“Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ…Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai”.[1]
Bạn thân mến,
Chỉ còn 8 ngày nữa là đến ngày sinh nhật của Chúa Hài Đồng Giêsu . Mừng sinh nhật con, không thể nào không nhớ ơn mẹ, vì mẹ đã cưu mang con trong lòng mẹ 9 tháng với biết bao trìu mến, nhưng cũng không ít cơ cực của việc “mang nặng đẻ đau”.
Là những người con hiếu thảo của Mẹ Maria, chúng ta hiệp thông với toàn thể Giáo Hội dành tuần bát nhật này để cùng nhịp bước trong chuyến đi của Mẹ và Thánh Giuse về nguyên quán để khai hộ khẩu, đúng vào thời gian mà bất cứ phụ nữ nào sắp “ở cữ” như Mẹ cũng cần phải được nghỉ ngơi dưỡng sức.
Con đường sa mạc cát bụi và nắng, nóng hơn 150 km từ Nazaret tới Bêlem.
Con đường từ Nadarét tới Belem dài hơn 150 cây số. Đó là một chặng đường quá sức gay go đối với Đức Mẹ và cả thánh Giuse nữa, vì là đường đi trong sa mạc, với phương tiện di chuyển duy nhất là dùng lừa hay lạc đà. Ngoài lương thực mang theo, chắc chắn các Ngài phải dừng lại nhiều lần để nghỉ chân, kiếm nước, nghỉ đêm ở ven đường hoặc quán trọ nào đó và phải đón nhận rất nhiều thiếu thốn và bất tiện cho một phụ nữ sắp tới ngày sinh con!!!
Động lực nào đã giúp Mẹ vượt qua được chặng dường gian khổ này? Chúng ta cùng trải nghiệm với Mẹ trên những bước đi.
Xin Mẹ ban ơn can đảm của Mẹ cho chúng con, để chúng con cùng Mẹ vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc đời chúng con, như Mẹ khi xưa.
BƯỚC THỨ HAI: 18/12
Khoảng cách giữa trời và đất xa vời vợi không thể đo lường. Giữa Thiên Chúa và con người lại càng xa cách hơn: Ngài là Thiên Chúa và là Đấng Tạo Hóa, con người là bụi đất và do chính Ngài tạo ra, như người thợ gốm và chiếc bình gốm được ông nắn ra!
Như vậy, làm sao con người có thể nhận ra Hoàng Tử Thiên Đình để đón nhận Ngài vào nhà mình? Vì thế, kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa được thực hiện một cách tiệm tiến, phù hợp với tâm lý con người và có đủ thời gian cho con người chuẩn bị đón nhận ƠN CỨU ĐỘ.
Trước tiên, Ngài kêu gọi Áp-ra-ham, mời gọi ông ra đi đến nơi Ngài sẽ chỉ cho, và qua ông Ngài thành lập một Dân Riêng. Ông vâng lời bỏ xứ sở ông đang ở và ra đi với bà vợ và đàn súc vật. Sau thời gian dài đợi chờ, người con Chúa hứa ban ra đời là Isaac, tiếp theo là đời cháu: Gia-cóp. Ông Gia-cóp có 12 người con, trong đó cậu Giuse, áp út, bị các anh em bán qua Ai Cập. Nào ngờ ông trở thành người thứ hai trong triều đình, sau nhà vua, có đủ mọi quyền hành và tài sản trong tay. Xảy ra có nạn đói trong vùng và gia đình ông Gia-cóp lâm vào tình trạng đói khổ. Nghe biết bên Ai Cập lúa thóc dồi dào vì Giuse đã dự trữ được từ nhiều năm, ông sai các con qua đó mua lúa thóc. Giuse nhận ra anh em mình, ông rất xúc động và tìm cách đưa cha và các anh em qua định cư bên Ai cập.
Dòng dõi Gia-cóp tăng dân số và trở nên đông đảo. Sau một thời gian, Giuse qua đời, một vua mới lên ngôi, không biết đến công lênh của Giuse khi xưa và nguồn gốc của đám dân này, nên đối xử với họ như nô lệ và bắt họ phải làm những công việc vất vả nhất trong nước. Cuộc sống của họ ngày càng trở nên lầm than cơ cực hơn.
Trong 400 năm nô lệ, Thiên Chúa đã an bài cho có một người con trai của dòng dõi này, thay vì bị giết chết ngay từ lúc mới sinh theo lệnh nhà vua, thì lại được cứu sống. Người đó chính là Mô-sê! Do tình thương, người mẹ của Mô-sê không nỡ giết con mà đem thả xuống sông với hy vọng có ai đó vớt con lên và đem về nuôi. “Thiên Chúa viết thẳng trên những đường cong”: người vớt đứa bé lên, không phải là thường dân, mà chính là một công chúa, con gái của vua Pharaô đang cai trị toàn cõi Ai Cập. Thấy đứa bé kháu khỉnh, cô thương và tìm người chăm sóc cho bé cứng cát hơn, sau đó đem về nuôi tại hoàng cung. Điều thật bất ngờ, người được cô tin tưởng trao cho việc chăm sóc lại là mẹ ruột của bé!
Được nuôi dạy và lớn lên trong môi trường hoàng gia, Mô-sê trở nên một thanh niên đầy đủ sức khỏe thể xác, tinh thần và có khả năng lãnh đạo. Một lần chứng kiến người đồng hương bị đối xử tàn tệ, ông đã tiêu diệt người Ai Cập đó. Câu chuyện này bị bại lộ, ông phải bỏ Ai Cập ra đi đến một nơi khác, cưới vợ và lập cư ở đó.
“Bây giờ, ngươi hãy đi !
Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.”[2]
Dân Ít-ra-en ngày càng rên siết trong cảnh nô lệ. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và nhớ lại giao ước của Ngài với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Khi ông Mô-sê đang đi chăn chiên cho bố vợ, Ngài lên tiếng gọi ông và giao cho ông sứ vụ đi gặp vua Pharaô, xin cho con cái Ít-ra-en được ra khỏi Ai Cập. Rồi ông phải đến gặp tòan dân Ít-ra-en để “ra mắt” họ và cho họ biết chương trình của Chúa muốn cứu họ khỏi cảnh nô lệ này.
Sau nhiều gian nan vất vả để đối phó với vua Pharaô, ông mới đưa dân ra khỏi Ai Cập được. Ra khỏi đó, trên đường đi trong sa mạc, ông lại nhiều phen điêu đứng với những tiếng than van của dân Ít-ra-en, vì thiếu thực phẩm và những tiện nghi vật chất khác cho họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn đồng hành với dân, nghe tiếng họ kêu cầu và hỗ trợ ông Mô-sê đáp ứng nhu cầu của họ.
Thiên Chúa trao hai bia đá khắc mười điều răn cho Mô-sê
Như là giao ước giữa Chúa và Dân Riêng của Ngài.[3]
Sau 3 tháng ra khỏi Ai Cập, họ tới núi Xi-nai. Ông Mô-sê lên núi gặp Chúa. Chúa truyền cho ông hỏi ý kiến dân có muốn lập giao ước với Chúa, để trở thành DÂN RIÊNG của Chúa và Chúa sẽ là THIÊN CHÚA DUY NHẤT của dân. Dân đáp lại: “Mọi điều ĐỨC CHÚA phán bảo, chúng tôi xin làm theo.”[4] Tại núi này Thiên Chúa đã ban lề luật cho dân, đó là Mười Điều Răn.
Mô-sê là hình ảnh báo trước về vị thủ lãnh từ Chúa Cha mà đến là Đức Ki-tô, Hoàng Tử Thiên Đình, và dân riêng chính là hình ảnh Giáo Hội của Chúa Ki-tô, nghĩa là chúng ta đây, những người đã và đang đón tiếp Đức Ki-tô. Hiệp cùng với Mẹ Maria, đang cưu mang vị Thủ Lãnh đó trong cung lòng Mẹ, chúng ta hãy thưa với Ngài:
“Lạy Chúa là Thủ Lãnh nhà Ít-ra-en. Ngài đã xuất hiện trong ánh lửa bụi gai cho Mô-sê chiêm ngưỡng, ban lề luật cho ông trên đỉnh núi Xi-nai. Xin ngự đến mà ra tay cứu chuộc loài người.”[5]
[1] Lc 2,1-4
[2] Xh 3,10
[3][2] X. Xh 19-20
[4] Xh 19, 8
[5] GKPV-ĐCTM kinh chiều ngày 18.12