn cả Gioan, Đức Maria là người đã “ở lại trong Tình yêu” của Chúa khi Mẹ ghi nhớ Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng[1]. Chính vì thế, Mẹ luôn cảm nhận sâu xa lời Sứ thần nói với Mẹ: “Đức Chúa ở cùng Bà[2], nên cả cuộc đời Mẹ chỉ là cuộc sống tràn ngập niềm vui và chia sẻ yêu thương cho mọi người.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Ngay từ khi Mẹ hiện hữu, Chúa đã ở cùng Mẹ cách đặc biệt bằng ân sủng của Người. Người đã quan phòng ân cần săn sóc qua tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời Mẹ.Tôi cũng được mời gọi để không ngừng lặp đi lặp lại cho mình lời lạ lùng này: “ Chúa ở cùng con”.

Tôi ý thức mỗi khi tôi rước Chúa vào lòng, là tôi được Ngài ở cùng, được nên một với Ngài trong máu thịt tôi, để Ngài hiện diện và biến đổi tôi.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ duy trì trong con niềm xác tín rằng Chúa trợ giúp con trong mọi hoàn cảnh, xin khơi gợi nơi con lòng can đảm khi hành động mọi việc bằng cách dựa vào Chúa. Xin Mẹ làm cho những người đang đau khổ cảm thấy Chúa ở gần họ biết bao và cuối cùng xin cho con biết dành một chỗ đứng lớn hơn cho Mẹ trong cuộc đời con, xin Mẹ đưa con mỗi ngày càng đến gần bên Chúa hơn. Amen

“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”


[1] Lc 2,19.51
[2] Lc 1,28

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *