KỶ NGUYÊN MỚI
LỄ TRUYỀN TIN 25.3
“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”[1].
Kỷ nguyên mới là đây!
Là Kỷ Nguyên Cứu Chuộc, nhờ Con Thiên Chúa tự nguyện nhập thể làm người để cứu nhân loại. Sứ thần Gabriel được Thiên Chúa sai tới cô Maria để ngỏ lời mời cộng tác vào kế hoạch yêu thương này: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.[2]
Biến cố trọng đại này không chỉ làm cô Maria bối rối mà còn gây xôn xao cả vũ trụ, làm ngây ngất bao lòng người với những vần thơ, dòng nhạc không dứt…
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, – bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?[3]
Vậy biến cố đã xảy ra khi nào? Tại sao lễ Truyền Tin lại được đặt vào ngày 25 tháng 3 hàng năm? Ngày này luôn rơi vào Mùa Chay và đôi khi vào ngay Tuần Thánh khiến Giáo Hội phải dời lại sau lễ Phục sinh. Thưa, chỉ vì 25 tháng 3 chính xác là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh. Như vậy, Giáo Hội muốn chúng ta mừng kính ngày Đấng Cứu Thế thụ thai trong cung lòng người Mẹ rất thánh của Người, tiếp đến là ngợi ca Đức Maria, Đấng đã thưa “xin vâng” trước lời ngỏ của Thiên Chúa, để cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài.
Lời đáp trả của Đức Maria: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”, thường được gọi là lời “Fiat-xin vâng” của Đức Maria. “Đó là lời ‘xin vâng’ của một người muốn dấn thân và chấp nhận rủi ro, đánh cược mọi thứ, mà không có bảo đảm an ninh nào khác hơn ngoài niềm xác tín rằng Mẹ là người đang mang một lời hứa”[4].
Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria biết rõ nguy hiểm chờ đón mình, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng: theo luật Do Thái, nếu một thiếu nữ đã đính hôn mà mang thai ngoài hôn nhân, người chồng có quyền tố cáo và người ta sẽ lôi cô gái ra khỏi thành, ném đá cho đến chết.[5] Vậy “thụ thai ngay bây giờ” cũng có nghĩa là chấp nhận án tử hình. “Đức Maria đã không mua bảo hiểm nhân thọ! Mẹ đã mạo hiểm và vì thế Mẹ trở nên mạnh mẽ, trở nên một influencer (người có uy thế). Mẹ là một influencer của Thiên Chúa. Tiếng “xin vâng” và mong muốn phục vụ thì mạnh mẽ hơn những nghi nan và khó khăn”. Lời xin vâng này sẽ theo Đức Maria suốt cả cuộc đời cho đến chân thập giá. Mẹ đã phải đi con đường bóng tối và thử thách của đức tin; nhưng cuối cùng Mẹ đã hưởng trọn niềm vui: “Lạy nữ Vương thiên đàng, hãy vui mừng, alleluia…vì Chúa đã sống lại thật, alleluia…”[6]
LỄ TRUYỀN TIN VÀ
VIỆC “LÀM MỚI LẠI CÁC LỜI KHẤN” CỦA NỮ TỬ BÁC ÁI
“Việc làm mới lại các lời khấn hằng năm giúp các Nữ Tử Bác Ái khẳng định thêm ý muốn đáp lại ơn gọi, đồng thời bảo đảm cho việc phục vụ Đức Kitô trong Tu Hội được bền vững: nó đòi hỏi các Chị phải có một hành động quyết định tự do và luôn luôn được cảm hứng bởi tình yêu.”[7]
Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn được thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh nữ Louise de Marillac thành lập năm 1633 với mục đích chính là để tôn vinh Chúa Giêsu Kitô, như nguồn mạch và khuôn mẫu của mọi thứ bác ái, bằng cách phục vụ Ngài về thể xác và tinh thần nơi người nghèo khổ[8].
Chín năm sau, vào ngày lễ Truyền Tin, 25.3.1642, thánh nữ Louise và bốn chị Nữ Tử Bác Ái tuyên khấn lần đầu, « khấn trọn đời ». Đến năm 1648, các lời khấn được qui định là hằng năm. Các chị em xin phép thánh Vinh Sơn để làm mới lại các Lời Khấn.
Truyền thống chị em «làm mới lại các lời khấn hằng năm» vào ngày lễ Truyền Tin, 25 tháng 3, theo ý muốn của thánh nữ Louise de Marillac, để liên kết sự tận hiến của mẹ thánh Louise và của con cái mẹ với lời Xin Vâng của Đức Trinh Nữ Maria. Khi nhìn ngắm Đức Maria, các Nữ Tử Bác Ái học noi gương Mẹ để trở nên những Nữ Tỳ hoàn toàn sẵn sàng thi hành những điều Thiên Chúa đang chờ đợi nơi các chị, lưu tâm đến con người, khiêm tốn phục vụ người nghèo, là những người mà các chị được sai đến: « Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa…». Đối với người Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, trọng tâm của sự dâng hiến của các Chị là việc phục vụ Đức Kitô nơi người nghèo. Chính vì thế, Chuẩn Sinh trở thành Nữ Tử Bác Ái khi vào Tập Viện. Tuy nhiên, cần có Lời Khấn để ở lại trong Tu Hội[9].
Thành ngữ « làm mới lại các lời khấn hằng năm », có nghĩa là hằng năm chị Nữ Tử Bác Ái có cơ hội thưa lại tiếng « xin vâng » mà không làn gián đoạn sự cam kết trong thời gian. Trái lại, «đó là một tiến trình giúp mỗi chị em đọc lại đời sống, lấy lại sự sinh động, cam kết lại một lần nữa trong sự trung thành. Đó là phương thế để phát triển về nhân bản, thiêng liêng và ơn gọi[10]». Như thế, nguyên tắc này không làm giảm tầm quan trọng cũng như tính triệt để của lời khấn. Nó cho cơ hội chọn lựa sống thực sự. Khi đó lời khấn là những dấu chỉ ngôn sứ.[11]
Cha Thánh Vinh Sơn thấy trước sự yếu đuối của phận người nên đã khuyến cáo con cái : «Tuy nhiên, đừng tuyên khấn thì tốt hơn khi khấn mà lại có ý định sẽ xin miễn chuẩn khi nào chị em muốn. »[12]
Thánh ý Chúa đã rõ ràng khi Giáo Hội đã phê chuẩn Hiến Pháp và Nội Qui của Tu Hội và nhìn nhận những lời khấn của Nữ Tử Bác Ái « theo cách thế mà Tu Hội vẫn hiểu, trung thành với các đấng sáng lập»[13].
XIN CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA MÃI ĐẾN MUÔN ĐỜI!
XIN ĐỨC MẸ BAN ƠN TRUNG THÀNH CHO CÁC NỮ TỬ BÁC ÁI!
[1] Gl 4, 4-5
[2] Lc 1, 28-29
[3] Hàn Mạc Tử, trích thơ “Thánh nữ đồng trinh Maria Ave Maria”
[4] Tông huấn Christus Vivit, số 44
[5] X. Đnl 22, 22-23
[6] Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
[7] HP số 28e
[8] X. QL chung của NTBA, ch. I,1
[9] Chuẩn bị khấn-Bản hướng dẫn trang 33.
[10] Nt.
[11] Nt.
[12] BNC 19.7.1640, Coste IX,25
[13] HP số 28a. X. Gl 731, 2