fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

19.5.2019 – CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH – C
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 13,31-33a.34-35)
Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Yêuđược yêu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của mỗi con người. Tình yêu cần thiết như không khí. Có thể ví yêu và được yêu là hai thì trong một nhịp thở của con người như hít vào và thở ra vậy.

Ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao con người lại cần yêu và được yêu? Tình yêu xuất phát từ đâu?

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cần tìm hiểu về chính nguồn gốc của con người: Con người là ai? Tôi là ai?

Kinh Thánh nói rằng: Con người là một tác phẩm đặc biệt từ bàn tay ấm áp của Thiên Chúa.[1] Nhưng Thiên Chúa là Ai? Cũng chính Kinh Thánh trả lời cho chúng ta: Thiên Chúa là Tình yêu![2] Chính vì được tạo dựng bởi Tình yêu mà cuộc sống con người không thể thiếu hơi ấm của tình yêu. Chúng ta có mặt trên đời là nhờ bởi tình yêu, và chúng ta sẽ sống bằng tình yêu, sống vì tình yêu và sống cho tình yêu.

Quả thật Thiên Chúa là Tình yêu! Ngài đã tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài[3]: chúng ta là họa ảnh của Tình yêu, và chúng ta chỉ hoàn thành viên mãn sứ mạng của mình khi trở nên Tình yêu như Ngài.

Vậy Thiên Chúa đã yêu như thế nào? “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”, “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.[4]Chúa Giêsu cũng yêu chúng ta cho đến cùng[5] khi Ngài hiến thân chịu chết đền tội chúng ta, và Ngày dạy chúng ta cũng yêu như Ngài, yêu theo kiểu mẫu của Ngài, đó là yêu đến cùng, yêu cho tận tình.

Con người hôm nay có nhiều góc nhìn phiến diện về tình yêu. Họ cho rằng tình yêu (Eros) là một khát vọng, là sự  thèm muốn, là nhu cầu tìm kiếm và sở hữu những gì mình còn thiếu.[6] Chính sự lệch lạc và nhầm lẫn ấy làm cho họ coi danh dự và lạc thú của mình quan trọng hơn phẩm giá người khác, coi thường mạng sống thai nhi…làm cho thế giới ngày càng cạn kiệt tình yêu và đói khát niềm vui.

  • Chính vì vậy, Thiên Chúa cần đến chúng ta – những kẻ được sinh ra trong Tình yêu – để bày tỏ cho thế giới về Vẻ Đẹp đích thực của Tình yêu: Đó là Tình yêu cho đi chính bản thân mình, trao tặng chính sự sống của mình cho người khác và vì người khác: “Tình yêu bấy giờ trở thành sự chăm sóc người khác và cho người khác. Tình yêu…chỉ muốn điều tốt lành cho người mình yêu: tình yêu trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật”[7].

Người đầu tiên trong nhân loại đã tự nguyện đáp trả lời mời gọi tình yêu ấy của Thiên Chúa, đi vào con đường tình NHƯ Giêsu đã đi, đó chính là Đức Maria. Khi nghe Sứ thần trình bày kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, và trong kế hoạch ấy, Thiên Chúa cần Mẹ cộng tác…Mẹ không sợ mất danh dự, không ngại mất đi một cuộc hôn nhân tốt đẹp và thánh thiện, cũng không níu giữ cho mình một chút an nhàn riêng tư… Mẹ đã không ngần ngại trao dâng tất cả con người mình cùng với hiện tại, tương lai, mọi khả năng và ý chí, tự do… để tất cả tùy ý Chúa và phục vụ kế hoạch tình yêu của Người.[8]

Chính nhờ sự hy sinh cao cả của Mẹ, mà chúng ta có được Chúa Giêsu, và cũng nhờ sự kết hợp mật thiết của Mẹ với Chúa Giêsu, mà chúng ta được nhận-biết Tình yêu Thiên Chúa. Thế nhưng, khi nghĩ đến việc hy sinh cho người khác, chúng ta vẫn có những ngần ngại, vì tính ích kỷ và thích yên thân làm chúng ta dễ chùn bước, không dám đối diện với những thách đố, những rắc rối mà anh chị em chúng ta đang gặp phải. Chúng ta sợ bị liên lụy, sợ mất danh dự, sợ đau, sợ khổ, sợ thiếu thốn… Mẹ Maria đã cùng với Chúa Giêsu đón nhận những điều ấy trong cuộc sống và đón nhận cách đầy đủ tất cả trong cuộc khổ nạn và cái chết vì chúng ta và cho chúng ta.[9]

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Đến lượt tôi, tôi có dám “xin vâng” như Mẹ và cùng với Mẹ, để hy sinh cho người anh em đang cần đến tôi không?

Tôi có dám “quên mình”, quên đi cái lợi ích cá nhân tôi, gia đình tôi… để bảo vệ cho một mạng sống vô tội, hay để cưu mang suốt đời một mảnh đời bất hạnh đang cần sự che chở và giúp đỡ của tôi không?

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, cùng với Mẹ và trong Mẹ, con xin dâng hiến cuộc sống của con, như một lời tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu cao cả Chúa dành cho con. Xin cho con một tình yêu lớn mạnh để đáp trả lại tình yêu của Chúa, bằng cách dám yêu thương và hy sinh chính mình vì lợi ích của người anh chị em xung quanh con. Amen

“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”


[1] X. St 2,7-8
[2] 1 Ga 4,16
[3] St 1,26-27
[4] Ga 3,16; 1 Ga 4,10
[5] Ga 13,1
[6]Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc. “Sự Tương Phản Và Đồng Quy Giữa Eros Và Agapê Trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu” –http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThongDiep/TuongPhanDongQuiDeusCaritas.htm
[7]ĐTC Bênêđictô XVI –  Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThongDiep/01DEUS_CARITAS_EST.htm
[8] X. Lc 1, 26-38
[9] Mặt trái của Mẫu Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn – https://gdanhducmebanon.org/gioi-thieu-ve-anh-duc-me

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *